10 danh nhân tuổi Tuất nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam

Lịch sử nước ta từng xuất hiện nhiều danh nhất tuổi Tuất tài năng, trải đều trên những lĩnh vực khác nhau. Họ có nhiều cống hiến cho dân tộc.

Lý Công Uẩn(Lý Thái Tổ) sinh năm Giáp Tuất (974-1028), là người mở đầu cho cơ nghiệp nhà Lý (1009-1225). Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vua người châu Cổ Pháp (Từ Sơn, Bắc Ninh), mồ côi cha từ nhỏ. Khi mới chào đời, Lý Công Uẩn được mẹ gửi ở chùa và được sư Lý Khánh Văn nhận làm con nuôi, dạy bảo. Lý Công Uẩn thông minh, trở thành quan của nhà Tiền Lê, được vua Lê Hoàn gả con gái cho. Dưới thời trị vì của Lê Ngọa Triều, Lý Công Uẩn giữ chức Điện Tiền chỉ huy sứ. Khi Lê Ngọa Triều qua đời năm 1009, không có người nối dõi, triều thần đã suy tôn Lý Công Uẩn làm vua. Năm 1010, ông quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long.

Theo một số tài liệu, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn sinh năm Bính Tuất (1226-1300, có tài liệu ghi sinh năm 1228 ). Ông là con trai của An Sinh Vương Trần Liễu, cháu ruột của vua Trần Thái Tông, anh họ của vua Trần Thánh Tông. Cuộc đời của Trần Quốc Tuấn gắn liền chiến công ba lần đánh bại giặc Mông - Nguyên, đội quân hung hãn và tàn bạo nhất thế giới trong thế kỷ XIII. Chiến thắng đã đưa ông trở thành một trong những nhà quân sự kiệt xuất nhất trong lịch sử quân sự thế giới. Ngoài tài năng về mặt quân sự, Trần Hưng Đạo còn để lại cho hậu thế những tư tưởng lớn. Trong đó, nổi bật là tư tưởng lấy dân làm gốc như lời khuyên của ông dành cho vua Trần Anh Tông trước khi qua đời: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc là thượng sách giữ nước”.

Lê Thánh Tông tên thật Lê Tư Thành, sinh năm Nhâm Tuất (1442-1497). Ông là vị vua thứ năm của nhà Hậu Lê, trị vì trong 37 năm. Lê Thánh Tông được đánh giá là vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam. Dưới thời trị vì của ông, chế độ phong kiến đạt đến cực thịnh, với những thành tựu nổi bật trên tất cả lĩnh vực, đời sống, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Lê Thánh Tông đặc biệt chú trọng người tài. Những nhân tài như Vũ Kiệt, Lương Thế Vinh, Thân Nhân Trung… đều rất được trọng dụng. Vua cũng chính là người đã xuống chiếu minh oan cho các đại thần có công như Nguyễn Trãi, Lê Sát, Trần Nguyên Hãn…

Nguyễn Chích sinh năm Nhâm Tuất (1382-1448), quê ở huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Theo Văn bia quốc triều tả mệnh công thần, Nguyễn Chính mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Ông là người ít nói, ít cười, hiền lành, trung thực, có chí lớn. Trước khi trở thành khai quốc công thần của nhà Hậu Lê, Nguyễn Chích cùng vợ mình là thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa chống nhà Minh xâm lược ở vùng Đông Sơn. Cuối năm 1420, ông mang toàn bộ lực lượng gia nhập với nghĩa quân của Lê Lợi, được phong làm Thiết đột hữu vệ Đồng tổng đốc chủ quân sự. Nguyễn Chích liên tiếp lập nhiều chiến công, là người đề xuất với Lê Lợi chuyển địa bàn khởi nghĩa vào Nghệ An, mở ra thời kỳ thắng lợi mới. Ông cũng là thủ lĩnh của đội quân chim bồ câu độc nhất vô nhị trong sử Việt.

