10 nguyên nhân làm tăng tổng mức đầu tư dự án Cát Linh-Hà Đông hơn 9.200 tỷ đồng

Chính phủ mới đây đã có báo cáo Quốc hội về một số dự án quan trọng Quốc gia, trong đó có Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông. Dự kiến Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng sẽ tổ chức họp kiểm tra công tác nghiệm thu của Chủ đầu tư trong tháng 10/2021. Sau khi có ý kiến chấp thuận của Hội đồng kiểm tra nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ tiến hành bàn giao dự án cho UBND Tp Hà Nội tiếp nhận, vận hành khai thác theo quy định.

Theo báo cáo, đến nay Dự án đã hoàn thành toàn bộ phần xây dựng, lắp đặt thiết bị và vận hành thử toàn hệ thống theo tiêu chuẩn Dự án vào tháng 12/2020. Bộ GTVT đã hoàn thành công tác nghiệm thu tổng thể công trình.

Trên cơ sở kết quả nghiệm thu các công trình thành phần, nghiệm thu tổng thể công trình, Bộ GTVT đã có báo cáo hoàn thành gửi Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đề nghị tiến hành kiểm tra và có ý kiến chấp thuận về công tác nghiệm thu Dự án. Do dự án có quy mô lớn, tính chất phức tạp (bao gồm nhiều chuyên ngành), lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam nên quá trình hoàn thiện thủ tục nghiệm thu bàn giao kéo dài.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chạy thử nghiệm.

Đánh giá về quá trình thực hiện Dự án, báo cáo cũng nêu rõ: Dự án từ khi khởi công đến nay gặp nhiều khó khăn, vướng mắc làm chậm tiến độ và tăng tổng mức đầu tư. Quá trình thực hiện Dự án của Tổng thầu còn bộc lộ nhiều hạn chế trong chỉ đạo, điều hành và quản lý, phụ thuộc nhiều vào các đơn vị liên kết; chưa thực hiện các yêu cầu của Chủ đầu tư nên thường xuyên chậm trễ hoàn thành các hạng mục theo mốc tiến độ đã cam kết.

Điều đáng chú ý, tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh tăng từ 8.769,9 tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD) thành 18.001,5 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD), tăng 9.231,6 tỷ đồng (tương đương 315,18 triệu USD). Báo cáo cũng nêu ra khoảng 10 nguyên nhân làm tăng tổng mức đầu tư của dự án.

Cụ thể, thay đổi phương án nhà ga từ 2 tầng thành 3 tầng; Bổ sung hạng mục xử lý nền đất yếu khu Depot; Bổ sung hạng mục đường tránh Quốc lộ 6; Điều chỉnh vật liệu vỏ tàu từ thép chịu khí hậu sang thép inox; Bổ sung chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ; Thay đổi vị trí bãi đúc dầm; Công tác nghiệm thu thiết bị, đoàn tàu và vận hành chạy thử dự án; Kinh phí giải phóng mặt bằng thay đổi (bao gồm cả công trình di dời hạ tầng kỹ thuật); Biến động về giá nguyên, nhiên, vật liệu, tỷ giá hối đoái; các chế độ, chính sách trong thời gian thực hiện dự án cũng như các khối lượng, đơn giá chưa tính chính xác được trong bước thiết kế cơ sở; Một số thay đổi khác.

Được biết, do Dự án chậm hoàn thành bàn giao cho UBND TP Hà Nội nên thành phố chưa tiếp nhận và thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc khoản vay lại theo cơ chế tài chính đã được phê duyệt. Vừa qua, đến kỳ trả nợ gốc khoản vay lại của các Hiệp định vay, Bộ Tài chính đã ứng từ quỹ tích lũy để trả nợ theo cam kết của Chính phủ tại các Hiệp định vay đã ký.

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ GTVT sớm hoàn thành thủ tục để bàn giao Dự án cho UBND TP Hà Nội làm cơ sở chuyển giao khoản nợ để thành phố thực hiện trả nợ theo cơ chế tài chính của Dự án.

Đồng thời, theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung danh mục “Trả nợ gốc các Hiệp định vay của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông” trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Giao thông vận tải để trả nợ gốc khoản vay lại của Dự án.

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/10-nguyen-nhan-lam-tang-tong-muc-dau-tu-du-an-cat-linh-ha-dong-hon-9-200-ty-dong-i632154/