10 triệu lượt người đi tàu Cát Linh - Hà Đông mỗi năm | Hà Nội tin mỗi chiều

10 triệu lượt người đi tàu Cát Linh - Hà Đông mỗi năm; Năm 2023, thu nhập bình quân của lao động Việt Nam đạt 7,1 triệu đồng... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

10 triệu lượt người đi tàu Cát Linh - Hà Đông mỗi năm

Tàu Cát Linh - Hà Đông bắt đầu đưa vào vận hành từ ngày 6/11/2021 và đến tháng 1/2024 là tròn 26 tháng. Từ 6/11/2023, dự án hết 24 tháng bảo hành. Từ đó đến nay, các đoàn tàu đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông hoàn toàn do đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và lái tàu là người Việt Nam, cụ thể là Công ty Hanoi Metro vận hành. Tính đến hết năm 2023, tàu Cát Linh - Hà Đông đã vận chuyển được gần 20 triệu lượt hành khách. Riêng trong tháng 9 năm 2023, tàu lập ba kỷ lục: trong ngày mùng 2/9, tàu vận chuyển được số lượng khách cao nhất lên tới 56 ngàn lượt; trong một ngày làm việc không phải ngày nghỉ lễ (ngày 28/9) tàu đã vận chuyển được 37 nghìn lượt hành khách; trong tháng 9, tàu đã vận chuyển được trên 1 triệu lượt hành khách.

Khi mới vận hành, vào các ngày cuối tuần, tàu vận chuyển được trên dưới 30 nghìn lượt hành khách. Hiện tại, con số này từ 22-24 nghìn lượt hành khách. Vào các ngày làm việc, lượng hành khách dao động từ 35.000 đến 36.000. Lượng khách đi tàu tương đối ổn định. Sau thời gian đầu đi tàu trải nghiệm, nay khách là người đi học, đi làm… có nhu cầu đi tàu thực sự, thường xuyên. Sở GT-VT Hà Nội báo cáo dọc hành lang tàu Cát Linh - Hà Đông hoạt động đã giảm được mấy điểm ùn tắc trên đường.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Tàu Cát Linh-Hà Đông đã chứng minh tính ưu việt của phương thức vận tải nhanh, khối lớn, hiện đại. Việc vận hành tuyến đường sắt đô thị này đã giúp thay đổi thói quen đi lại và từng bước tạo dựng văn hóa giao thông theo hướng văn minh, hiện đại. Trước đây, khi tiếp cận các ga để lên tàu, hành khách thường phản ứng, thậm chí là bức xúc vì không có chỗ gửi xe máy, xe đạp, nay thì nhiều hành khách chấp nhận bỏ xe cá nhân đi bộ từ 1-2km để đến ga, lên tàu đi học, đi làm.

Theo quy hoạch, thành phố Hà Nội có 10 tuyến đường sắt đô thị, gồm 9 tuyến chính và một tuyến nối các đô thị vệ tinh. Sự thành công bước đầu của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tạo được niềm tin của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Thành ủy - HĐND - UBND, các sở, ban ngành thành phố, đặc biệt là sự tin tưởng ủng hộ của người dân. Đây sẽ là động lực để Hà Nội đẩy nhanh tiến độ triển khai các tuyến đường sắt đô thị khác. Đến năm 2035, thành phố Hà Nội cần phải hoàn thành hơn 400km đường sắt đô thị với kinh phí khoảng 850.000 tỷ đồng. Để một tuyến Metro đi vào vận hành phát huy hiệu quả, Công ty Hanoi Metro luôn lắng nghe, tôn trọng và cố gắng nắm bắt đặc tính nhu cầu đi lại để đưa biểu đồ, phương thức vận hành nhằm đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân và tiết kiệm ngân sách của thành phố. Mặt khác, Metro Cát Linh-Hà Đông áp dụng chính sách giá vé rẻ và hết sức linh hoạt, tạo sự công bằng khi đi dài trả tiền nhiều, đi ngắn trả tiền ít. Kết quả là lượng vé ngày rất lớn, ngoài mong đợi. Điều này rất phù hợp ở các đô thị khi người dân đi cự ly ngắn và trung bình là chủ yếu.

Hà Nội đang vận hành ba loại phương tiện giao thông công cộng thân thiện với môi trường là tàu điện tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông , xe buýt điện và xe đạp công cộng. Điều này cho thấy chính quyền Hà Nội quyết tâm xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, cùng với cả nước thực hiện cam kết với quốc tế đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Việc sử dụng phương tiện giao thông ít gây ô nhiễm và thân thiện với môi trường nhằm hướng tới một hệ thống giao thông hội tụ các điều kiện thông suốt, trật tự, an toàn, tiêu hao ít năng lượng và ít ô nhiễm môi trường. Đây một trong những tiêu chí quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển đô thị xanh của Thủ đô Hà Nội.

Năm 2023, thu nhập bình quân của lao động Việt Nam đạt 7,1 triệu đồng

Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2023 thu nhập bình quân của lao động Việt Nam đạt 7,1 triệu đồng/người/tháng, tăng 6,9% so với năm 2022. Thu nhập bình quân của lao động nam đạt 8,1 triệu đồng, lao động nữ là 6 triệu đồng. Riêng quý 4 năm 2023, đời sống người lao động cải thiện khi thu nhập bình quân đạt 7,3 triệu đồng mỗi tháng, tăng 180.000 đồng so với quý 3. Lý do là những tháng cuối năm, doanh nghiệp tăng tốc sản xuất kinh doanh, đẩy mức thu nhập của người lao động cao hơn so với trước.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, so với quý trước và cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân của người lao động trong quý 4/2023 tăng lên ở tất cả các vùng kinh tế - xã hội của cả nước; trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng có tốc độ tăng cao nhất. Cụ thể, thu nhập bình quân tháng của lao động tại vùng Đồng bằng sông Hồng quý 4/2023 là 8,7 triệu đồng, tăng 3,5% so với quý trước và tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập của người lao động tại một số tỉnh trong vùng này ghi nhận tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Ảnh minh họa

Đây là dấu hiệu chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam đang có sự phục hồi, tăng trưởng tích cực. Đời sống của người lao động đang dần trở lại trạng thái bình thường như trước khi dịch Covid-19 xuất hiện. Mặc dù vậy, thị trường lao động chưa có sự cải thiện về chất lượng lao động khi số lao động làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Thị trường lao động Việt Nam vẫn có hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế; cơ chế kết nối cung - cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, năm 2024 dự báo tình hình thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp; kinh tế tiếp tục đối mặt với khó khăn thách thức. Bộ LĐ-TB&XH và các bộ ngành liên quan sẽ cần chỉ đạo các địa phương nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời có những giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn rà soát, thực hiện đúng các chế độ, chính sách cho người lao động. Cụ thể, tập trung vào các chính sách đối với người lao động thôi việc, mất việc làm như trợ cấp thất nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp; các chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm; hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động… Các địa phương cũng tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm, đặc biệt các phiên giao dịch việc làm chuyên đề theo từng loại lao động, cụm doanh nghiệp để nhanh chóng kết nối việc làm cho người lao động. Đồng thời, đẩy mạnh giải ngân vốn cho vay giải quyết việc làm, thông qua Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/10-trieu-luot-nguoi-di-tau-cat-linh-ha-dong-moi-nam-ha-noi-tin-moi-chieu-213311.htm