10 phóng sự ảnh ấn tượng 2019 trên Zing.vn

Năm 2019, phóng viên Zing.vn có mặt ở nhiều nơi, gặp gỡ nhiều số phận để ghi lại những sự kiện, góc cạnh của cuộc sống.

LENS - định dạng phóng sự ảnh kết hợp bài viết, được Zing.vn giới thiệu tới bạn đọc từ cuối 2017.

Đó là nơi chúng tôi tập hợp những câu chuyện, được thể hiện thông qua ngôn ngữ hình ảnh. Bên cạnh các đề tài thời sự, bài viết truyền cảm hứng, báo mong muốn mang đến cho độc giả những khoảnh khắc về cuộc sống mến yêu, lạc quan thông qua góc nhìn văn minh, tôn trọng sự khác biệt.

Gần 100 phóng sự được các nhiếp ảnh gia, đội ngũ phóng viên Zing.vn thực hiện trong năm qua. Dưới đây là những câu chuyện bếp núc đằng sau 10 phóng sự ảnh nổi bật, do chính tác giả kể lại.

Cuộc tháo chạy khỏi nơi xảy ra thảm họa Rạng Đông

Từ lúc bắt đầu tới hiện trường tác nghiệp đến khi bài được đăng tải chỉ vỏn vẹn 24 giờ. Đó là khoảng thời gian quá ít cho một bài phóng sự ảnh. Nhưng dẫu sao tôi cũng hài lòng với tác phẩm của mình và đồng nghiệp. 24 giờ chạy đua với mong muốn đưa thông tin thật nhanh đến những độc giả đang quan tâm lo lắng cho những người dân đang sinh sống ở nơi nhiễm độc, đầy nguy hiểm.

Ngày 8/9/2019, 10 ngày sau đám cháy tại Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông - sự cố về môi trường lớn tại Hà Nội, tôi cùng hai đồng nghiệp dự định sẽ triển khai đề tài phản ánh thực trạng khu vực dân cư nơi này sau khi có tin các cửa hàng đóng cửa, người người dọn đi nơi khác ở nhờ...

Sau khi chứng kiến những con người như anh Cương, bác Lực vẫn đang phải sống ngay sát với hiện trường đám cháy bởi vì không còn chỗ nào để đi, một phần vì họ không rõ thông tin thực hư về ô nhiễm thủy ngân ra sao, chúng tôi thấy cần phải đi sâu hơn vào câu chuyện.

Đến chung cư 54 Hạ Đình khoảng 17h cùng ngày, dọc theo thang bộ lên các tầng, tôi gặp một gia đình đang để đầy đồ đạc, vali ngoài cửa. Họ đang chuẩn bị dọn đi ở nhờ. Đó là gia đình anh Nam, may mắn kịp thuê được một căn hộ gần đường Lê Văn Lương để ở trong thời gian bị ô nhiễm. Đó thực sự là một trong những cuộc tháo chạy của nhiều hộ dân sống xung quanh Công ty Rạng Đông. Bức ảnh anh Cương ngồi xuống tìm tòi trong đống đổ nát cháy đen của phòng ngủ sau đó ám ảnh tôi nhiều ngày.

Cuộc sống tự lập của những đứa trẻ thiệt thòi miền sơn cước

Đây là một trong những bài phóng sự ảnh tôi tâm đắc nhất hiện tại. Ý tưởng xuất phát từ việc xem những bức ảnh 3 năm trước của một người chị Xã Mường Toong, huyện Mường Nhé (Điện Biên) - một huyện biên giới ngã ba giữa Việt Nam - Lào - Trung Quốc.

Trường PTDT bán trú Tiểu học Mường Toong số 1 có số lượng học sinh tiểu học ở nội trú lớn nhất huyện Mường Nhé. Việc người dân nơi đây phải đối mặt với vô vàn khó khăn của một huyện biên giới với nhiều tệ nạn xã hội, ma túy và nhiều bất ổn khác, qua đó mới thấy, giáo dục gần như là con đường duy nhất để hướng tới một xã hội ổn định.

Tôi đã di chuyển tới 3 chuyến Hà Nội - Mường Nhé trong suốt quá trình thực hiện phóng sự, tổng thời gian khoảng 1 tháng. Mỗi lần đi là một hình thức khác nhau: Lần đầu tiên tôi ngồi nhờ xe tải của cậu em chở bồn nước. Lần tiếp theo tôi tự lái xe máy cùng một người bạn đồng hành mà cả hai lần qua đèo Pha Đin đều vào buổi đêm. Chỉ có lần cuối cùng tôi đi một mình bằng xe khách giường nằm. Mỗi lần đi lại như vậy tính ra khoảng 1.400 km.

