10 năm hoạt động của Ban chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện

Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện (HMTN) vừa tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện công tác vận động hiến máu tình nguyện giai đoạn 2008-2017 và triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2018-2022.

GS. Bạch Quốc Tuyên (hàng ba từ trái sang) bên cạnh ông Michel Garreta - Tổng giám đốc Ngân hàng máu quốc gia Pháp tại Hội thảo Pháp Việt năm 1989.

Ban chỉ đạo quốc gia vận động HMTN được thành lập ngày 26/2/2008, là một sự cố gắng, mong mỏi và quyết tâm của các lãnh đạo Bộ Y tế, Hội chữ thập đỏ Việt Nam qua các thời kỳ, cũng như tâm nguyện của nhiều thế hệ trong ngành Huyết học Truyền máu Việt Nam.

Trước đó, thời kỳ GS. Bạch Quốc Tuyên đang là Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, khi hợp tác với ngành huyết học truyền máu của Pháp và Hà Lan, các nước đã yêu cầu Việt Nam phải có ban chỉ đạo Quốc gia về HMTN thì họ mới làm việc. Vì thế, GS. Bạch Quốc Tuyên đã đề nghị lên Bộ Y tế và được GS. Phạm Song, Bộ trưởng Bộ Y tế lúc đó, hoàn toàn ủng hộ. Sau đó, Viện Huyết học - Truyền máu đã trình nhiều văn bản, nhưng vì nhiều lý do, nên Ban chỉ đạo Quốc gia vận động HMTN vẫn chưa được thành lập.

Thời kỳ đó, các khoa Huyết học- Truyền máu trên cả nước luôn trong tình trạng khốn đốn vì không có đủ máu truyền cho người bệnh, nhất là các ca tai biến sản khoa, tai nạn lao động và tai nạn giao thông. Trong khi đó, số lượng người hiến máu tình nguyện quá ít ỏi, còn những người bán máu chuyên nghiệp thì vì nhiều lý do phải làm nên đã gây nhiều tiêu cực trong việc cứu chữa người bệnh.

Các mục tiêu giai đoạn 2018 - 2022

Phải mất hơn 26 năm sau, Việt Nam mới thành lập được Ban chỉ đạo Quốc gia vận động HMTN. Mặc dù thành lập khá chậm, nhưng đã thực hiện được ước nguyện và lòng mong muốn của nhiều thế hệ lãnh đạo Bộ Y tế, Hội chữ thập đỏ Việt Nam, cũng như những người làm công tác truyền máu Viêt Nam.

Trong các thành phần của Ban chỉ đạo Quốc gia vận động HMTN theo quyết định 235/2008/QĐ-Ttg ngày 20/02/2008 thành phần Ban chỉ đạo bao gồm: Trưởng ban là Bộ trưởng Bộ Y tế và 3 Phó trưởng ban, trong đó Phó trưởng ban thường trực là Chủ tich Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, cùng với hai Phó trưởng ban là Thứ trưởng Bộ Y tế và Bí thư TW Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Mô hình và các thành phần trong Ban chỉ đạo quốc gia vận động HMTN thể hiện sự tham gia đầy đủ các tổ chức, bộ, ban, ngành mà chưa nước nào có được.

Ngay sau khi kiện toàn Ban chỉ đạo quốc gia, Ban chỉ đạo vận động HMTN cấp tỉnh, huyện của 63 tỉnh/ thành phố trên toàn quốc cũng được thành lập. Bộ Tài chính và Bộ Y tế cũng đã xây dựng thông tư liên tịch về kinh phí cho công tác tuyên truyền vận động và thu gom máu và đơn vị máu an toàn cho Ban chi đạo các tỉnh thành phố trong cả nước.

Cho đến nay, sau nhiều năm phấn đấu, nhờ có Ban chỉ đạo vận động HMTN, Việt Nam đã chấm dứt được tình trạng mua bán máu, chấm dứt được nhiều tiêu cực tại các cơ sở có thu gom máu trong các bệnh viện trên toàn quốc.

