10 năm thực thi cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh 2011): Bước đột phá của Quảng Ninh

Qua 10 năm thực thi Cương lĩnh 2011, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nhất là tiếp tục kế thừa, phát triển tư duy, tầm nhìn, lộ trình, phương thức phát triển của nhiệm kỳ thứ XIII, suốt 5 năm của nhiệm kỳ XIV, tỉnh Quảng Ninh không ngừng phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh, bền vững; nội lực của tỉnh được củng cố, tăng cường, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc.

Tỉnh Quảng Ninh kiên định chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh"

Tỉnh Quảng Ninh kiên định chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh"

Kinh tế đột phá

Tại tỉnh Quảng Ninh, việc triển khai Cương lĩnh 2011 đã được cụ thể hóa bằng các nghị quyết chuyên đề trên tất cả các lĩnh vực; xây dựng các đề án lớn, báo cáo Trung ương cho chủ trương triển khai nhằm đề xuất các cơ chế, đột phá cho phát triển; đồng thời đóng góp tích cực vào việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách của Trung ương như: Đề án "Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh và thí điểm xây dựng hai đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Móng Cái" được Bộ Chính trị cho chủ trương tại Thông báo 108-TB/TW, ngày 1/10/2012 với 7 nhóm cơ chế, chính sách; Đề án "Xây dựng khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp có casino tại khu kinh tế Vân Đồn" được Bộ Chính trị cho chủ trương tại Thông báo 138-TB/TW, ngày 24/6/2013 đồng ý các đề xuất đột phá; Đề án "Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế" (Đề án 25) làm cơ sở thực tiễn để Trung ương ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW, 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) chỉ đạo triển khai trong phạm vi cả nước...

Nhờ đó, kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng cao và ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 10,7%, cơ bản đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra trong điều kiện bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, cao hơn so với bình quân chung cả nước. Đến năm 2020, quy mô nền kinh tế của tỉnh tăng nhanh, đạt 211.476 tỷ đồng, tăng gấp 1,86 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững so với năm 2015: Tỷ trọng khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm tăng từ 43,1% lên 44,6%; công nghiệp - xây dựng duy trì ổn định ở mức 49%; nông - lâm - thủy sản giảm từ 7,7% xuống 5,9%. Tổng thu ngân sách nhà nước 5 năm ước đạt hơn 212.492 tỷ đồng, tăng 29,56% so với giai đoạn 2011 - 2015. Cơ cấu thu ngân sách chuyển dịch tích cực, thu ngân sách nội địa luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có số thu cao nhất cả nước có đóng góp về Trung ương; kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách được tăng cường; bảo đảm cân đối vững chắc thu, chi ngân sách địa phương.

Năng suất lao động xã hội bình quân tăng 12,1%/năm, năm 2020 đạt 292,9 triệu đồng/người, tăng gấp 1,77 lần so với năm 2015. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm ước đạt 341.644 tỷ đồng, tăng 1,56 lần so với giai đoạn 2011 - 2015, bình quân tăng 10,3%/năm (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra 10%). Tích cực tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả đầu tư công; tỷ lệ chi đầu tư phát triển hằng năm đều đạt trên 55%. Hiệu quả đầu tư không ngừng được cải thiện. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người ước đạt trên 6.700 USD/người/năm, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước.

Không chỉ tăng trưởng theo con số, chất lượng tăng trưởng của tỉnh được cải thiện đáng kể. Quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tăng lên rõ rệt; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững; dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh". Thực hiện ba đột phá chiến lược có trọng tâm, trọng điểm, đạt nhiều kết quả quan trọng; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ được đầu tư đồng bộ, hiện đại và có bước đột phá. Môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện nằm trong nhóm đứng đầu cả nước; cải cách hành chính có bước đột phá, tạo chuyển biến căn bản, thúc đẩy có hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, thu hút được nguồn lực ngoài ngân sách lớn - nguồn động lực đột phá mạnh mẽ cho đầu tư phát triển. Chủ động phát triển nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động theo định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Phát triển ngành than theo hướng bền vững