Đây cũng là chuyến đi cho tôi nhiều trải nghiệm nhất và những con người khiến tôi sẽ nhớ mãi. Có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong suốt quá trình tác nghiệp ở Mường Toong; những buổi sáng theo chân lũ trẻ vào rừng đào măng, hai buổi tối ngủ cùng thầy Sênh ở bản Ngã Ba; lái xe máy băng qua hơn chục khe suối vào bản Huổi Ping; đi bộ 7 km giữa cái nắng gắt vào bản Nậm Xả. Sau tất cả, tôi đã có nhưng bức ảnh nhiều góc cạnh về cuộc sống và nền giáo dục tại xã Mường Toong nói riêng, hay giáo dục tiểu học vùng cao nói chung.

Người nhện ở vùng biển cực nam Tổ quốc

Hình ảnh những ngư dân Cà Mau mưu sinh lênh đênh ngoài biển cả có cách di chuyển trên dây như những “người nhện”, cùng chung sống trên chiếc chòi bé nhỏ giữa biển khơi… thôi thúc tôi phải thực hiện bằng được một bộ phóng sự ảnh báo chí. Đầu năm 2019, tôi đã vượt hàng chục hải lý đến với họ, những ngư dân chuyên làm nghề đóng đáy hàng khơi.

Chuyến đi đúng vào thời điểm người làm đáy hàng khơi ở Cà Mau vừa hứng chịu một cơn bão ở biển Tây. Nhiều cột đáy, chòi lá, miệng đáy bị sóng gió làm ngả nghiêng, hư hỏng nặng. Và ngoài việc săn được những khoảnh khắc mưu sinh từ nghề này, tôi còn chụp được cả việc họ dựng mới chòi lá, cột lại dây thừng, cắm cột hàng đáy mới… Điều này giúp bộ ảnh phong phú hơn, lột tả khá rõ công việc của những người làm nghề này. 4 ngày cùng ăn ở, ngủ nghỉ và tham gia vào hoạt động mưu sinh của ngư dân, tôi cảm nhận sự cơ cực của nghề. Mọi người phải làm việc liên tục từ ngày đến đêm tối, người ít khi không ướt nước biển. Và tâm thức họ luôn ám ảnh bởi những lần biển dậy sóng cuống phăng đi mọi thứ, chống chọi lắm mới còn mạng sống trở về với người thân.

Cũng những hôm ấy, biển khá động, tôi say sóng nhẹ, mắt hoa lên, nhìn mọi thứ cứ xoay vòng. Thật may là có một bạn chòi có thuốc để chống say, tình hình mới khá hơn. Trên mỗi chiếc chòi bé nhỏ này, việc mỗi người chuẩn bị thuốc chữa bệnh thông thường như cảm cúm, ho, nhức đầu… là bắt buộc.

Hành trình 10 ngày đánh bắt xa bờ ngoài khơi vịnh Bắc Bộ

Đánh bắt cá ngoài khơi là một công việc nhọc nhằn không phải ai cũng làm được. Việc lênh đênh giữa biển khơi nhiều ngày đầy rẫy những hiểm nguy mà các ngư dân luôn phải đối mặt. Những điều đó đã thôi thúc sự tò mò trong tôi và với sẵn máu liều trong mình, tôi đã liên hệ để được đi cùng với họ, trải nghiệm và kể lại câu chuyện về nghề của họ cho bạn đọc Zing.vn. Đó cũng là lần đầu tiên tôi cùng chiếc máy ảnh của mình rời đất liền để ra ngoài khơi xa.

Gọi là 10 ngày nhưng thực tế tôi có tổng cộng 27 ngày lênh đênh ngoài khơi cùng ăn, cùng ngủ cùng vui buồn với dây câu, mẻ lưới với các ngư dân. Ở đó, những người đàn ông to lớn ngày thường bỗng trở nên bé nhỏ và chênh vênh vô cùng giữa biển khơi bao la. Gặp con sóng lớn hay mưa gió thất thường, xung quanh không một chỗ bám víu, họ chỉ có thể cùng nhau giữ vững tay lái.

