10 cổ phiếu 'đánh mất mình' trong năm 2018

Càng trôi về nửa sau của năm 2018, thị trường càng trở nên 'khó nhằn', nhiều cổ phiếu từng được kỳ vọng lại dễ dàng 'đánh mất mình' và làm đau đầu không ít nhà đầu tư.

Ảnh minh họa.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã khép lại một năm giao dịch đầy biến động. Khởi đầu hưng phấn, chỉ số VN-Index sớm đạt đỉnh “mọi thời đại” 1.200 điểm ngay đầu tháng 4. Cùng sự đi lên của thị trường chung, nhiều cổ phiếu cơ bản, cổ phiếu đầu ngành đều có đà tăng tích cực, không ít cổ phiếu đã vượt đỉnh.

Tuy nhiên, càng trôi về nửa sau của năm 2018, thị trường càng trở nên “khó nhằn”, nhiều cổ phiếu từng được kỳ vọng lại dễ dàng “đánh mất mình” và làm đau đầu không ít nhà đầu tư.

VNM – CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk)

VNM được biết đến như một trong những cổ phiếu tăng trưởng được ưa thích nhất TTCK Việt Nam từ trước tới nay và thường chiếm tỷ trọng khá lớn trong danh mục các quỹ đầu tư. Tuy nhiên, năm 2018 lại đánh dấu một năm ít thăng nhiều trầm đối cổ phiếu này. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm với giá 120.000 đồng/cổ phiếu, VNM “bốc hơi” 30% so với đỉnh hồi đầu năm.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến xu hướng đi xuống của VNM có thể do tốc độ tăng trưởng có phần chậm lại so với các năm trước. Theo đó, sau 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu của Vinamilk chỉ tăng nhẹ 2% lên 39.600 tỷ đồng trong khi lợi nhuận trước thuế lại giảm 8% xuống 9.400 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, có thể thấy VNM cũng không còn là lựa chọn yêu thích của nhiều quỹ ngoại tại Việt Nam như VinaCapital, Pyn Elite Fund…, bất chấp việc đã nới room ngoại lên 100%. Mới đây nhất, theo báo cáo tháng 11 của Dragon Capital, lần đầu tiên trong lịch sử, VNM trượt ra khỏi top 10 khoản đầu tư lớn nhất của quỹ này.

VRE – CTCP Vincom Retail

VRE – “bom tấn” được nhiều quỹ ngoại săn đón từ trước khi lên sàn tháng 11/2017 cũng nhanh chóng đạt đỉnh 49.790 đồng/cổ phiếu (đã điều chỉnh) ngay đầu năm 2018. Tuy nhiên, không như kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư, gần 1 năm qua, cổ phiếu VRE liên tục trôi dần về vùng đáy 27.900 đồng/cổ phiếu, ghi nhận mức giảm tới hơn 40% so với đầu năm.

Khá khó hiểu với việc đi xuống của VRE khi kết quả kinh doanh vẫn tăng trưởng mạnh khi sau 9 tháng doanh thu đạt 6.083 tỷ đồng, gấp 1,5 lần cùng kỳ đồng thời lợi nhuận trước thuế cũng tăng 40% so với 9 tháng đầu năm ngoái.

Thậm chí, trong kỳ review tháng 7, VRE cùng với PNJ và VPB đã “lọt rổ” VN30 thay thế cho BID, BVH và NT2 qua đó đánh dấu tầm ảnh hưởng nhất định tới thị trường.

HPG – CTCP Tập đoàn Hòa Phát

Khởi đầu năm 2018 với đà tăng từ cuối năm ngoái, đi lên cùng thị trường chung, cổ phiếu HPG nhanh chóng đạt đỉnh 47.640 đồng/cổ phiếu (đã điều chỉnh) hồi đầu tháng 3. Tuy nhiên, sau nhiều sóng giảm điểm, đặc biệt trong hơn 1 tháng qua, HPG giảm sâu xuống còn 29.700 đồng/ cổ phiếu chốt phiên ngày 19/12, mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua. Kết thúc năm 2018, HPG đã rơi 35% kể từ đỉnh xuống còn 30.950 đồng/cổ phiếu.