Là một trong những ngành sản xuất quan trọng của tỉnh, sản lượng sản xuất than trong 5 năm qua đạt 201 triệu tấn, bình quân tăng 4,1%/năm; tỷ trọng đóng góp ngành khai khoáng trong GRDP giảm dần từ 21,3% năm 2015 xuống còn 17,3% năm 2020, phù hợp với lộ trình đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh" của tỉnh. Tỉnh Quảng Ninh cũng từng bước thực hiện lộ trình kết thúc khai thác than lộ thiên theo quy hoạch của Chính phủ.

Đồng hành với tỉnh, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) trong những năm qua đã thực hiện rất nhiều giải pháp để hiện thực hóa mô hình tăng trưởng này. Điển hình trong khai thác than hầm lò, TKV đã đầu tư hệ thống lò chợ cơ giới hóa áp dụng ở nhiều diện sản xuất khác nhau. Từ lò chợ cơ giới hóa áp dụng đầu tiên tại Công ty Than Khe Chàm (năm 2015) đến nay, Tập đoàn đã nhân rộng 10 dây chuyền đồng bộ cơ giới hóa đang hoạt động tại 8 đơn vị, gồm: Than Hà Lầm, Than Vàng Danh, Than Khe Chàm, Than Núi Béo, Than Mông Dương, Than Dương Huy, Than Quang Hanh và Than Uông Bí.

Với các mỏ lộ thiên giai đoạn 2015 - 2020, Tập đoàn đã đầu tư các loại ôtô vận tải chở đất đá có tải trọng lên đến 130 tấn; khai thông các mỏ lộ thiên để tạo ra những khai trường lớn hơn, từng bước băng tải hóa vận chuyển than, đất đá và sử dụng công nghệ vận tải liên hợp ôtô - băng tải tại mỏ than Cao Sơn với công suất 20 triệu m3/năm để giảm giá thành, chi phí sản xuất và bảo vệ môi trường...

Cùng với các giải pháp ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại vào sản xuất, hàng năm, TKV đã chi gần 1.000 tỷ đồng cho công tác bảo vệ môi trường. Đến năm 2019, Tập đoàn đã hoàn thành các công trình trong Đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016 - 2020. Cụ thể, đã trồng cây phủ xanh trên 1.000ha bãi thải; đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành 45 trạm xử lý nước thải mỏ công suất trên 120 triệu m3/năm, đảm bảo 100% nước thải hầm lò được xử lý theo tiêu chuẩn môi trường. Các đơn vị thuộc TKV đầu tư máy phun sương dập bụi cao áp để tăng hiệu quả chống bụi cho khu vực khai thác và các tuyến đường vận chuyển than, áp dụng giải pháp tăng cường vận chuyển than bằng băng tải giảm thiểu bụi, tiếng ồn gây ảnh hưởng đến dân cư, đô thị.

Cùng với đó, TKV đã tiến hành di chuyển nhiều cơ sở vật chất kỹ thuật sản xuất than ra khỏi các trung tâm thành phố, góp phần cải thiện môi trường cảnh quan và phát triển đô thị của vùng mỏ. Tiêu biểu, giữa năm 2019, TKV đã chấm dứt hoạt động Nhà máy Tuyển than Nam Cầu Trắng (quy mô rộng gần 33ha)…

Những giải pháp trên đã giúp TKV ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh; đảm bảo cung cấp than phục vụ mục tiêu an ninh năng lượng quốc gia, ổn định việc làm, tăng thu nhập cho hàng nghìn công nhân vùng mỏ, đóng góp tích cực cho mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh. Đến nay, 15/17 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV cơ bản đạt và vượt.

Phương Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/10-nam-thuc-thi-cuong-linh-xay-dung-dat-nuoc-trong-thoi-ky-qua-do-len-chu-nghia-xa-hoi-cuong-linh-2011-buoc-dot-pha-cua-quang-ninh-144279.html