Rừng chuối của tỷ phú nông dân bẻ vô lăng máy cày từ thời niên thiếu

Khi có được lịch hẹn với tỷ phú nông dân Võ Quan Huy, tôi và đồng nghiệp đi xe máy từ TP.HCM về Long An, chặng đường 100 km mất khoảng 4 tiếng đồng hồ vì không thạo lối. Con đường chính dẫn vào vườn chuối bị một trận mưa ngày hôm trước nên bị sình lầy. Chúng tôi phải để xe máy lại và lội bộ. Đúng lúc ấy, chúng tôi gặp ông Huy đang tất tả xắn quần xắn áo để băng qua. Hai người trẻ còn đang loay hoay thì ông đã phăm phăm bước qua: “Cố lên nhé, hết đoạn này là đến rồi”. Khi tôi còn đang mải miết cúi xuống chọn điểm đặt chân tiếp theo, ngẩng lên đã thấy ông vượt qua quãng đường từ lúc nào.

Câu chuyện phỏng vấn với ông Huy bị ngắt quãng liên tục bởi chiếc điện thoại cứ chốc chốc lại reo vang. Mỗi lần có chuông ông đều ngại ngùng xin lỗi: “Nhà báo thông cảm giùm tui nha, đợt này đang bận quá”. Xong câu chuyện, ông trở ra vườn chuối xem xét tình hình.

Lúc này, ông trở thành một người nông dân chính hiệu, đội nón, mang ủng, kiểm tra từng buồng chuối xem có đúng quy cách và đạt chất lượng không. Ở tuổi ngoài 70, ông còn nhiều dự định về những giống cây trồng vật nuôi mới.

Nạn nhân bị tạt axit: Khi nỗi đau tột cùng tìm thấy niềm hy vọng

Sợ! Đó là cảm giác đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi khi người bạn đồng nghiệp đề xuất thực hiện đề tài. Dù là phóng viên ảnh nhưng tôi khá “nhát gan” khi phải chụp những hình ảnh có tác động thị giác mạnh. Nó sẽ khiến tôi bị ám ảnh trong một thời gian dài. Nhưng cuối cùng tôi vẫn quyết định thực hiện, phần vì quan tâm đến câu chuyện thời sự lúc bấy giờ, phần vì tôi nghĩ rằng đây là cơ hội để tôi có thể xóa bỏ nỗi sợ.

Và khi đến gặp Lan Vy, được nghe câu chuyện của cô gái đó, được thấy sự quan tâm của người cha dành cho người con, bất giác tôi thấy thương cảm. Nhưng Lan Vy thì khác, dù đang mang trên gương mặt mình những vết sẹo chằng chịt nhưng cô gái vẫn vui vẻ, lạc quan. Cô nói nếu không nghĩ tích cực lên thì cha mẹ sẽ buồn và chẳng giải quyết được điều gì. Ngay cả khi phải thay băng khá đau, cô gái vẫn nhoẻn miệng cười. Chính những điều đó ở Lan Vy khiến tôi đưa máy lên chụp mà không ngần ngại hay sợ hãi.

Ba phụ nữ kém may mắn ở trại Đá Bạc hoang tàn, lạnh lẽo

Nhắc đến bệnh nhân phong, hẳn không ít người có những ý nghĩ thành kiến, sợ hãi thậm chí xa lánh. Một trại phong bỏ hoang nằm khép mình dưới chân núi heo hút cách Hà Nội 50 km, 3 người phụ nữ ở độ tuổi gần đất xa trời nương tựa vào nhau sống là điều khiến tôi tò mò, quan tâm.

Những ngày hè tháng 6 oi ả cùng quãng đường đi về 100 km mỗi ngày tuy không phải trở ngại lớn với nghề phóng viên nhưng những áp lực về công việc hàng ngày đã khiến quá trình thực hiện phóng sự ảnh gặp nhiều khó khăn hơn. Có hôm đi nửa đường tôi phải quay xe trở lại thủ đô để thực hiện một đề tài khác có tính chất thời sự quan trọng hơn hoặc đã dự định lên đường lại phải bỏ dở do có việc đột xuất.

Tôi không phải là phóng viên đầu tiên tới đây và chắc hẳn cũng không phải là người cuối cùng gặp gỡ 3 phụ nữ này. Để tránh kể chuyện theo lối mòn, tôi chẳng còn cách nào khác ngoài việc dành nhiều thời gian hơn, có mặt từ lúc sáng sớm và chỉ ra về khi mặt trời đã lặn. Tôi ăn ở, trò chuyện cùng họ.

