10 năm tìm kiếm, Mỹ vẫn không phát hiện sớm virus nCoV

Vào cuối năm 2019, Mỹ đã dừng chương trình theo dõi những virus nguy hiểm từ động vật có thể lây sang người.

Năm 2009, Mỹ công bố chương trình tìm kiếm các dịch bệnh nguy hiểm mới (PREDICT). Chương trình này ra đời sau khi dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát vào năm 2005 với mục đích tìm kiếm những loại virus trên động vật có thể gây nguy hiểm khi lây sang người.

Theo New York Times, chương trình PREDICT đã nghiên cứu 140.000 mẫu sinh phẩm từ động vật và tìm ra hơn 1.000 loại virus mới, bao gồm cả một chủng chưa được phát hiện của virus Ebola.

Tuy nhiên, chương trình này đã bị cắt ngân sách vào tháng 9/2019. Chỉ vài tháng sau, chủng virus corona mới, được cho là lây từ dơi hoặc tê tê sang người, đã gây nên một đại dịch toàn cầu.

Lưới thưa không bắt được cá

Vì sao PREDICT lại không dự đoán được sự xuất hiện của virus corona mới? Theo nhà virus học Michael Buchmeier thuộc Đại học Irvine California, những nỗ lực tìm kiếm giống như một chiếc lưới thưa không thể bắt được hết cá.

Chợ tươi sống Huanan, nơi buôn bán nhiều động vật hoang dã, được cho là điểm bùng phát dịch Covid-19 tại Vũ Hán. Ảnh: SCMP.

Theo Scientific American, khoảng hơn 600.000 loại virus có thể lây từ động vật sang người. Để nhận biết được chúng, các nhà nghiên cứu phải tìm kiếm tại những điểm nóng mà con người có nhiều khả năng tiếp xúc với động vật hoang dã như trong rừng hoặc chợ bán động vật.

Họ thường tập trung lấy mẫu từ những loại động vật có khả năng mang virus cao hơn như dơi, khỉ hay chuột. Sau đó, các mẫu vật sẽ được kiểm tra tại phòng thí nghiệm để xem xét khả năng lây lan sang người. Những nhà điều tra cũng phân tích các yếu tố về xã hội, môi trường để tìm ra nguy cơ tiềm ẩn.

Các nhà nghiên cứu đã nhận thức rõ virus corona, chủng virus từng gây đại dịch SARS, có thể là một mối đe dọa tái phát. Năm 2007, các nhà nghiên cứu từ Đại học Hong Kong đã xuất bản báo cáo khoa học cho rằng nhiều loại virus giống SARS-CoV khác ở loài dơi khiến mầm bệnh này trở thành "quả bom hẹn giờ".

Virus corona mới có nhiều điểm tương đồng với loại virus đã gây ra dịch SARS. Ảnh: CDC.

Kevin Olival, nhà nghiên cứu bệnh sinh thái tại EcoHealth Alliance cho biết các nhà nghiên cứu trong chương trình PREDICT và đối tác của họ, bao gồm một nhóm tại Viện Virus học Vũ Hán ở Trung Quốc, đã xác định được nhiều virus corona liên quan đến SARS ở dơi và làm thí nghiệm với một số loại.

Tuy nhiên, sự lây lan của SARS-CoV-2 xảy ra như thế nào và ở đâu đến nay vẫn là bí ẩn. Những thông tin ban đầu cho rằng sự lây lan sang người xảy ra tại chợ bán buôn hải sản Huanan ở Vũ Hán. Tuy nhiên, chúng ta chưa biết rõ nó xảy ra như thế nào, cũng như liệu có một vật chủ trung gian giữa những con dơi mang mầm bệnh và người hay không.

Mấu chốt để dự đoán dịch bệnh mới

Việc nắm bắt quá trình trao đổi virus giữa động vật và con người là mấu chốt để dự đoán sự lây lan dịch bệnh. Theo ông Olival, cần phải hiểu rõ về hệ sinh thái địa phương, bản đồ phân bố loài cũng như hành vi của con người với các loài động vật khác.

Để có thể phân tích những yếu tố này cần rất nhiều nhà khoa học và tất nhiên cũng tốn chi phí lớn. Do vậy, chỉ có một vài cơ sở nghiên cứu có thể tìm ra nguy cơ từ những yếu tố đã nêu và đưa ra cảnh báo. Điều này sẽ giúp giảm thiểu khả năng tiếp xúc giữa con người và các loài động vật nguy hiểm.

Thói quen mua bán động vật hoang dã tại chợ có thể là nguy cơ cho những dịch bệnh mới do virus bùng phát. Ảnh: Getty.

"Những nỗ lực phát hiện ban đầu thì không được đầu tư mấy. Chúng ta quá tập trung vào việc can thiệp y tế sau khi bệnh dịch đã bùng phát", Rohit Chitale, nhà nghiên cứu dịch bệnh tại Cơ quan Nghiên cứu các dự án quốc phòng tiên tiến của Mỹ (DARPA) nhận xét.

Ông Olival cũng lưu ý rằng dự án PREDICT tiêu tốn khoảng 200 triệu USD trong 10 năm hoạt động, chỉ bằng một phần nhỏ so với gói cứu trợ 2.000 tỷ USD của Mỹ sau khi dịch Covid-19 bùng phát.

"Quá nhiều người bệnh tại các điểm nóng bị chẩn đoán qua loa hoặc được điều trị bằng kháng sinh phổ biến trong khi dấu hiệu bệnh có thể là của một loại virus mới.

Mặc dù đã thu thập được nhiều dữ liệu từ động vật, chúng ta vẫn cần thêm thông tin để hiểu rõ điều gì khiến con người nhiễm bệnh", Thomas Inglesby, Giám đốc trung tâm y tế của trường y tế công Johns Hopkins Bloomberg chia sẻ.

"Chúng ta đang trải qua một cơn địa chấn. Những nhà hoạch định chính sách, giới khoa học và đầu tư đều sẽ học hỏi từ việc này để biết cách ngăn một thảm họa tương tự xảy ra trong tương lai", ông Inglesby nhận xét.

Chiếc máy giữ mạng sống cho bệnh nhân Covid-19 Dịch Covid-19 gây ra hội chứng suy hô hấp cấp tính cho người nhiễm, khiến họ càng lúc càng khó thở hơn. Do đó, máy thở là thiết bị mang tính sống còn đối với những bệnh nhân này.

Nhật Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/10-nam-tim-kiem-my-van-khong-phat-hien-som-virus-ncov-post1069691.html