10 bộ phim hay nhất dựa trên nguyên tác của 'ông hoàng' Stephen King

Trước 'The Dark Tower' năm nay, rất nhiều cuốn tiểu thuyết của nhà văn nổi tiếng Stephen King từng được chuyển thể thành công lên màn bạc và khiến khán giả thích thú.

Carrie (1976): Carrie chính là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Stephen King và được chuyển thể thành phim chỉ sau đúng hai năm xuất bản. Bộ phim là tác phẩm kinh dị đẫm máu, khơi gợi về vấn nạn bắt nạt chốn học đường và lên án sự cuồng tín thông qua hai nhân vật Carrie cùng người mẹ Margaret White. Diễn xuất tuyệt vời của Sissy Spacek và Piper Laurie đã mang về cho họ đề cử Oscar ở hai hạng mục Nữ diễn viên chính Nữ diễn viên phụ xuất sắc năm đó.

The Shining (1980): Giới phê bình điện ảnh đánh giá The Shining là một trong những bộ phim kinh dị hay nhất mọi thời đại, nhưng tác phẩm chuyển thể lại không được lòng chính tác giả nguyên tác. Nguyên nhân là đạo diễn Stanley Kubrick đã quá tập trung vào nhân vật của Jack Nicholson, thay vì yếu tố siêu nhiên như cuốn tiểu thuyết gốc. The Shining chứa đựng nhiều hình ảnh rùng rợn khó hiểu đến mức 32 năm sau, cộng đồng fan đã cùng nhau thực hiện tác phẩm tài liệu Room 237 nhằm giải thích các ẩn ý trong phim.

The Dead Zone (1983): Johnny Smith là người giáo viên bị hôn mê suốt 5 năm sau một tai nạn khủng khiếp. Tỉnh dậy, anh thấy mình sở hữu khả năng đặc biệt là đọc được cuộc sống của người khác ở cả quá khứ, hiện tại và tương lai khi trực tiếp tiếp xúc với họ. Nhờ đó, Johnny được cảnh sát trưởng Bannerman chiêu mộ cho công việc điều tra tội phạm đầy nguy hiểm. Diễn xuất tuyệt vời của nam diễn viên gạo cội Christopher Walken trong vai chính là điểm nhấn giúp tạo nên thành công cho The Dead Zone.

Children of the Corn (1984): Children of the Corn đưa khán giả đến một thị trấn có vẻ ngoài hiền hòa mang tên Gatin. Nhưng bi kịch sớm xảy ra khi đứa trẻ Issac bị thao túng bởi thực thể siêu nhiên được gọi là “He who walks behind the row” (kẻ bước sau bờ rào). Toàn bộ lũ trẻ con trong thị trấn gây náo loạn và bắt đầu ra tay tàn sát người lớn. Loạt phim kéo dài tới bảy phần, nhưng sáu phần tiếp theo chỉ được phát hành dưới định dạng DVD. Bản thân tập phim đầu tiên không được lòng giới phê bình, nhưng dần dà trở thành cái tên không thể thiếu mỗi khi người ta nhắc tới dòng phim kinh dị máu me của Hollywood vào thập niên 1980.

Stand by Me (1986): Tuy Stephen King được biết tới chủ yếu qua thể loại kinh dị hoặc viễn tưởng, nhưng một trong những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng nhất dựa trên tiểu thuyết của ông lại thuộc dòng “coming-of-age” (tuổi trưởng thành). Stand by Me là hành trình đi tìm kiếm xác của một cậu bé cùng trang lứa của bộ tứ Gordie, Chris, Teddy và Vern. Phim thu hút khán giả nhờ câu chuyện xúc động về tình bạn và những trải nghiệm sâu sắc về sự trưởng thành của tuổi thiếu niên.

