10 loại máy bay không người lái có sức bền tốt nhất thế giới

Sự phát triển của máy bay không người lái (UAV) đang dần vẽ nên viễn cảnh một cuộc chiến không có sự tham gia của con người. Với nhiều lợi ích và ưu điểm vượt trội, dễ hiểu khi các quốc gia trên thế giới ngày càng đầu tư nhiều hơn vào loại vũ khí này.

Bên cạnh khả năng chiến đấu, “sức bền”, hay khả năng hoạt động liên tục trong nhiều giờ của UAV cũng là yếu tố được các nhà sản xuất chú trọng nâng cấp.

Dưới đây là 10 dòng UAV có “sức bền” tốt nhất trên thế giới do trang Airforce-Technology.com bình chọn.

UAV Zephyr S

Trong lần bay thử đầu tiên diễn ra vào tháng 7-2018, UAV Zephyr S đã xác lập kỷ lục thế giới cho một hành trình bay liên tục trong hơn 25 ngày mà không cần tiếp nhiên liệu. Zephyr là dòng UAV hoạt động hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời, được chế tạo và sản xuất bởi Airbus Defence and Space, một bộ phận của Tập đoàn chuyên sản xuất máy bay Airbus (Pháp). UAV Zephyr có thể đảm nhiệm công tác trinh thám tương tự một vệ tinh nhân tạo, đồng thời đáp ứng yêu cầu về tính linh hoạt đối với một UAV.

 UAV Zephyr S do Tập đoàn Airbus (Pháp) chế tạo. Nguồn: Airbus Defence and Space.

UAV Zephyr S do Tập đoàn Airbus (Pháp) chế tạo. Nguồn: Airbus Defence and Space.

Hiện nay, Airbus đang chào bán loại UAV này dưới hai phiên bản là Zephyr S và Zephyr T. Zephyr S có sải cách dài 25m cùng trọng lượng dưới 75kg trong khi chiếc Zephyr T, hiện vẫn đang trong quá trình chế tạo, sở hữu sải cánh 33m và trọng lượng tối đa 140kg.

UAV Global Observer

UAV Global Observer được chế tạo và sản xuất bởi Tập đoàn AeroVironment (Mỹ) nhằm thực hiện các nhiệm vụ trinh sát quân sự lẫn dân sự. UAV này được phát triển trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác Phát triển Năng lực Kỹ thuật Quốc phòng (JCTD) của Quân đội Mỹ và được thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2011.

UAV Global Observer. Nguồn: NASA.

Global Observer được trang bị động cơ chạy bằng hydro dạng lỏng giúp hoạt động liên tục trong vòng 168 giờ đồng hồ (tức 1 tuần). Ngoài ra, Global Observer có thể hoạt động tại độ cao tối đa 20km, mang tải trọng lên tới 180kg.

UAV Orion

UAV Orion được phát triển bởi Công ty Aurora Flight Sciences (Mỹ), chuyên thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, tình báo cũng như chuyển tiếp thông tin liên lạc. Dù cùng được phát triển trong khuôn khổ chương trình JCTD như UAV Global Observer, chiếc Orion lại nhận được sự ưu ái hơn tới từ Không quân Mỹ.

UAV Orion. Nguồn: Aurora Flight Sciences.

Động cơ kép Austro Engine AE300 giúp UAV Orion duy trì trạng thái bay liên tục trong vòng 120 giờ đồng hồ với tải trọng hơn 450kg. Tải trọng tối đa của UAV Orion đạt gần 1.200kg, bao gồm các cảm biến điện quang/hồng ngoại, các thiết bị chuyển tiếp thông tin liên lạc, trinh sát không vận diện rộng, radar… Ngoài ra, cánh máy bay còn có thể được gắn các loại vũ khí, đạn dược.

UAV United 40 (Smart Eye 2)

United 40 là dòng UAV tầm trung, sức bền cao, được giới thiệu bởi Công ty ADCOM Systems (UAE) tại Triển lãm Hàng không Dubai năm 2011. UAV có thể được sử dụng nhằm thực hiện công tác đánh giá mức độ thiệt hại của chiến tranh, chuyển tiếp thông tin liên lạc, trinh sát biên giới cũng như các nhiệm vụ cứu trợ nhân đạo.

UAV United 40 được trưng bày tại Triển lãm Hàng không Dubai năm 2011. Nguồn: AINOnline.

UAV United 40 có thể duy trì trạng thái bay trong 120 giờ đồng hồ, tốc độ bay tối đa 220km/h và trần bay đạt 7km. Ngoài ra, UAV còn có thể mang tải trọng 1.000kg, bao gồm radar khẩu độ tổng hợp (SAR), thiết bị phòng tránh địa hình và chướng ngại vật.

