10 năm thi hành Luật Xuất bản: Nạn sách lậu, sách photocopy trái phép vẫn ngang nhiên tồn tại

Theo đại diện Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, hiện nay trên thị trường, nạn sách lậu, sách photocopy trái phép ngang nhiên tồn tại mà chưa có các giải pháp đủ mạnh.

Ngày 25-11, Bộ TT&TT tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Xuất bản năm 2012. Luật Xuất bản được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 20-11-2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013.

Ông Lê Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VT

Ông Lê Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VT

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm khẳng định: Qua 10 năm thi hành Luật, ngành Xuất bản, In và Phát hành đã có sự phát triển vượt bậc về số lượng, chất lượng, phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước, góp phần cải thiện, nâng cao nhu cầu đọc của nhân dân.

Hội nghị là dịp để nhìn lại định hướng xuất bản trong thời gian qua; đánh giá sự đồng bộ, mối quan hệ tác động đến ngành; các văn bản quy định chi tiết; đồng bộ Luật Xuất bản với các văn bản hướng dẫn chi tiết, các Điều ước quốc tế Việt Nam là thành viên. Từ đó chỉ ra vấn đề mới, vấn đề phát sinh còn khoảng trống pháp lý trong thực tế, hướng đến việc sửa đổi Luật Xuất bản trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) đánh giá, chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động xuất bản đã được nâng lên một bước, góp phần quan trọng vào đấu tranh, ngăn chặn tình trạng in lậu, phát hành sách lậu, xâm phạm bản quyền sách, bảo vệ chủ thể sáng tạo và các đơn vị xuất bản.

Tuy nhiên, việc thi hành Luật Xuất bản vẫn còn hạn chế. Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng các văn bản, đề án triển khai thực hiện Luật, có nhiều vấn đề mới, phức tạp liên quan đến việc đổi mới về cơ chế quản lý hoạt động xuất bản, có những vấn đề lần đầu tiên được triển khai thực hiện ở nước ta (như xuất bản và phát hành xuất bản điện tử) dẫn đến việc chậm triển khai một số quy định của Luật trong thực tế và chưa hiệu quả.

Việc phối hợp trong công tác xây dựng các văn bản giữa các cơ quan chức năng chưa nhịp nhàng, thường xuyên. Một bộ phận cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò, tính phức tạp của hoạt động xuất bản trong điều kiện mới. Năng lực của một bộ phận lãnh đạo các đơn vị xuất bản còn hạn chế...

Đại diện Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật cũng bày tỏ, hiện nay trên thị trường, nạn sách lậu, sách photocopy trái phép ngang nhiên tồn tại mà chưa có các giải pháp đủ mạnh và đồng bộ để ngăn chặn triệt để, tận gốc. Nhiều đầu sách của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật bị in lậu như các loại sách luật, sách giáo trình, tài liệu học tập nghị quyết…

Vì vậy, đơn vị này nghị cơ quan quản lý nhà nước phải có chế tài mạnh, triệt để như tịch thu tang vật, rút giấy phép và cấm kinh doanh thì mới giải quyết được phần nào vấn nạn ̣này.

Theo đại diện Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, nếu chỉ xử phạt vi phạm hành chính như đã và đang làm thì hiệu quả sẽ không cao, không giải quyết được tận gốc của vấn đề. Ngoài ra, việc ban hành văn bản pháp luật cần đồng bộ, tránh chồng chéo chức năng, gây khó khăn khi xử lý vi phạm.

Từ thực tiễn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của Nhà xuất bản trực thuộc, Thành ủy TP.HCM, ông Lê Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy đưa ra có một số nội dung trong các quy định của Luật Xuất bản cần có đánh giá, tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện và triển khai.

Trong đó, ông Sơn cho rằng cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước, thực hiện cải cách hành chính gắn với đề cao vai trò trách nhiệm của các đơn vị tham gia hoạt động xuất bản; kịp thời xử lý nghiêm sai phạm trong hoạt động xuất bản, phát hành sách.

Đặc biệt, theo ông Sơn cần có những giải pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn tình trạng in lậu, vi phạm bản quyền (sách giấy, sách điện tử) vẫn đang là vấn nạn hiện nay để bảo vệ quyền lợi của các nhà xuất bản và bảo vệ độc giả trong tiếp cận với các xuất bản phẩm.

VIẾT THỊNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/10-nam-thi-hanh-luat-xuat-ban-nan-sach-lau-sach-photocopy-trai-phep-van-ngang-nhien-ton-tai-post709405.html