10 nữ lãnh tụ vĩ đại trong lịch sử (kỳ 1)

Corazon Aquino lãnh đạo phe đối lập sau cái chết của chồng và trở thành tổng thống nữ đầu tiên của Philippines, còn Yaa Asantewaa chống đế quốc Anh khi bà đã 70 tuổi.

Nữ tổng thống đầu tiên của Philippines

Corazon “Cory” Aquino, sinh năm 1933, là người Philippines. Năm 1986, bà lãnh đạo chính phủ dân chủ đầu tiên ở nước này từ khi Nhật Bản chiếm đóng. Sau khi tốt nghiệp Đại học Mount St. Vincent ở New York, Corazon kết hôn với Benigno “Ninoy” Aquino. Năm 1972, cảnh sát bắt chồng bà rồi trục xuất sang Mỹ do ông công khai chỉ trích chế độ độc tài của Ferdinand Marcos. Năm 1983, chính phủ cho phép ông về thăm nhà, nhưng lại phái người ám sát ông. Tại thời điểm đó, làn sóng phản đối chế độ độc tài đang dâng cao ở Philipines. Phẫn nộ trước cái chết của chồng, bà Aquino quyết định lãnh đạo phe đối lập, bất chấp mối đe dọa ám sát, Inquirer cho biết.

Cựu tổng thống Corazon “Cory” Aquino của Philippines. Ảnh: philstar.com

Trong cuộc bầu cử vào tháng 2/1986, tổng thống Marcos giành chiến thắng. Tuy nhiên, Thượng viện Mỹ và Giáo hội Công giáo cáo buộc ông gian lận. Bà Aquino kêu gọi biểu tình hòa bình, đình công và tẩy chay để phản đối tổng thống. Phong trào Cách mạng “Sức mạnh nhân dân” do bà khởi xướng thu hút đông đảo người dân tham gia. Trong nỗ lực cuối cùng nhằm giành quyền kiểm soát, Marco yêu cầu quân đội nã súng vào dòng người biểu tình, song quân đội từ chối phục tùng mệnh lệnh. Vào cuối tháng 2, Marco buộc phải trốn và Corazon Aquino trở thành Tổng thống của chính phủ dân cử.

Nữ thủ lĩnh 70 tuổi chống đế quốc Anh

Chào đời vào năm 1830, Yaa Asantewaa là em gái của Kwasi Afrane Panin - thủ lĩnh vùng Edweso, thuộc vương quốc Asante. Ngày nay Edweso thuộc Ghana.

Khi người Anh chiếm đóng và cai trị Asante, Thống đốc Anh, Lord Hodgson, yêu cầu vua nước này chuyển giao ngai vàng, African Globe cho biết. Để thực hiện yêu cầu này, họ cử Đại úy C.H. Armitage đàn áp người dân. Cuối cùng, vua Nana Osei Agyeman Prempeh I cùng với 55 cận thần thân tín buộc phải lưu vong. Ngày 28/3/1900, khi Đại úy C.H. Armitage cướp ngai vàng, bà Yaa, người phụ nữ duy nhất chứng kiến sự việc, tuyên bố bà sẽ không đóng bất cứ một khoản thuế nào và sẵn sàng chống lại chế độ độc tài.

Lời tuyên bố táo bạo mở đầu cho cuộc đấu tranh giành độc lập nổ ra cùng ngày của Yaa Asantewaa. Trong vòng 3 tháng, nghĩa quân của bà - với hơn 4.000 binh sĩ - đã bao vây pháo đài do quân Anh trấn giữ tại Kumasi. Sau thất bại trong trận đầu tiên, Anh điều quân tiếp viện từ Nigeria, đồng thời sử dụng lợi thế về công nghệ, địa hình và tài chính để đối phó với Yaa. Ngày 3/3/1901, bà rơi vào tay quân Anh và phải lưu đày cho đến khi qua đời ở tuổi 90.

Người phụ nữ hai đời chồng chống đế quốc Ottoman

Laskarina Bouboulina là chỉ huy hải quân Hy Lạp từng lãnh đạo thành công cuộc đấu tranh chống lại Đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay). Năm 1771, mẹ của Bouboulina sinh ra bà trong chuyến thăm chồng, một thuyền trưởng hải quân sống trong nhà tù Constantinople do thất bại trong cuộc đảo chính chống lại Ottoman. Sau cái chết của cha, Laskarina và mẹ chuyển đến đảo Spetses. Tại đây, bà trải qua hai cuộc hôn nhân với hai người đàn ông trong gia đình giàu. Với tiền từ các mối quan hệ này, bà đóng 4 chiếc tàu, bao gồm Agamemnon, chiếc tàu lớn nhất thời đó. Bouboulina trở thành người phụ nữ duy nhất tham gia vào cuộc cách mạng Filiki Etairia chống Đế quốc Ottoman. Ngày 13/3/1821, bà phát động cuộc khởi nghĩa tại đảo Spetses, Telegraph đưa tin.

Bà Laskarina Bouboulina. Ảnh: Wikipedia

Ngày 3/4/1821, đảo Spetses gia nhập cuộc cách mạng. Sau đó người dân trên đảo Hydra và Psara cũng tham gia. Bouboulina chỉ huy 8 tàu chiến vây hãm pháo đại của Ottoman tại Nafplion. Bà tiếp tục tấn công Monemvasia và Pylos, chi tiêu hầu hết tài sản trong vòng hai năm đầu của cuộc đấu tranh và giành thắng lợi với sự thành lập của nhà nước Hy Lạp. Khi Hy Lạp chia rẽ thành nhiều phe phái, Laskarina bị bắt hai lần trước khi lưu đày đến Spetses. Cuối cùng, bà chết vì đạn trong một cuộc xung đột gia đình. Giới sử gia nhận định tàu chiến, tiền bạc và tài chỉ huy của Laskarina Bouboulina đóng góp rất lớn vào thắng lợi của cuộc cách mạng.

Nguyễn Sương

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/10-nu-lanh-tu-vi-dai-trong-lich-su-ky-1-post396941.html