10 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan

Ngày 29/5/2008, tại Kỳ họp thứ 3, với 458 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, bằng 92,9% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội khóa XII đã nhất trí thông qua Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2008. Như vậy, đến ngày 01/8/2018 tới đây sẽ tròn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội.

Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 29/5/2008 tại Kỳ họp thứ 3 Ảnh: TTXVN

Theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12, việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh sẽ thực hiện hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên là 219.341,11 ha và dân số hiện tại là 2.568.007 người của tỉnh Hà Tây vào thành phố Hà Nội. Chuyển toàn bộ huyện Mê Linh, tĩnh Vĩnh Phúc về thành phố Hà Nội, bao gồm diện tích tự nhiên là 14.164,53 ha và dân số hiện tại là 187.255 người. Chuyển toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số hiện tại của 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình về thành phố Hà Nội, bao gồm: 1.720,36 ha diện tích tự nhiên và dân số hiện tại là 4.495 người của xã Đông Xuân, 3.457,74 ha diện tích tự nhiên và dân số hiện tại là 6.606 người của xã Tiến Xuân, 2.073,06 ha diện tích tự nhiên và dân số hiện tại là 5.875 người của xã Yên Bình, 1.532,76 ha diện tích tự nhiên và dân số hiện tại là 3.278 người của xã Yên Trung.

Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính: Thành phố Hà Nội có diện tích tự nhiên là 334.470,02 ha và dân số hiện tại là 6.232.940 người, bao gồm diện tích tự nhiên và dân số hiện tại của các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân, các huyện Đông Anh, Từ Liêm, Sóc Sơn, Gia Lâm, Thanh Trì, Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Hoài Đức, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Mê Linh, các thành phố Hà Đông, Sơn Tây và các xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung. Thành phố Hà Nội phía Bắc giáp tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Vĩnh Phúc; phía Nam giáp tỉnh Hà Nam và tỉnh Hòa Bình; phía Đông giáp các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Hưng Yên; phía Tây giáp tỉnh Hòa Bình và tỉnh Phú Thọ;

Tỉnh Vĩnh Phúc có diện tích tự nhiên là 123.176,43 ha và dân số hiện tại là 1.059.063 người, bao gồm diện tích tự nhiên và dân số hiện tại của thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên, các huyện Bình Xuyên, Lập Thạch, Tam Dương, Tam Đảo, Vĩnh Tường, Yên Lạc. Tỉnh Hòa Bình có diện tích tự nhiên là 459.635,15 ha và dân số hiện tại là 832.543 người. Huyện Lương Sơn có diện tích tự nhiên là 28.684,68 ha và dân số hiện tại là 67.288 người.

Nhiều thay đổi mạnh mẽ với những kết quả đáng tự hào

Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, diện mạo Thủ đô bước đầu có nhiều thay đổi mạnh mẽ, Thành phố đã đạt được những kết quả đáng tự hào, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. Điển hình như: Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt trung bình 7,41%/năm, là một trong 2 đầu tầu kinh tế của cả nước. Quy mô GRDP năm 2017 gấp 1,9 lần so với năm 2008. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên, năm 2017 đạt 3.910 USD/người, gấp 2,3 lần so với năm 2008. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng tăng, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm; các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, dịch vụ trình độ cao, chất lượng cao tiếp tục được phát triển. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Lượng khách du lịch tăng trưởng 12%/năm. Khách quốc tế từ 1,3 triệu lượt năm 2008 tăng lên 4,95 triệu lượt năm 2017 (tăng gần 4 lần).

Không gian kinh tế được mở rộng phát triển. Đến nay, Hà Nội có 8 khu công nghiệp đi vào hoạt động ổn định với 629 dự án đầu tư, doanh thu năm 2017 đạt 6,5 tỷ USD (tăng 2,5 lần so năm 2008), nộp ngân sách tăng 3,3 lần so với năm 2008. Có 43 cụm công nghiệp đã được đầu tư, lấp đầy và hoạt động ổn định. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp tại các làng nghề được khuyến khích phát triển.