Diễn biến không mấy tích cực của HPG có thể đến từ động thái liên tục bán ròng trong nhiều tháng của khối ngoại cùng với lo ngại những ảnh hưởng tiêu cực của việc thép Trung Quốc giảm sâu.

Ngoài ra, sự gia tăng nhanh các khoản nợ do đang trong giai đoạn đầu tư triển khai dự án Khu liên hợp thép Hòa Phát Dung Quất cũng khiến nhiều nhà đầu tư e ngại.

HSG – CTCP Tập đoàn Hoa Sen

Một “ông lớn” ngành thép khác là HSG cũng một năm giảm "nổi bật". Đạt đỉnh từ giữa năm 2017, HSG khởi đầu năm qua suôn sẻ khi tăng lên mức 25.480 đồng/cổ phiếu hồi giữa tháng 1. Dù vậy, đà tăng không giữ được lâu, sau nhiều lần lao dốc, HSG giảm gần 75%, chỉ còn 6.510 đồng/cổ phiếu, trở thành cổ phiếu duy nhất trong rổ VN30 giao dịch dưới mệnh giá.

Việc HSG giảm mạnh đến từ những khó khăn trong hoạt động kinh doanh, công ty gặp phải tình trạng cạnh tranh gay gắt trong nước và rào cản thương mại đối với thép. Bên cạnh đó là những vấn đề liên quan đến tồn kho, nợ vay tăng mạnh bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp.

SSI - CTCP Chứng khoán SSI

Cổ phiếu chứng khoán thường có biến động theo xu hướng thị trường chung. Trong bối cảnh thị trường không thuận, nhóm cổ phiếu chứng khoán thường cũng không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực.

Sau giai đoạn tăng mạnh mẽ từ cuối năm ngoái đến hết quý I, SSI bắt đầu có xu hướng đi xuống từ đầu quý II tới nay. Càng về những tháng cuối năm, SSI càng trôi gần về vùng đáy của 1 năm trở lại đây. Kết thúc năm 2018, cổ phiếu SSI chỉ còn 26.650 đồng/cổ phiếu, gảm gần 38% so với đỉnh.

Có thể thấy, thị trường ảm đạm đã ảnh hưởng tiêu cực tới mảng tự doanh cũng như hoạt động môi giới của “đầu tàu” ngành chứng khoán.

VPB – Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng

VPB là một trong những cổ phiếu “hot” nhất đồng thời cũng là cổ phiếu gây nhiều thất vọng trong năm 2018. Tiếp đà tăng từ cuối năm ngoái, VPB khởi đầu năm 2018 hưng phấn và nhanh chóng đạt đỉnh 42.830 đồng/cổ phiếu (giá điều chỉnh) ngay đầu tháng 4.

Tuy nhiên, sau khi đạt đỉnh, cổ phiếu VPB lại trượt dốc nhanh chóng qua đó "thổi bay" toàn bộ thành quả trước đó chỉ trong 2 tháng. Phần còn lại của năm 2018, VPB giao dịch “dập dìu” với xu hướng giảm chủ đạo.

Đến giữa tháng 11, VPB chỉ còn 19.000 đồng/cổ phiếu, mức giá thấp nhất kể từ khi lên sàn tháng 8/2017. Cổ phiếu VPB kết thúc năm 2018 với giá 19.950 đồng/cổ phiếu, giảm hơn một nửa so với đỉnh.

Diễn biến kém khả quan của VPB có thể đến từ lo ngại công ty con FE Credit tăng trưởng chậm hơn và đóng góp thấp hơn vào thu nhập hợp nhất. Ngoài ra, tăng trưởng cho vay tiêu dùng chậm hơn nhưng nợ xấu cũng có xu hướng tăng mạnh.

VCS – CTCP Vicostone

Trái với xu hướng đi lên trong những năm qua, năm 2018, VCS trải qua nhiều sóng giảm liên tiếp qua đó kết thúc năm với giá 67.600 đồng/cổ phiếu, mức giá thấp nhất trong hơn một năm rưỡi qua, giảm một nửa so với thời điểm đạt đỉnh hồi tháng 4.