Nguyễn Cư Trinh sinh năm Bính Tuất (1716-1767), tên thật Nguyễn Đăng Nghi, húy là Thịnh, hiệu Đạm Am, Đường Qua, Hạo Nhiên, tước Nghi Biểu Hầu. Ông nổi tiếng là người liêm chính, giỏi việc chính trị, doanh điền, ngoại giao. Nguyễn Cư Trinh còn là danh tướng giỏi trên chiến trường, có nhiều công trạng giúp chúa Nguyễn Phúc Chu ổn định và mở rộng lãnh thổ ở phía Nam.

Nguyễn Công Trứ sinh năm Mậu Tuất (1778), quê ở làng Uy Viễn, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Từ thuở thiếu niên, Nguyễn Công Trứ giỏi văn chương, có chí khí “kinh bang tế thế”. Khoa thi Kỷ Mão (1819), ông đỗ Giải nguyên trường Nghệ. Vốn tính thẳng thắn, cuộc đời làm quan của ông cũng nhiều lúc lận đận, thường xuyên bị nâng lên, hạ xuống. Ngoài rất nhiều tác phẩm văn học có giá trị, đóng góp lớn nhất của Nguyễn Công Trứ chính là việc ông đã chiêu mộ nhân dân khai khẩn đất hoang để lập nên hai huyện Kim Sơn (Ninh Bình) và Tiền Hải (Thái Bình).

Chu Mạnh người làng Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, sinh năm Nhâm Tuất (1862) trong gia đình có truyền thống Nho học. Thân phụ ông là Chu Duy Tĩnh, làm quan đến chức ngự sử. Ông nổi tiếng với tài văn thơ và là nhà kiến trúc đại tài. Năm 31 tuổi, ông thi đỗ Tam giáp Tiến sĩ, được bổ làm tri phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, sau được giao chức Án sát tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh và Thái Nguyên. Năm 1905, Chu Mạnh Trinh qua đời ở tuổi 43. Ông để lại rất nhiều áng thơ văn, tác phẩm nổi tiếng nhất là bài “Hương Sơn phong cảnh ca”.

Dương Quảng Hàm sinh năm Mậu Tuất (1898-1946) trong gia đình có truyền thống nho học ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông là nhà giáo dục đại tài, nhà văn học sử có một không hai của Việt Nam từ khi chữ Quốc ngữ được phổ cập đại chúng. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, giáo sư Dương Quảng Hàm được bổ nhiệm làm hiệu trưởng đầu tiên của trường Chu Văn An, tức Trường Bưởi cũ. Giáo sư Dương Quảng Hàm đã góp phần xây dựng một nhà trường cách mạng mới, nền giáo dục dân chủ mới. Đêm 19.12.1946, giáo sư Dương Quảng Hàm đã hy sinh, để lại những trang viết sách còn dang dở.

Tạ Quang Bửu sinh năm Canh Tuất (1910-1986), quê ở Nghệ An. Ông vừa là nhà toán học, vừa là nhà hoạt động khoa học. Sau khi du học ở Pháp, Anh, ông về nước giảng dạy và chuyên tâm nghiên cứu Toán lý thuyết và Toán ứng dụng vào Sinh học, Vật lý, Hóa học. Ông cũng là nhà hoạt động chính trị, xã hội nổi tiếng, tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trở thành Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Năm 1954, hòa bình lập lại, ông phụ trách việc đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật, là hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, rồi Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp.

Nguyễn Tuân sinh năm Canh Tuất (1910-1987), sinh ra ở Hà Nội ngày nay. Ông đi nhiều, hiểu rộng, sáng tác nhiều thể loại văn học. Con người, phong cách và tác phẩm của ông đều toát lên những điều mới, độc đáo, quý phái mà dân dã, dễ mến, dễ yêu. Ông từng là Tổng Thư ký Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, để lại nhiều tác phẩm văn chương nổi tiếng: Vang bóng một thời, Chiếc lư đồng mắt cua, Tùy bút kháng chiến, Sông Đà…

Theo Lê Ý - Thanh Điệp (Zing)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/dong-tay-kim-co/10-danh-nhan-tuoi-tuat-noi-tieng-trong-lich-su-viet-nam-874466.html