Bản đồ địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội sau khi được điều chỉnh mở rộng Ảnh: Việt Báo

Đến nay, trên địa bàn có 1.350 làng nghề và làng có nghề (tăng 70 làng so với năm 2010). Tổng đầu tư xã hội giai đoạn 2008 - 2017 đạt 2,03 triệu tỷ đồng. Năm 2017, tổng vốn đầu tư xã hội gấp 2,85 lần so với năm 2008, tăng trung bình hàng năm 15,2%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài thu hút được 3.237 dự án, vốn đăng ký đạt 19,1 tỷ USD; riêng hai năm 2016, 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 thu hút được 12 tỷ 460 triệu USD, bằng 59% tổng số vốn đầu tư nước ngoài đã thu hút từ 1986 - 2015. Môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện. Chỉ số PCI tăng liên tục, từ xếp thứ 53 lên thứ 13/63 tỉnh, thành phố vào năm 2017. Duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng. Chỉ số cải cách hành chính tăng từ thứ 17 lên thứ 2 vào năm 2017. Niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước được nâng lên. Hà Nội được xếp trong top 10 thành phố năng động nhất thế giới.

Bên cạnh đó hệ thống y tế phát triển đồng bộ; 100% phường, xã có trạm y tế; giáo dục và đào tạo được chú trọng đầu tư, chất lượng được giữ vững. Bản sắc văn hóa truyền thống của mảnh đất Thăng Long, văn hóa xứ Đoài và các vùng văn hóa khác ngày càng được duy trì, phát huy và lan tỏa. Nhiều giá trị văn hóa đã được phục dựng, tôn tạo và đưa vào khai thác, nhiều di sản văn hóa đã được UNESCO vinh danh; thành phố Hà Nội - biểu tượng của hòa bình ngày càng được tôn vinh. Đến nay, tỷ lệ Tổ dân phố văn hóa đạt 70,5%, Làng văn hóa đạt 60%, Gia đình văn hóa đạt 86,5%. Đã triển khai thực hiện 02 bộ: “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố”. Đưa vào giảng dạy bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Thủ đô, những giá trị, nét đẹp văn hóa của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, truyền thống trong gia đình, họ tộc và cộng đồng dân cư được kế thừa và phát huy. Các hoạt động phát triển văn hóa đọc được đẩy mạnh.

Chính sách an sinh xã hội được đặc biệt quan tâm. Thành phố đã rà soát, ban hành nhiều văn bản, chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội đã giảm từ 8,43% năm 2008 đến nay còn 1,69%. Hiện nay, Thành phố không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn. 100% gia đình người có công với cách mạng đều có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi sinh sống.

Vẫn còn những yếu kém, khuyết điểm, tồn tại, cần phải được nhanh chóng sửa chữa, khắc phục

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, song theo Báo cáo của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, vẫn còn những yếu kém, khuyết điểm, tồn tại, cần phải được nhanh chóng sửa chữa, khắc phục trong thời gian tới như: Kinh tế Thủ đô phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, nhất là phát triển kinh tế tri thức và ứng dụng công nghệ cao; Tăng trưởng kinh tế chưa thực sự ổn định, bền vững; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội ngành còn chậm so với yêu cầu; Chất lượng tăng trưởng, chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh còn thấp; Quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, quản lý đất đai, trật tự an toàn giao thông, còn một số mặt chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm đất công, công tác lập quy hoạch còn chậm, nhiều bất cập; Công tác cải tạo các khu chung cư cũ còn chậm; Hạ tầng đô thị, khắc phục úng ngập, ùn tắc giao thông, kiểm soát và xử lý nước thải, rác thải, ô nhiễm môi trường chưa tốt.

