10 sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội nổi bật của Việt Nam 2018

Cùngđiểm lại 10 sự kiện Chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam nổi bật trong năm 2018 để tạo đà phát triển trong năm mới 2019.

1. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước

 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Ngày 23/10/2018, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, đã bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021, với 476 trong số 477 đại biểu tán thành, đạt tỷ lệ 99,79%.

2. Tăng trưởng GDP đạt mức kỷ lục trong 10 năm qua

Năm 2018 là năm thành công toàn diện của kinh tế Việt Nam, khi cả 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Nhiều kỷ lục mới được thiết lập ghi nhận những thành tựu quan trọng của kinh tế Việt Nam.

Tăng trưởng GDP đạt mức kỷ lục, ước đạt 7,08%, cao hơn mục tiêu 6,7% đề ra. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm qua, kể từ năm 2008, sau khi Việt Nam chịu tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. 10 năm, tăng trưởng GDP của Việt Nam mới lại chạm ngưỡng 7%, cho thấy nền kinh tế đã từng bước hồi phục vững chắc hơn.

Tăng trưởng GDP đạt mức kỷ lục trong 10 năm qua.

Đáng chú ý, dù tăng trưởng GDP ở mức cao, song nền kinh tế vẫn bảo đảm ổn định vĩ mô, chỉ số giá tiêu dùng ở mức 3,54% - đảm bảo mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng dưới 4%, nợ công giảm so với năm 2017.

Kim ngạch xuất nhập khẩu thiết lập kỷ lục mới, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả năm ước đạt trên 482,23 tỷ USD. Đặc biệt, lần đầu tiên, Việt Nam đạt mức xuất siêu 7,2 tỷ USD, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài hơn 19 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục, ước đạt 60 tỷ USD, tăng 3,3 lần so với cách đây 3 năm, khi Chính phủ bắt đầu nhiệm kỳ mới. Hơn 132.000 doanh nghiệp thành lập mới; cả nước đón gần 15,6 triệu lượt khách quốc tế... Các chính sách tài khóa, tiền tệ được điều hành linh hoạt, đáp ứng yêu cầu về vốn của nền kinh tế.

3. Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP

Quốc hội đã thông qua CPTPP vào chiều 12/11.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Với việc đã có 7 thành viên thông qua, trong đó có Việt Nam, CPTPP chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2018.

Tham gia CPTPP mở ra cơ hội lớn để Việt Nam kết nối với các nền kinh tế lớn trên thế giới, thúc đẩy thương mại và đầu tư. Theo tính toán, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu có thể tăng thêm 3,8%, thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu, nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt cũng sẽ phải đối mặt sức ép cạnh tranh rất cao trong “cuộc chơi” CPTPP này.

4. Việt Nam tổ chức thành công Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN năm 2018

Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN năm 2018.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN năm 2018 ( gọi tắt là WEF ASEAN 2018) với thông điệp “Cách mạng Công nghiệp 4.0 là tương lai của ASEAN” thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã có sáng kiến xây dựng sự kết nối về ý tưởng, về đổi mới và sáng tạo giữa ASEAN và Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới Clau-xơ Soáp (Klaus Schwab) đánh giá, WEF ASEAN 2018 là sự kiện thành công nhất trong 27 năm tổ chức Diễn đàn này. Có gần 8.000 tin bài, 7 triệu người tham gia tương tác trên mạng xã hội, 13.000 lượt bài viết và bình luận trên Facebook, và 90.000 lượt người xem trực tuyến các phiên thảo luận của Diễn đàn.

5. Năm 2018, đã xử lý nhiều cán bộ cấp cao

Năm 2018, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt từ trung ương đến cơ sở. Các đối tượng sai phạm từ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư, Chủ tịch tỉnh, Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng, tướng lĩnh lực lượng vũ trang hay cán bộ quản lý các cấp… đều bị xử lý, kỷ luật nghiêm minh, làm trong sạch bộ máy, củng cố niềm tin trong nhân dân.

Ông Phan Văn Vĩnh bị đưa ra xét xử.

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 9 - khóa XII của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng năm 2018, đã xử lý nhiều cán bộ cấp cao, kể cả cán bộ nghỉ hưu, cán bộ trong các cơ quan bảo vệ, thực thi pháp luật, sĩ quan cấp tướng thuộc các lực lượng vũ trang, có những trường hợp bị tước các danh hiệu, xử lý hình sự.

“Thật đau lòng! Song vì sự nghiêm minh của kỷ luật đảng, sự thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm, và sẽ còn tiếp tục làm trong thời gian tới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.

