Hòa đàm Afghanistan diễn ra trong 'tiếng súng'

Hôm qua (17/7), đại diện Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban đã quay trở lại bàn đàm phán hòa bình tại thủ đô Doha của Qatar.

Lần hòa đàm này được dư luận Afghanistan và cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm khi nó diễn ra trong bối cảnh chiến sự Afghanistan “leo thang chưa từng thấy” khi Mỹ và phương Tây còn chưa hoàn tất việc rút quân cuối cùng.

Hội nghị về tiến trình hòa bình Afghanistan tại Nga ngày 18/3. Ảnh: Reuters

“Hãy thực hiện các bước đi để tiến tới hòa bình” – Đó là lời kêu gọi của Người đứng đầu Hội đồng Hòa giải quốc gia, Trưởng đoàn đàm phán phía Chính phủ Afghanistan đưa ra trước khi ngồi vào bàn đàm phán với Taliban:

“Chúng tôi hy vọng rằng phía Taliban sẽ coi đây là một cơ hội. Họ phải biết rằng sẽ không có hòa bình nếu tiếp tục các cuộc tấn công chiếm giữ các quận huyện và khu vực. Hòa bình chỉ có thể đạt được trong đàm phán. Bất chấp những gì đang xảy ra trên khắp Afghanistan, gây ra sự đau khổ cho người dân, chúng tôi vẫn hy vọng một giải pháp hòa bình sẽ được các bên chấp thuận”.

Còn theo người phát ngôn của lực lượng Taliban Mohammad Naeem, họ luôn sẵn sàng tham gia đối thoại và đàm phán, đồng thời khẳng định mọi vấn đề chỉ có thể giải quyết thông qua đối thoại. Tuy nhiên, chính phủ Afghanistan cần phải thực hiện các cam kết tương tự một cách chân thành.

Đại diện của Mỹ, Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Âu cũng đã có mặt tại bàn đàm phán để thúc đẩy sự đối thoại của các bên Afghanistan. Hiện cả chính phủ Afghanistan và Taliban đều tuyên bố giải pháp hòa bình là lựa chọn, song tình hình hiện tại ở Afghanistan lại diễn biến theo chiều hướng ngược lại – Chiến sự đang leo thang ở nhiều nơi. Taliban vẫn mở rộng các đợt tấn công tại các tỉnh biên giới, chiếm cứ nhiều quận huyện. Trong khi, lực lượng chính phủ cũng tấn công đáp trả, song chưa chiếm được nhiều ưu thế trước Taliban.

Chiến sự Afghanistan đang leo thang từng ngày, khiến hàng nghìn người dân nước này phải di tản, để tránh xung đột và đang phải cần viện trợ nhân đạo khẩn cấp:

“Chúng tôi phải di dời và sống ở đây. Chúng tôi không đến đây vì niềm vui. Do chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Ở đây chúng tôi thiếu thốn đủ thứ".

“Không ai trong chính quyền đến đây để hỏi xem chúng tôi sống như thế nào. Không có ai đến giúp đỡ chúng tôi”.

Chiến sự leo thang tại tỉnh Takhar và Kunduz những ngày qua đã khiến hàng chục nghìn gia đình phải sơ tán.Theo Liên Hợp Quốc, tính từ tháng 1 đến nay, có khoảng 270.000 người Afghanistan rời bỏ nhà cửa đi di tản trong nước. Trong khi tại tỉnh Kandahar, tình trạng giao tranh xảy ra buộc chính quyền phải ban hành lệnh giới nghiêm vào ban đêm, để có thể kiểm soát tình hình dễ dàng hơn. Lệnh giới nghiêm được ban bố ít giờ sau khi một chỉ huy lực lượng đặc biệt của tỉnh Kandahar bị giết trong cuộc đụng độ với Taliban.

Khi hòa đàm tại Doha đang diễn ra, tiếng súng tại Afghanistan chưa thể ngừng; thì một diễn biến khác liên quan đến tình hình Afghanistan cũng được dư luận quốc tế hết sức quan tâm là Chính phủ Afghanistan cáo buộc quốc gia láng giềng Pakistan hỗ trợ quân sự Taliban. Giữa lúc tranh cãi căng thẳng giữa 2 nước, hôm qua (17/7), con gái Đại sứ Afghanistan tại Pakistan, 26 tuổi, cũng đã bị bắt cóc ngay giữa Thủ đô Islamabad. Cô này đã bị giam giữ và tra tấn dã man trong hơn 5 giờ đồng hồ. Rất may, cô đã được cảnh sát Pakistan đưa đến bệnh viện sau đó, song chưa rõ hoàn cảnh cô gái này được giải cứu. Hiện giới chức Pakistan đang tiến hành cuộc điều tra./.

Đình Nam/VOV1 (Tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/hoa-dam-afghanistan-dien-ra-trong-tieng-sung-874852.vov