Gần một tuần miệt mài, tôi cũng tạm hài lòng với bài phóng sự của mình. Tôi dành khá ít thời gian cho việc bấm máy, thay vào đó lắng nghe, để hiểu hơn về căn bệnh phong quái ác, về những phận người bị gạt ra bên lề xã hội và về ước mơ giản đơn được người đời thấu hiểu, cảm thông.

Xăm kín mặt, những thanh niên ở Sài Gòn bị coi như người ngoài hành tinh

Trong một lần đi cắt tóc, tôi gặp một người thợ có đầy những hình xăm trên mặt. Điều này khiến tôi cảm thấy ấn tượng và tò mò. Việc xăm các họa tiết lên da (tattoo) từ lâu đã không còn là điều xa lạ, đặc biệt là với những người trẻ ở Việt Nam. Tuy nhiên, xăm hình lên vùng mặt, cổ, da đầu… những nơi không thể che chắn được chắc chắn sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến bản thân người đó khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài, hẳn là điều rất khó để quyết định.

Và, ẩn sau những hình xăm ấy, phải chăng sẽ là một câu chuyện chất chứa nào đó, khiến họ quyết định ghi dấu mãi mãi lên mặt của mình? Chính suy nghĩ đó đã thôi thúc tôi thực hiện phóng sự này.

Tôi mất gần một tuần để lên tìm và lên danh sách những bạn trẻ có hình xăm trên mặt, qua những lời giới thiệu của bạn bè, đồng nghiệp. Tuy nhiên, khó khăn đầu tiên phải đối mặt là không phải ai cũng đồng ý cho tôi chụp ảnh. Có người ngại xuất hiện trên mặt báo, có người không muốn công khai căn phòng trọ nhỏ hẹp mà mình đang ở, cũng có người không muốn để gia đình ở quê nhà biết được rằng, mình đã xăm nhiều hình đến như vậy. Qua nhiều tin nhắn và cuộc gọi trao đổi, thuyết phục, cuối cùng, tôi đã được 4 bạn trẻ đồng ý cho thực hiện bài phóng sự.

Khó khăn kế tiếp tôi phải đối mặt là việc 4 nhân vật ở 4 địa điểm khác nhau, rải rác trong thành phố, với lịch sinh hoạt và làm việc hoàn toàn khác nhau. Vì muốn hình ảnh mô tả được góc nhìn toàn cảnh, đầy đủ cuộc sống của các nhân vật, tôi tìm đến nơi làm việc, xem không gian sống của họ... Việc sắp xếp lịch hẹn chụp ảnh, phỏng vấn trở nên khá rắc rối và mất nhiều thời gian. Sau đó tôi mất thêm hai tuần nữa để thực hiện đề tài.

Có những người chọn xăm hình lên mặt vì đam mê với những họa tiết tattoo và quyết sống với nghề như Nghi Lâm, Văn Thảo, Trọng Nghĩa. Có người lại quyết định xăm để tưởng nhớ người thân yêu của mình như Đăng Khoa. Tuy nhiên, điểm chung của họ là đều phải rất nỗ lực để vượt qua rào cản của gia đình và ánh mắt kỳ thị của xã hội. Chính những khó khăn này đã khiến họ càng thêm cố gắng để theo đuổi đam mê, sở thích, kiếm tiền để nuôi sống bản thân và gia đình, cũng để chứng minh rằng việc sở hữu nhiều hình xăm trên mặt không đồng nghĩa với việc trở thành một người xấu. Họ chỉ đơn giản là những người trẻ dám sống khác biệt, dám bộc lộ đam mê, cá tính và dám chịu trách nhiệm với quyết định của mình.

Lớp học của 2 cô giáo và 34 học sinh giữa đỉnh trời

Xuất phát từ 3h sáng trong khi đêm trước vừa đáp xuống sân bay Chu Lai từ TP.HCM, tôi tiếp tục di chuyển bằng xe máy 110 km. Lúc này, bầu trời vẫn tối đen như mực, bánh xe xoay đều đặn trên con đường chỉ có duy nhất đèn pha là ánh sáng. Càng về sau trời càng sáng dần, mặt trời cuối cùng cũng nhú lên.