Sau 10 năm Ban chỉ đạo được thành lập, phong trào HMTN trong cả nước đã không ngừng được phát triển và thu được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, từ năm 2008 đến hết năm 2017, cả nước đã tiếp nhận được hơn 9,2 triệu đơn vị máu, số người hiến máu nhắc lại đạt 41,5%, tỷ lệ dân số cho máu đạt 1,6%.

Tuy nhiên, hiện nay lượng máu tiếp nhận mỗi lần hiến vẫn còn thấp, chủ yếu mới chỉ là 250 ml/mỗi lần hiến máu. Cụ thể, trong năm 2017, toàn quốc tiếp nhận 57,54% số máu 250 ml, 40,88% số máu 350 ml, và 1,5% số máu 450 ml. Trong khi đó, hầu hết các nước trên thế giới đều đang tiếp nhận từ 350-450 ml/ mỗi lần hiến máu.

Nếu mới dừng lại ở mức tính đơn giản này, số liệu của Việt Nam sẽ khó được sử dụng vào bảng tổng hợp báo cáo của các nước trên thế giới. Vì phần lớn mới tiếp nhận ở mức 250ml/lần hiến nên khi tính toán số lượng máu có thể cao nhưng tính theo tiêu chuẩn quốc tế chúng ta mới chỉ đạt được khoảng một nửa.

Đặc biệt, theo thống kê, đối tượng hiến máu ở nước ta hiện nay chủ yếu là thanh niên, sinh viên (chiếm 80% - 90%). Trong khi đó hầu hết các nước phát triển và đang phát triển thì ngược lại: Lứa tuổi hiến máu từ 18 - 25 tuổi chỉ chiếm 15 - 20%, trong khi lứa tuổi hiến máu từ 25 - 45 tuổi chiếm tới 60%...

Trên thực tế, lứa tuổi 25 - 45 tuổi rất quan trọng trong đội ngũ hiến máu tình nguyện vì họ là đối tượng đã ổn định nơi làm việc, ít phải thay đổi nơi sinh sống. Nhất là họ là lực lượng chính cho công tác HMTN- An toàn truyền máu nhắc lại. Vì với các đối tượng trẻ, mới chỉ hiến máu một hoặc hai lần thì huyết tương của họ không đủ tiêu chuẩn để sản xuất các chế phẩm huyết tương như: Albumin, Immunoglobuline, các yếu tố đông máu khác… Trong khi đí, những người lớn tuổi khi cho máu sẽ giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch huyết áp.

Đây là những vấn đề mà ngành huyết học - truyền máu cần phải có các nghiên cứu để tuyên truyền thay đổi cách suy nghĩ và đối tượng hiến máu mới có thể đạt mục tiêu ổn định.

Để khắc phục những vấn đề trên và phấn đấu mục tiêu đến năm 2020-2022 Việt Nam đạt 100% số lượng máu thu được từ người HMTN và 2% dân số hiến máu cần phải thực hiện một số nội dung như: Tổ chức lại hệ thống các trung tâm truyền máu, tách hoàn toàn ra khỏi các viện, bệnh viện theo tiêu chuẩn GMP - WHO; Hệ thống truyền máu Viêt Nam phải sớm đạt tiêu chuẩn GMP; Ban chỉ đạo quốc gia cần có chương trình Quốc gia về vận động HMTN và được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng; Cần phát huy vai trò vị thế của lực lượng thanh viên Trong Ban chỉ đạo; Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia là đầu mối của quốc gia phân tích chi tiết các số liệu thu được với sự giúp đỡ của Viên Huyết học- Truyền máu Trung ương để con số thu được mang nhiều ý nghĩa hơn.

Nguyễn Chí Tuyển (Nguyên Phó viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, nguyên Chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia Vận động HMTN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/suc-khoe/10-nam-hoat-dong-cua-ban-chi-dao-quoc-gia-van-dong-hien-mau-tinh-nguyen-20180523164612029.htm