10 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội với nhiều thay đổi mạnh mẽ. Cùng với đó là những khuyết điểm cần phải nhanh chóng khắc phục
Ảnh: Hanoi's Panorama

Phát triển văn hóa - xã hội còn chưa thực sự xứng tầm với vai trò, vị thế của Thủ đô. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đạt kết quả như mong muốn. Sản phẩm du lịch chưa được đầu tư đúng mức, để khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của du lịch Thủ đô. Công tác giáo dục - đào tạo còn một số mặt chuyển biến chậm, tình trạng quá tải của hệ thống trường công lập chưa được giải quyết dứt điểm.

Tình hình khiếu kiện tập trung đông người, an ninh nông thôn, tội phạm, vi phạm môi trường và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ chính trị và chưa theo kịp với đòi hỏi của thực tiễn. Công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của bộ máy hành chính có nơi, có lĩnh vực chưa thực sự quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Cải cách hành chính ở một số đơn vị chuyển biến chậm. Đạo đức, lối sống, thái độ phục vụ của một số cán bộ, đảng viên, công chức còn thiếu chuẩn mực, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở một số địa phương, nhất là ở cơ sở chậm đổi mới, hiệu quả chưa cao, kết quả công tác vận động quần chúng có nơi còn hạn chế.

Tiếp tục phát huy tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô

Nhìn lại chặng đường 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội (1/8/2008 - 1/8/2018), chia sẻ với báo chí, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết số 15 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp Hà Nội có một không gian đủ lớn để phát triển không chỉ trong 20 - 30 năm, mà còn lâu dài cho một tương lai xa hơn nữa. Với việc mở rộng địa giới hành chính của Hà Nội đã tạo lên tiềm năng về đất đai, nguồn nhân lực tốt hơn cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tái cấu trúc Thủ đô về không gian kinh tế và hệ thống kết cấu hạ tầng, kiến trúc đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Cùng với đó, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể với hàng ngàn di sản của Hà Nội sẽ tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc và vô giá, không chỉ góp phần khẳng định vị thế trung tâm văn hóa, mà còn tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh hơn, toàn diện và hiệu quả hơn của vùng đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Việc mở rộng địa giới hành chính cũng giúp Thủ đô Hà Nội gắn với không gian rừng núi trung du Tây Bắc, khá thuận lợi để triển khai xây dựng thế trận vững chắc về quốc phòng, an ninh cho Thủ đô.

Tiếp tục phát huy tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô để xứng đáng là Thành phố vì hòa bình, Thủ đô Anh hùng của cả nước Ảnh: Hà Nội Mới

Chia sẻ về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để Thủ đô thực hiện thắng lợi các kế hoạch đã đề ra, Chủ tịch Quốc hội cho rằng:

Trước hết, Hà Nội cần chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của Thành phố trong sạch, vững mạnh. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; kiên quyết phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các biểu hiện tiêu cực khác trong cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu... củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng bộ.

Thứ hai, cần tiếp tục phát huy tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô, đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, bảo đảm kinh tế Thủ đô phát triển nhanh và bền vững. Bên cạnh đó, sức ép gia tăng dân số cơ học, cùng với hạn chế của việc quy hoạch manh mún, không toàn diện và thiếu tính ổn định của nhiều giai đoạn phát triển Thủ đô trước đây, là những điểm lớn nhất mà chúng ta cần phải sớm khắc phục. Vì thế để đáp ứng tốc độ phát triển nhanh của Thành phố, cần làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển.

Thứ ba, tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm an sinh, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; phát triển khoa học và công nghệ, văn hóa - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô.

Nhìn lại những kết quả và thành tựu đạt được trong10 năm qua, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tưởng cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô sẽ được tiếp thêm sức mạnh tinh thần, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm làm nên nhiều kết quả và thành tựu trên chặng đường phát triển mới, xây dựng Thủ đô Hà Nội - Thăng Long nghìn năm văn hiến ngày càng văn minh, giàu đẹp, hiện đại, xứng đáng là Thành phố vì hòa bình, Thủ đô Anh hùng của cả nước.

Quang Minh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/cacvilanhdao/pages/hoat-dong.aspx?itemid=36720