UAV Yabon Smart Eye

Cũng được phát triển bởi Công ty ADCOM Systems, UAV Yabon Smart Eye ra mắt sớm hơn 2 năm so với “người đàn em” United 40 (Smart Eye 2).

UAV Smart Eye cũng đạt thời gian duy trì trạng thái bay liên tục trong 120 giờ đồng hồ. Smart Eye được trang bị động cơ cánh quạt cùng một động cơ phản lực phụ giúp máy bay đạt tốc độ tối đa 222 km/h và trần bay lên tới 7,3km.

UAV Heron MALE

Được sản xuất bởi Israel Aerospace Industries (IAI) – tập đoàn đi đầu về phát triển UAV trên thế giới, nhiều phiên bản của UAV Heron được sử dụng rộng rãi bởi quân đội của hơn 20 quốc gia trên thế giới, chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, tình báo, tuần tra hàng hải…

UAV Heron MALE được trưng bày tại Triển lãm Hàng không Paris 2009. Nguồn: Airforce-Technology

Heron MALE có thể duy trì hoạt động trên không trong vòng tối đa 45 tiếng đồng hồ, tùy thuộc vào tải trọng. UAV này có tải trọng lên tới 400kg, bao gồm nhiều loại hệ thống cảm biến, tình báo, chuyển tiếp thông tin liên lạc cũng như radar. Ngoài ra, động cơ tăng áp Rotax 914 giúp Heron đạt tốc độ hơn 200km/h cùng trần bay lên tới hơn 9km.

UAV MQ-1C Gray Eagle Extended Range (GE-ER)

MQ-1C GE-ER là phiên bản tiên tiến hơn của UAV Gray Eagle vốn đã chứng minh năng lực chiến đấu, trinh sát, tình báo cũng như chuyển tiếp thông tin liên lạc của mình. Được chế tạo và sản xuất bởi Tập đoàn General Atomics (Mỹ), MQ-1C GE-ER cất cánh lần đầu tiên vào tháng 10-2016.

UAV MQ-1C Gray Eagle. Nguồn: General Atomics.

MQ-1C GE-ER đạt sức bền tối đa 42 giờ đồng hồ. Động cơ diesel 180hp hiệu suất cao giúp UAV này đạt tốc độ lên tới 300km/h cùng trần bay gần 9km. Ngoài ra, UAV còn được trang bị hệ thống cất cánh và hạ cánh tự động (ATLS).

UAV MQ-1 Predator

Một đại diện nữa của hãng General Atomics, MQ-1 Predator được coi là UAV được tin dùng nhất trong chiến đấu nhờ năng lực tác chiến đã được chứng minh qua những chiến dịch của Mỹ và đồng minh tại nhiều khu vực trên thế giới.

UAV MQ-1 Predator. Nguồn: General Atomics.

Predator có khả năng hoạt động liên tục trong 40 tiếng đồng hồ. Đây là UAV đầu tiên được trang bị vũ khí và có khả năng phóng các loại tên lửa không đối đất. Predator có thể mang tải trọng 340kg, bao gồm nhiều loại cảm biến, radar và đặc biệt là tên lửa Hellfire. Động cơ tăng áp Rotax 914 giúp UAV đạt tốc độ hơn 200km/h cùng trần bay 7,6km.

UAV Hermes 900

Hermes 900 là dòng UAV tầm trung, sức bền cao được phát triển bởi công ty Elbit Systems (Israel), được sử dụng chuyên để thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, tình báo.

UAV Hermes 900. Nguồn: Airforce-Technology.

Được điều khiển bởi hệ thống mặt đất Hermes, UAV có thể duy trì trạng thái bay trong 36 giờ đồng hồ liên tục tại trần bay hơn 9km. Hiện nay, Hermes 900 đang nằm trong biên chế của Không quân nhiều quốc gia như Israel, Chile, Colombia hay Mexico…

UAV RQ-4 Global Hawk

UAV RQ-4 Global Hawk được phát triển bởi Tập đoàn Northrop Grumman và đã chứng minh tính ưu việt trong trinh sát cũng như tác chiến qua hơn 15 chiến dịch lớn nhỏ của Không quân lẫn Hải quân Mỹ.

UAV RQ-4 Global Hawk. Nguồn: The Drive.

Global Hawk có khả năng bay liên tục trong vòng 33,1 tiếng đồng hồ tại độ cao lên tới hơn 18km. Hiện nay, hai phiên bản tiên tiến Block 30 và Block 40 của chiếc UAV đang dần thay thế hai phiên bản Block 10 và Block 20 cũ hơn.

NGUYỄN ĐÌNH ĐỨC (theo Airforce-Technology)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/10-loai-may-bay-khong-nguoi-lai-co-suc-ben-tot-nhat-the-gioi-588321