10 năm thực hiện Quyết tâm thư: Chặng đường của những đổi thay

Thực hiện Quyết tâm thư Đại hội DTTS lần thứ nhất (năm 2010), Đảng và Nhà nước tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc. Nhờ đó, đến nay, diện mạo vùng DTTS và miền núi đã có những đổi thay tích cực.

1. Ban hành nhiều chủ trương, chính sách

Triển khai Nghị quyết Đại hội XII, Bộ Chính trị đã chỉ đạo Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, từ đó ban hành Kết luận số 65-KL/TW, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về công tác dân tộc trong tình hình mới. Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp năm 2013, trong đó có 5 điều hiến định về công tác dân tộc.

99,7% xã ở vùng DTTS & MN đã có trường mầm non, mẫu giáo

99,7% xã ở vùng DTTS & MN đã có trường mầm non, mẫu giáo

Từ năm 2010 - 2019, Quốc hội đã ban hành 62 luật với 196 điều, điều chỉnh các nội dung liên quan đến công tác dân tộc và chính sách đầu tư phát triển KT-XH vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 118 nghị định, nghị quyết, quyết định về công tác dân tộc trong đó có 54 văn bản trực tiếp điều chỉnh chính sách dân tộc, bao phủ hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 - mở ra một chương mới cho công tác dân tộc.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc của 51 tỉnh trong vùng DTTS&MN đã ban hành 2.700 nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, quyết định chỉ đạo về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc; tạo bước chuyển biến quan trọng về nhận thức và hành động, vì sự phát triển bền vững của vùng DTTS&MN.

2. Ưu tiên nguồn lực đầu tư, xóa đói, giảm nghèo

Từ nguồn vốn đầu tư của nhà nước, đến nay: 100% đường từ tỉnh đến trung tâm huyện lỵ được rải nhựa hoặc bê tông hóa; gần 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, tỷ lệ hộ DTTS được sử dụng điện lưới đạt 96,7%; 100% xã có trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,7% xã có trường mầm non, mẫu giáo; 99,5% xã có trạm y tế; 76,7% thôn có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng. Hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS&MN giảm 2 - 3%; các xã, thôn ĐBKK giảm 3 - 4%; các huyện nghèo giảm 4 - 5%, có nơi giảm trên 5%; giai đoạn 2015 - 2019 đã có 22 huyện, 125 xã, 1.298 thôn, bản ra khỏi tình trạng ĐBKK. Đến nay, vùng DTTS&MN đã có 1.052 xã (chiếm 22,3%) đạt chuẩn nông thôn mới…

3. Quan tâm phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo

Giáo dục, đào tạo và dạy nghề ở vùng đồng bào DTTS&MN đã phát triển cả về quy mô, mạng lưới và chất lượng: xây dựng được 316 trường phổ thông dân tộc nội trú, 1.097 trường phổ thông dân tộc bán trú; 4 trường và 3 khoa dự bị đại học dân tộc. Cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em DTTS.

Đến nay, vùng DTTS&MN có 99,5% số xã có trạm y tế, 83,5% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia (tăng gấp 2 lần so với năm 2015); 77,2% số trạm y tế có bác sỹ; 93% người DTTS được cấp thẻ BHYT - chất lượng khám chữa bệnh đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân.

95% số xã được phủ sóng phát thanh truyền hình; hơn 16.000 điểm bưu điện văn hóa xã được xây dựng, truyền hình 22 thứ tiếng dân tộc và hàng triệu tờ báo được cấp miễn phí đang góp phần chuyển tải chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào.

4. Nâng cao chất lượng cán bộ người DTTS

Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS chiếm khoảng 14,5%; trong đó, giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp chiếm 17,2%. Quốc hội khóa 14 có 86 đại biểu là người DTTS, chiếm 17,4%. Ủy viên BCH Trung ương Đảng người DTTS khóa XII là 17 đồng chí, chiếm 8,5%. Đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2020 – 2025, tỷ lệ cán bộ là người DTTS đều cao hơn nhiệm kỳ trước.

5. Bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới

10 năm qua, Bộ đội Biên phòng đã cử hơn 400 sỹ quan tăng cường cho bộ máy cấp ủy, chính quyền các địa phương; xây dựng được 29.000 tổ tự quản, gần 800.000 hộ gia đình tham gia bảo vệ đường biên cột mốc; đã tham gia giải quyết hơn 1.800 vụ việc, góp phần giữ vững an ninh, trật tự ở cơ sở. Lực lượng công an đã kịp thời tham mưu các biện pháp nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; Xây dựng được hơn 700 mô hình quần chúng tham gia phòng chống tội phạm, không để xảy ra “điểm nóng” về an ninh trật tự.

6. Phát huy truyền thống, lập thành tích xuất sắc

Con em đồng bào các DTTS tiếp tục phát huy truyền thống của các thế hệ cha anh, nhiều người lập thành tích xuất sắc, được Đảng và Nhà nước, trao tặng các danh hiệu cao quý. Nhiều người DTTS đã mạnh dạn khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, tạo được sản phẩm hàng hóa có giá trị trong nước và quốc tế.

Phương Tú

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/10-nam-thuc-hien-quyet-tam-thu-chang-duong-cua-nhung-doi-thay-148731.html