Các đồng lúa bậc thang hiện dần trong tầm mắt. Để đến một vùng núi xa xôi thuộc tỉnh Quảng Nam tôi tiếp tục di chuyển qua những con đường nhỏ, rất khó đi, đất đá gồ ghề không có lối mòn, nhiều lúc phải tự men theo các dốc đất đá. Cứ vài bước là bị lật bàn chân vì giẫm phải đá to.

Tôi tới chân núi lúc 8h sáng, dừng nghỉ uống chút nước rồi leo lên theo sự hướng dẫn và chỉ đường của các bạn nhỏ dân bản địa. Leo một mạch không dừng chân nghỉ, đến được nơi mình cần mất 40 phút.

Các cô giáo ở đây khác với hình dung ban đầu trong tôi, họ rất niềm nở và cởi mở tiếp đón. Buổi trưa, tôi được đi vòng quanh bản hái rau của người dân trồng mang về để các cô giáo chuẩn bị bữa cơm trưa...

Suốt chuyến đi đó, nhiều kỷ niệm đáng nhớ như bị kiến 3 khoang cắn, gặp mấy con rắn khá to lởn vởn xung quanh... Tuy nhiên trong lòng tự nhủ, nếu như có cơ hội quay lại lần nữa, tôi cũng không ngần ngại. Đó là một nơi mang lại ít nhiều dấu ấn trên hành trình khám phá quê hương mà tôi mong đợi. Một nơi mà con người và thiên nhiên hài hòa, hiếu khách, cởi mở, lạc quan, nhất là tinh thần lao động và cống hiến của hai cô giáo chính, là dấu ấn đậm nhất trong lòng tôi.

Tuổi trẻ, nên có những lần như thế, đến những nơi xa xôi, gặp những người không tưởng để nhận ra sự may mắn của mình và xem đó là động lực thúc đẩy đam mê công việc, yêu quê hương, đất nước, con người nhiều hơn.

Chàng kỹ sư bỏ việc đi tìm vàng xanh giữa đại ngàn

Vào một ngày tháng 6, tôi gặp Tuấn Linh khi những bông sen Bách Diệp đang mùa nở rộ. Anh đưa tôi ra giữa đầm. Tôi và một phóng viên đồng hành ngồi trên chiếc thuyền nhỏ để Linh lội bộ kéo đi. Mới hái được nửa chừng thì trời đổ mưa lớn, chiếc thuyền nhỏ như chiếc lá quay cuồng giữa đầm rộng. Anh hối hả lấy lá sen che đầu rồi đẩy chúng tôi chạy như bay vào bờ. Nhưng vào đến nơi, cả 3 cùng ướt.

Tác nghiệp xong cảnh hái sen làm trà, tôi phải chờ đến mùa thu để lên Tà Xùa. Bởi theo Linh, chỉ có trà xuân với trà thu mới làm trà sen được. Mùa hạ nắng gắt, nước bốc hơi quá nhanh khiến trà không đảm bảo chất lượng.

Ngày đi Tà Xùa, tôi cùng anh đi xe máy qua những dốc đèo đến với xứ sở của mây. Băng qua những cung đường một bên là núi, một bên là vực, lần đầu tôi tận mắt chứng kiến những cây trà cổ thụ to hơn một người ôm. Mua trà xong, anh trở về làm trà ngay buổi tối. Sương xuống mỗi lúc một lạnh hơn, mùa thu vùng cao mà rét ngọt như mùa đông Hà Nội. Anh thì lắng nghe tiếng lồng quay xào xạo, bảo chỉ cần nghe là biết trà đã sắp khô chưa.

Lúc về, tôi bị lạc vào một con đường bỏ hoang với đầy đất đá lởm chởm do trận sạt lở. Quay lại thì xa, tôi cắn răng cài số một, vừa đi vừa bơi qua 2 km đường sạt. Những người dân tộc nhìn tôi ái ngại bởi lâu rồi không có người Kinh nào dại dột vào đây.

Bộ ảnh chỉ hoàn thiện vào mùa đông khi có thêm ảnh uống trà. Linh hẹn tôi tới quán của anh để có không gian đẹp nhất. Bước vào quán, được pha một ấm trà sen đúng điệu, nhâm nhi với những người chung thú vui thưởng trà, tác phẩm của tôi khép lại với sự thi vị và đáng nhớ.

Hoàng Hà

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/10-phong-su-anh-an-tuong-2019-tren-zingvn-post1025609.html