10 cảnh phim khiến nhà sản xuất bị kiện

Bởi nhiều lý do, một cảnh phim tưởng chừng vô hại trên màn ảnh có thể khiến nhà sản xuất đối mặt với vấn đề pháp lý.

Cảnh khoan máy bay trong Die Hard 2: Die Harder (1990): Việc Die Hard 2: Die Harder ngốn tới 70 triệu USD tiền sản xuất khiến Fox phải tìm kiếm nguồn tài trợ từ bên ngoài. Một trong số đó là thỏa thuận quảng bá sản phẩm máy khoan Univolt của Black & Decker với giá 20.000 USD. Tuy nhiên, cảnh nam chính sử dụng chiếc khoan bị cắt khỏi bản phim chính thức. Black & Decker kiện Fox, đòi khoản bồi thường trị giá 150.000 USD trong khi vẫn chưa thanh toán khoản tiền quảng cáo 20.000 USD theo thỏa thuận trước đó. Ảnh: Fox.

Cảnh tắm trong Apt Pupil (1998): Trong bộ phim kinh dị tâm lý của Bryan Singer, thiếu niên Todd Bowden (Brad Renfro) đã tưởng tượng một người bạn Do Thái đang tắm là tù nhân phòng hơi ngạt ở trại tập trung của phát xít Đức. Hai tuần sau khi cảnh phim được quay tại một trường trung học ở California, một thiếu niên 14 tuổi đã đệ đơn kiện đoàn phim. Cậu cho biết mình được yêu cầu khỏa thân khi ghi hình, nhưng đã từ chối. Hai thiếu niên khác, ở độ tuổi 16 và 17, cũng tố cáo sự việc tương tự. Tuy nhiên, vụ kiện không được đưa ra xét xử. Singer bèn quay lại phân cảnh này với các diễn viên trưởng thành. Ảnh: TriStar Pictures.

Cảnh tán phét trong Borat (2006): Chàng phóng viên (Sacha Baron Cohen) đã ngồi tán phét với ba sinh viên say xỉn và kết thúc bằng loạt trò đùa liên quan đến phân biệt chủng tộc. Justin Seay và Christopher Rotunda, hai sinh viên Đại học Nam Carolina xuất hiện trong trường đoạn, đã đâm đơn kiện nhà sản xuất vì nội dung gây ảnh hưởng đến tương lai sự nghiệp của họ. Cảnh phim có Seay và Rotunda rốt cuộc bị cắt khỏi bản DVD của Borat. Vụ kiện cuối cùng bị bãi bỏ vào tháng 2/2007. Ảnh: Fox.

Món đạo cụ trong Couples Retreat (2009): Bộ phim rom-com ít danh tiếng ra mắt năm 2009 đã bị kiện vì sử dụng hình ảnh cựu người mẫu Irina Krupnik trong cảnh phim Joey (Jon Favreau) thủ dâm. Krupnik đã đệ đơn kiện đòi khoản bồi thường 10 triệu USD. Tuy nhiên, tòa án đã bác bỏ đơn kiện của Krupnik. Ảnh: Universal.

Hình xăm của Stu trong The Hangover Part II (2011): Trên phim, Stu tỉnh dậy với hình xăm giống với hình xăm của Mike Tyson trên mặt. S. Victor Whitmill, nghệ sĩ xăm mình đã thực hiện tác phẩm cho Tyson, đâm đơn kiện Warner Bros vi phạm bản quyền. Hãng phim phủ nhận cáo buộc, cho rằng hình xăm vĩnh viễn trên mặt người không được luật bản quyền bảo hộ. Cuối cùng, yêu cầu cấm phát hành bộ phim của Whitmill bị tòa án từ chối, còn Warner Bros. sử dụng kỹ xảo để vẽ lại hình xăm. Ảnh: Warner Bros.

Chiếc lò vi sóng bốc cháy trong American Hustle (2013): Trong phim, Rosalyn Rosenfeld (Jennifer Lawrence) đã nói với chồng rằng cô đọc được một bài báo của Paul Brodeur về việc lò vi sóng hút chất dinh dưỡng khỏi thực phẩm. Brodeur, từng là cây viết mảng khoa học cho The New Yorker, đã kiện nhà sản xuất phim American Hustle vì ông chưa bao giờ phát ngôn như thế. Đơn kiện nhanh chóng bị tòa án bác bỏ. Ảnh: Columbia Pictures.

Nhân vật quản lý ban nhạc trong Straight Outa Compton (2015): Nhà sản xuất bộ phim tiểu sử Straight Outa Compton đã bị Jerry Heller, cựu quản lý nhóm N.W.A. đâm đơn kiện. Ông Heller yêu cầu khoản bồi thường 110 triệu USD vì nhà làm phim đã bóp méo hình ảnh mình trên màn ảnh, cũng như sử dụng một số tình tiết trong cuốn tự truyện của ông khi chưa được cho phép. Tuy nhiên, tòa án bãi bỏ đơn kiện sau khi Heller qua đời năm 2016. Ảnh: Universal Pictures.

Cảnh lái xe trong Resident Evil: The Final Chapter (2016): Diễn viên đóng thế Olivia Jackson gặp tai nạn khi chiếc xe phân khối lớn cô điều khiển va chạm với một thiết bị ghi hình nằm sai vị trí. Di chứng từ vụ tai nạn khiến Jackson phải loại bỏ một bên ngón cái và liệt tay trái. Nữ diễn viên đâm đơn kiện nhà sản xuất vì không tuân thủ các biện pháp an toàn khi ghi hình, cũng như thiếu minh bạch trong khâu xử lý hậu quả. Tới nay, vụ kiện vẫn chưa ngã ngũ. Ảnh: Screen Gems.

Chiếc mặt nạ của tên sát nhân trong Happy Death Day (2017): Jonathan Bertuccelli, nhà thiết kế linh vật King Cake Baby cho đội bóng rổ New Orleans Pelicans, đã đâm đơn kiện Universal. Theo Bertuccelli, chiếc mặt nạ của tên sát nhân trong Happy Death Day có nhiều chi tiết lấy từ thiết kế King Cake Baby mà chưa được sự cho phép của tác giả. Vụ kiện tới nay vẫn chưa ngã ngũ. Ảnh: Blumbouse Productions.

Cảnh đập vỡ kính trong Ghostland (2018): Bộ phim kinh dị độc lập Ghostland đã bị kiện sau khi nữ diễn viên 19 tuổi Taylor Hickson bị thương ở mặt lúc quay cảnh đập vỡ cửa kính. Nữ diễn viên khởi kiện nhà sản xuất vào tháng 3/2018 do môi trường làm việc thiếu an toàn. Vụ kiện vẫn kéo dài tới ngày hôm nay. Ảnh: Radar Films.

Anh Phan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/10-canh-phim-khien-nha-san-xuat-bi-kien-post1204393.html