6. Quốc hội hoãn thông qua Luật Đặc khu kinh tế

Kết quả biểu quyết có 423/432 đại biểu tán thành, tương đương 85,63% đồng ý rút nội dung biểu quyết thông qua dự án Luật Đặc khu và nghị quyết về thi hành luật này.

Sáng 11/6, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết việc rút nội dung thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc (hay còn được gọi là Luật Đặc khu). Kết quả biểu quyết có 423/432 đại biểu tán thành, tương đương 85,63% đồng ý rút nội dung biểu quyết thông qua dự án Luật Đặc khu và nghị quyết về thi hành luật này.

Việc này nhằm bảo đảm dự án Luật khi trình Quốc hội thông qua đáp ứng được các yêu cầu, nguyện vọng của các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân, xây dựng thành công 3 đặc khu, giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia.

7. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đi vào hoạt động

Ảnh: Chinhphu.vn

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đi vào hoạt động, trở thành đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty lớn với số vốn 1 triệu tỷ đồng, tài sản trị giá 2,3 triệu tỷ đồng.

Sau 20 năm đổi mới doanh nghiệp nhà nước, sự ra đời Ủy ban là bước đi quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.

8. Gian lận thi cử và trường học thiếu an toàn

Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi THPT Quốc gia 2018, điểm cao tại các điểm thi Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình có nhiều dấu hiệu bất thường. Quá trình kiểm tra sự bất thường các các tỉnh trên, Bộ GD&ĐT đã phát hiện hàng trăm bài thi tự luận và trắc nghiệm đã bị sửa chữa, nâng điểm. Bộ Công an đã chỉ đạo điều tra vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại ba tỉnh trên và có đến 10 cán bộ ngành giáo dục đã bị khởi tố. Bộ Giáo dục và Đào tạo sau đó đã tiến hành sửa đổi, hoàn thiện Quy chế thi THPT quốc gia.

Cơ quan chức năng đọc lệnh khởi tố bị can với ông Trần Xuân Yến - Phó Giám đốc Sở GDĐT Sơn La.

Không dừng lại ở đó, năm 2018, ngành giáo dục xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường, học sinh bị xâm hại như cô giáo Quảng Bình bắt học sinh tát một bạn cùng lớp hơn 200 cái khiến em này phải nhập viện; Hiệu trưởng trường Dân tộc nội trú Thanh Sơn, Phú Thọ bị bắt do bị tố cáo xâm hại tình dục hàng chục học sinh nam; cô giáo bắt học sinh súc miệng nước giẻ lau, lạm thu đầu năm học…

Điều đó, không khó lý giải khi kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội cho thấy, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có mức tín nhiệm thấp nhất trong 48 lãnh đạo được lấy phiếu.

9. Kỷ lục đón 15 triệu lượt khách quốc tế

Năm 2018, du lịch Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới đánh giá xếp thứ 6/10 quốc gia tăng trưởng khách du lịch cao nhất. Đây là lần đầu tiên, du lịch Việt Nam đạt được con số này, đánh dấu bước tăng trưởng vượt bậc của ngành du lịch. Sau 3 năm, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng gấp đôi (tăng 3 triệu lượt so với năm 2017 và 5 triệu lượt so với năm 2016), duy trì mức tăng xấp xỉ 22% so với năm 2017.

Tàu khách Quốc tế đến Hạ Long.

Cùng với dấu mốc đón 15,5 triệu lượt khách, năm 2018, ngành du lịch cũng phục vụ khoảng 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 620.000 tỷ đồng (26 tỷ USD).

10. Thành công của bóng đá Việt Nam

Năm 2018 thực sự là một năm thành công rực rỡ của bóng đá Việt Nam với 3 kỳ tích ở cấp độ châu lục và khu vực: Đội tuyển Việt Nam lên ngôi Vô địch thuyết phục tại Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (AFF Suzuki Cup) sau 10 năm chờ đợi; đội tuyển Olympic Việt Nam đứng thứ 4 tại ASIAD 2018; đội tuyển U23 Việt Nam gây “địa chấn” với chức Á quân Giải bóng đá U23 châu Á tại Thường Châu (Trung Quốc).

ĐT Việt Nam vô địch AFF Cup 2018.

Những thành tích này có được là nhờ một lứa cầu thủ trẻ được đào tạo bài bản và luyện rèn về đạo đức cùng vị huấn luyện viên trưởng tài năng người Hàn Quốc Park Hang Seo.

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/10-su-kien-chinh-tri-kinh-te-xa-hoi-noi-bat-cua-viet-nam-2018-1165266.html