Misery (1990): Kathy Bates là ngôi sao trên sân khấu Broadway, và Misery là tác phẩm đã biến chị trở thành ngôi sao điện ảnh với một tượng vàng Oscar cho vai diễn Annie Wilkes. Trong phim, Annie là người hâm mộ đến phát cuồng của nhân vật nữ anh hùng Misery Chastaine do nhà văn Paul Sheldon sáng tạo nên. Cô tình cờ gặp vị tác giả mà mình ngưỡng mộ trong một cơn bão tuyết và đưa ông vê nhà mình. Song, thay vì giúp đỡ Paul, Annie đập vỡ mắt cá chân của nhà văn và ép ông phải viết một tác phẩm cho riêng ả.

The Shawshank Redemption (1994): Tuy không gặt hái thành công tại phòng vé, nhưng The Shawshank Redemption đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt nhờ thị trường băng đĩa, truyền hình cáp, và tới nay đang đứng đầu danh sách 250 phim hay nhất mọi thời đại do cộng đồng IMDb bầu chọn. Andy phải chịu án tù chung thân khi bị khép tội giết vợ. Tại nhà tù Shawshank, anh gặp gỡ người đàn ông tên Red đã ở tù hơn 20 năm vì tội buôn lậu. Red mang lại cho Andy niềm tin vào cuộc sống, đồng thời tạo ra động lực để anh thực hiện kế hoạch vượt ngục vĩ đại. Bộ phim nhận bảy đề cử Oscar nhưng rốt cuộc ra về tay trắng do gặp phải đối thủ nặng ký là Forrest Gump (1994).

The Green Mile (1999): Tiếp nối thành công của The Shawshank Redemption, đạo diễn Frank Darabont thêm một lần nữa chuyển thể tác phẩm văn học của Stephen King lên màn ảnh. Với The Green Mile, chuyện phim tiếp tục lấy bối cảnh nhà tù, nhưng lần này là vào thời kỳ đại suy thoái của nước Mỹ hồi thập niên 1930. Tại nhà giam Death Row, tù nhân John Coffey bị kết án đã sát hại hai cô bé, nhưng sở hữu khả năng chữa lành mọi bệnh tật và khiến người quản giáo Paul Edgecomb (Tom Hanks) nghi ngờ về bản án của anh. Đây là vai diễn đột phá của Michael Clarke Duncan - tài tử da màu có thân hình hộ pháp đã qua đời năm 2012. The Green Mile nhận bốn đề cử Oscar năm 2000, trong đó có hạng mục Phim truyện xuất sắc.

1408 (2007): 1408 là căn phòng bị nguyền rủa tại khách sạn Cá Heo ở thành phố New York (Mỹ) khi bất cứ ai bước vào đó đều gặp phải kết cục bi thảm. Bất chấp những cái chết dị thường và lời cảnh báo của người quản lý Gerald Olin (Samuel L. Jackson), nhà văn chuyên trị thể loại siêu nhiên Michael Enslin (John Cusack) vẫn tìm đến nó để có thể sáng tác tác phẩm mới. 1408 gây tò mò cho khán giả khi ê-kíp làm phim đã thực hiện tới bốn đoạn kết khác nhau cho tác phẩm.

The Mist (2007): The Mist vốn là một truyện ngắn trong tuyển tập Dark Forces, rồi sau đó được chỉnh sửa và phát hành lại trong bộ sưu tập Skeleton Crew. Bộ phim lấy bối cảnh tại thị trấn nhỏ Maine, nơi một ngày bỗng chìm trong màn sương mù bí ẩn và bị các loài quái vật kinh khủng tấn công. Tác phẩm điện ảnh đã truyền tải trọn vẹn cảm giác tăm tối và nguy hiểm của nguyên tác. Song, đoạn kết phim lại hoàn toàn khác với những gì xảy ra trên trang sách, và nhà văn Stephen King rất tán đồng cách giải quyết của đạo diễn Frank Darabont.

Hiếu Trịnh
Ảnh: Outnow

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/10-bo-phim-hay-nhat-dua-tren-nguyen-tac-cua-ong-hoang-stephen-king-post768485.html