10% doanh nghiệp xuất nhập khẩu tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan

Trong 190.000 doanh nghiệp đang hoạt động xuất nhập khẩu, chỉ có 10% doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hải quan, còn lại tuân thủ thấp hoặc không tuân thủ.

89% doanh nghiệp xuất nhập khẩu tuân thủ thấp pháp luật hải quan

Sáng 16/9, Tổng Cục hải quan tổ chức Hội nghị triển khai và ký kết biên bản ghi nhớ thực hiện Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.

Ông Hoàng Việt Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, phát biểu khai mạc hội nghị

Ông Hoàng Việt Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, phát biểu khai mạc hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Hoàng Việt Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết: Hiện có 190.000 doanh nghiệp đang hoạt động xuất nhập khẩu, nhưng chỉ có 10% doanh nghiệp tuân thủ ở mức trung bình và mức độ cao chiếm trên 83% kim ngạch và tờ khai. Trong khi lại có đến 89% doanh nghiệp đang ở mức độ tuân thủ thấp hoặc không tuân thủ.

Nhằm hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, nhất là phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch, Chính phủ đã và đang ban hành các giải pháp quyết liệt, linh hoạt để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Hơn 150 doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và Lãnh đạo cơ quan hải quan các địa phương tham dự hội nghị

Theo ông Hoàng Việt Cường, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan là một trong những chủ trương lớn của Chính phủ, Bộ Tài chính và ngành Hải quan nhằm thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ.

Chủ trương này đã được quy định cụ thể tại chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 628 ngày 20/5/2022, phù hợp với kiến nghị tại khung tiêu chuẩn về đảm bảo và tạo thuận lợi thương mại toàn cầu (SAFE) của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO).

Trong bối cảnh đó, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 1399 ngày 15/7/2022 về việc ban hành Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan với mục tiêu nâng cao mức độ tuân thủ cho doanh nghiệp.

Theo ông Hoàng Việt Cường, việc lựa chọn đối tượng tham gia Chương trình thí điểm này được cân nhắc một cách kỹ lưỡng. Giai đoạn đầu có khoảng 266 doanh nghiệp tham gia với đầy đủ các loại hình như: Doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp nhỏ và vừa, các loại hình kinh doanh xuất nhập khẩu.

“Trong giai đoạn này, Tổng cục Hải quan cũng ưu tiên cho các đại lý làm thủ tục hải quan. Giai đoạn sau, tùy theo điều kiện và khả năng của mỗi địa phương sẽ tăng dần số lượng doanh nghiệp tham gia chương trình” - ông Hoàng Việt Cường nhấn mạnh.

Cải thiện mức độ tuân thủ pháp luật hải quan cho doanh nghiệp

Tại hội nghị, ông Hồ Ngọc Phan - Phó Cục trưởng, Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) đã giới thiệu một số nội dung quan trọng của Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan đến cộng đồng doanh nghiệp

Ông Hồ Ngọc Phan - Phó Cục trưởng, Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) trình bày giới thiệu một số điểm chủ chốt của Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan đến cộng đồng doanh nghiệp

Cụ thể, mục tiêu Chương trình hướng đến là sau 2 năm triển khai thí điểm, sẽ có khoảng 300 doanh nghiệp với đầy đủ các loại hình được lựa chọn tham gia chương trình, từng bước cải thiện mức độ tuân thủ (80% ở mức tuân thủ trung bình và cao).

Tham gia chương trình, doanh nghiệp được trợ giúp bởi các cán bộ hải quan có kinh nghiệm; cảnh báo các yếu tố tiềm ẩn rủi ro, giảm thiểu tối đa việc vi phạm pháp luật hải quan qua đó giảm thời gian thông quan và chi phí. Đồng thời việc tham gia chương trình cũng giúp nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan Hải quan và các cơ quan quản lý nhà nước, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đặc biệt là tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác hải quan – doanh nghiệp.

Ông Đỗ Thanh Quang - Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh ký kết biên bản ghi nhớ với 5 doanh nghiệp tham gia Chương trình trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

“Cục Quản lý rủi ro là đơn vị đầu mối, phối hợp với các Cục, Vụ thuộc Tổng cục Hải quan. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng như các hiệp hội doanh nghiệp, sẽ tổng hợp các vướng mắc, đưa ra các hướng dẫn chi tiết cụ thể cũng như chịu trách nhiệm điều phối chung để chương trình đạt được những mục tiêu đã đề ra”- ông Hồ Ngọc Phan cho biết.

Tại hội nghị, ông Alrick Brooks - Cố vấn Hải quan, Phòng ngoại vụ - Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (U.S CBP) chia sẻ những kinh nghiệm Hải quan Hoa kỳ trong triển khai một số chương trình doanh nghiệp ưu tiên và tuân thủ phát luật đến Hải quan các địa phương và các doanh nghiệp, đại lý hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Ông Nguyễn Trần Hiệu - Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bình Dương ký kết biên bản ghi nhớ với 6 doanh nghiệp tham gia Chương trình trên địa bàn tỉnh

Ông Phạm Hải Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - cho biết: Việc Tổng cục Hải quan đã ban hành Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan với mục tiêu nâng cao mức độ tuân thủ cho doanh nghiệp có ý nghĩa vô cùng thiết thực. Thông qua chương trình này sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp. Đặc biết, doanh nghiệp sẽ chủ động hợp trong việc tuân thủ pháp luật hải quan trong hoạt động xuất nhập khẩu…

Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa cơ quan Hải quan địa phương (Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai) và đại diện 16 doanh nghiệp tham gia chương trình.

Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) tài trợ được thực hiện trong 5 năm (2018-2023) với tổng vốn 21,7 triệu USD nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam áp dụng cách tiếp cận quản lý rủi ro trong lĩnh vực hải quan và kiểm tra chuyên ngành cũng như hỗ trợ tăng cường công tác thực hiện Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Dự án phối hợp với Tổng cục Hải quan thuộc Bộ Tài chính nhằm chuẩn hóa các thủ tục hải quan, tăng cường sự phối hợp ở cấp trung ương và cấp tỉnh, đồng thời nâng cao năng lực cho cán bộ hải quan. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ Việt Nam phát triển môi trường thương mại và đầu tư hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Minh Khuê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/10-doanh-nghiep-xuat-nhap-khau-tu-nguyen-tuan-thu-phap-luat-hai-quan-220185.html