10 năm xây dựng nông thôn mới ở Thanh Trì: Thành quả từ sự đoàn kết

Thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thanh Trì lần thứ XXII lựa chọn 'Xây dựng nông thôn mới (NTM)' là một trong hai khâu đột phá trọng tâm.

Đến Đại hội XXIII, Đảng bộ huyện ban hành Chương trình công tác số 02-CTr/HU đẩy mạnh phát triển kinh tế, tăng cường quản lý đất đai, thu hút nguồn lực tập trung đầu tư phát triển theo hướng đô thị đã được cán bộ, đảng viên, Nhân dân cùng thực hiện.

Quyết tâm thực hiện

Để quá trình thực hiện theo kế hoạch đề ra, Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Trì ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo “Xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân huyện Thanh Trì”; công bố đề án xây dựng NTM và đồ án quy hoạch các xã đã được phê duyệt. Qua đó, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM ban hành quy chế hoạt động, xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các thành viên.

 Huyện ủy Thanh Trì khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong xây dựng nông thôn mới.

Huyện ủy Thanh Trì khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, thành lập tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo tham mưu, ban hành văn bản, tổ chức hội nghị quán triệt triển khai chương trình. Cùng với đó, Huyện ủy - HĐND - UBND huyện ban hành hàng loạt văn bản liên quan đến chính sách hỗ trợ quy định về việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế trên đất nông nghiệp.

Trong giai đoạn này, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã phát động hàng loạt phong trào thi đua “Thanh Trì chung sức xây dựng NTM” và “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”... Kết quả thực hiện các phong trào đã tạo sức lan tỏa, Nhân dân quan tâm phấn khởi, đồng thuận và hưởng ứng thực hiện chương trình.

Kết quả nổi bật với hàng loạt các phong trào: Hiến đất mở đường; thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, thi đua dạy tốt học tốt… đã tạo luồng sinh khí mới trong lao động. Nhờ vậy, cán bộ, đảng viên phấn khởi tin tưởng cách làm, phương pháp chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân.

Đi đôi với những việc làm trên, công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tổ chức các buổi tọa đàm, đối thoại “Toàn dân chung sức xây dựng NTM” giữa lãnh đạo huyện, xã với Nhân dân ngay tại cơ sở cũng được thực hiện.

Qua đối thoại nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của cán bộ và Nhân dân để từng bước giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Nhờ có sự đồng lòng, chung sức của cán bộ và Nhân dân, năm 2015 các xã của huyện đã hoàn thành xây dựng NTM và được TP công nhận đạt chuẩn NTM. Đến tháng 9/2017, Thanh Trì tiếp tục vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Huy Toàn cho biết: Đến nay, sản xuất nông nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về năng suất, chất lượng. Trên địa bàn huyện đã hình thành hệ thống quy hoạch và công tác quản lý đất đai, quy hoạch vùng sản xuất. Từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng tích cực.

Bước đầu hình thành vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao, rau an toàn, cây ăn quả và vùng chăn nuôi thủy sản. Hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng mới khang trang phục vụ Nhân dân. Cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp - thương mại dịch vụ - nông nghiệp.
Duy trì kết quả

Để quá trình thực hiện đạt kết quả, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của huyện định kỳ tổ chức giao ban đánh giá và triển khai thực hiện chương trình theo từng tháng để đưa ra bước triển khai tiếp theo. Tại cấp xã cũng thực hiện chế độ giao ban 2 lần/tháng đối với ban chỉ đạo cấp xã, 1 lần/tuần đối với cấp thôn.

Quá trình thực hiện phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, đoàn thể, cán bộ đối với từng tiêu chí. Đây là cơ sở đánh giá xếp loại thi đua cán bộ. Nhờ đó, hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố vững mạnh, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi thay theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại hóa. Những năm gần đây, cán bộ, đảng viên và Nhân dân tiếp tục duy trì, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí chuẩn nâng cao.

Nhờ vậy, đến nay, toàn huyện đã có 100% diện tích được cơ giới hóa khâu làm đất, 80% cơ giới hóa khâu thu hoạch. Phát triển 140,5ha vùng trồng rau an toàn tại xã Yên Mỹ và Duyên Hà, trong đó có 52ha rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Duy trì 769ha/năm diện tích nuôi trồng thủy sản cho sản lượng đạt gần 8.500 tấn/năm. Phát triển khu nuôi trồng thủy sản gần 120ha tại xã Đông Mỹ và 74ha tại xã Đại Áng. Toàn huyện đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa 816,9ha, cấp 8.288 Giấy CNQSD đất nông nghiệp cho các hộ.

Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 86%. 100% xã có chợ đạt chuẩn cơ bản đáp ứng nhu cầu kinh doanh của người dân. Cũng trong 10 năm qua, toàn huyện đã triển khai 240 đợt ra quân tổng vệ sinh môi trường với trên 8.000 lượt người tham gia trồng 2.917 cây xanh, 9.060m thảm hoa trên các tuyến đường, trong khu dân cư giúp diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi rõ nét theo hướng đô thị.

Phấn khởi nói về kết quả sau 10 năm thực hiện chương trình 02-CTr/TU về xây dựng NTM, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường khẳng định: Thời gian tới, UBND huyện tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển công trình giao thông, trường học, thiết chế văn hóa và các công trình bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân.

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, đặc biệt là quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất và năng lực tốt nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

"Thanh Trì có 16 xã, thị trấn, diện tích đất tự nhiên 6.296ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 3.349,8ha, dân số trên 27 vạn người. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện đạt 13,8%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt gần 55 triệu đồng/người/năm, tăng 5,9 triệu đồng/người/năm so với năm 2018. Tỷ lệ hộ nghèo còn 0,91%. Tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đô thị đạt 82%." - Chánh Văn phòng UBND huyện Thanh Trì Chử Minh Quân

Bài, ảnh: Nguyễn Trường

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/10-nam-xay-dung-nong-thon-moi-o-thanh-tri-thanh-qua-tu-su-doan-ket-352934.html