Kết quả kinh doanh có phần chững lại khiến giới đầu tư lo ngại Vicostone đã bước qua thời kỳ "hoàng kim" của mình. Dù ước lợi nhuận quý IV có thể cao nhất trong lịch sử (bỏ qua yếu tố được hoàn thuế) nhưng sự giảm sút trong những quý trước đó có thể kéo Vicostone không hoàn thành kế hoạch đề ra cho năm 2018.

Mặt khác, trong năm 2018, áp lực cạnh tranh đã diễn ra ngày càng khốc liệt trên thị trường quốc tế từ các công ty sản xuất đá thạch anh nhân tạo với kinh nghiệm và quy mô tương đương Vicostone.

HBC - CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình

Sau nhiều năm tăng trưởng liên tiếp, cổ phiếu HBC cũng bắt đầu quá trình điều chỉnh từ cuối năm 2017 và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Một năm đi xuống trông thấy của HBC kết thúc với giá 17.350 đồng/cổ phiếu, “bốc hơi” gần 60% so với đỉnh đạt được cuối năm ngoái.

Kết quả kinh doanh kém khả quan là nguyên nhân quan trọng khiến giá cổ phiếu HBC giảm sâu khi lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm của HBC chỉ đạt 501 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước.

PVS - Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC)

Hơn một năm trở lại đây, PVS được biết đến như một trong những cổ phiếu thu hút dòng tiền tốt nhất trên thị trường với thanh khoản rất dồi dào. Dậy sóng mạnh mẽ từ cuối năm ngoái, PVS tăng liên tục qua đó vượt đỉnh 3 năm lên mức 29.120 đồng/cổ phiếu, thời điểm đó không ít nhà đầu tư bắt đầu nghĩ về thời “hoàng kim” của ông lớn này.

Dù vậy, việc chốt lời mạnh vùng đỉnh cùng những “cú rơi” bất ngờ của thị trường chung, PVS nhanh chóng đánh mất thành quả của gần 2 tháng trước đó chỉ sau 1 tuần giao dịch. Một năm đầy biến động với nhiều con sóng lớn nhỏ của PVS khép lại với giá 17.600 đồng/cổ phiếu, giảm 40% so với đỉnh hồi đầu năm.

Việc giá dầu không ổn định khi liên tục vượt đỉnh rồi phá đáy cũng ảnh hưởng không nhỏ tới PVS. Mức giá dầu thô thấp hơn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến PVS khi có thể làm giảm giá dịch vụ cũng như các hợp đồng ký mới thấp hơn.

Dù so với nhiều doanh nghiệp cùng ngành, PVS được cho là ít có sự tương quan đến biến động giá dầu thô hơn do danh mục kinh doanh đa dạng hơn. Tuy nhiên, triển vọng kinh doanh của đơn vị kinh doanh dịch vụ dầu khí này cũng điều chỉnh giảm. Trong đó, VCSC cũng đã giảm mức lợi nhuận dự báo cho PVS từ mức 818 tỷ về 755 tỷ đồng.

Ngoài ra, triển vọng của PVS cũng phụ thuộc lớn vào tiến độ phát triển các dự án khí lớn như mỏ Lô B, Su Tử Trắng – Giai đoạn 2 và dự án Cá Voi Xanh.

BSR – CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn

Tân binh sàn chứng khoán BSR cũng có một năm lên sàn đáng thất vọng. "Đại gia" ngành dầu khí được kỳ vọng khá nhiều khi lên sàn UpCOM vào đầu tháng 3/2018 với mức giá 22.400 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên sau đó, đi cùng với những biến động về nhân sự, là những chuỗi ngày “miệt mài” giảm điểm của BSR. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm, BSR giảm 40% so với mức giá chào sàn, xuống còn 13.600 đồng/cổ phiếu.

Việc cổ phiếu BSR giảm mạnh có thể đến từ lo ngại của giới đầu tư về tiến độ dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất đang diễn ra khá chậm. Bên cạnh đó là rủi ro cạnh tranh với NMLD Nghi Sơn từ năm 2019.

THANH HÀ

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/doanh-nghiep/10-co-phieu-danh-mat-minh-trong-nam-2018-3487018.html