10 yếu tố dẫn tới bệnh ung thư đại trực tràng

Ung thư đại trực tràng có liên quan chặt chẽ với chế độ ăn uống, sinh hoạt nên tỷ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng.

Hiện nay, chúng ta vẫn chưa có kết luận chính xác về nguyên nhân gây bệnh ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã tìm ra những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.

Thừa cân hoặc béo phì

Thừa cân hoặc béo phì thường gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe. Đặc biệt, đây còn là nguyên nhân gây nhiều chứng bệnh nguy hiểm như tim mạch, máu nhiễm mỡ, huyết áp, tiểu đường…

Nếu bạn thừa cân hoặc béo phì sẽ có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn những người cân nặng bình thường. Thừa cân làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng và trực tràng ở cả nam và nữ. Tuy nhiên, mối liên kết dường như mạnh hơn ở nam giới.

Một số loại chế độ ăn

Chế độ ăn nhiều thịt đỏ (thịt bò, thịt lợn, thịt cừu hoặc gan) và các loại chế biến sẵn (xúc xích, thịt hộp) làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng cao hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, việc thường xuyên nấu thịt ở nhiệt độ rất cao (chiên, nướng hoặc quay) sẽ tạo ra các hóa chất có thể làm tăng nguy cơ ung thư.

 Chúng ta vẫn chưa có kết luận chính xác về nguyên nhân gây bệnh ung thư đại trực tràng. Ảnh: Oneonline.

Chúng ta vẫn chưa có kết luận chính xác về nguyên nhân gây bệnh ung thư đại trực tràng. Ảnh: Oneonline.

Hút thuốc lá

Những người đã hút thuốc lá trong một thời gian dài có nguy cơ mắc và tử vong vì ung thư đại trực tràng cao hơn trường hợp không sử dụng. Hút thuốc là nguyên nhân hàng đầu của ung thư phổi, nhưng nó cũng liên quan đến rất nhiều bệnh ung thư khác, trong đó có đại trực tràng.

Uống nhiều rượu

Ung thư đại trực tràng có liên quan đến việc sử dụng rượu ở mức độ vừa đến nặng. Hạn chế sử dụng rượu bia không quá 2 ly/ngày đối với nam giới và một ly/ngày với phụ nữ có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm giảm nguy cơ mắc nhiều loại ung thư.

Tuổi tác

Nguy cơ ung thư đại trực tràng tăng lên theo tuổi. Những người trẻ hơn cũng có thể mắc bệnh này, nhưng ung thư đại trực tràng phổ biến hơn nhiều sau 50 tuổi.

Có polyp đại trực tràng

Nếu có tiền sử mắc polyps tuyến (Adenomatous polyps), bạn có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng. Điều này rất đúng nếu bạn có polyp với số lượng nhiều, kích thước lớn hoặc bất kỳ trong số chúng có loạn sản.

Bạn đã bị ung thư đại trực tràng, mặc dù được loại bỏ hoàn toàn nhưng vẫn có nhiều khả năng phát triển bệnh mới ở phần khác của đại tràng và trực tràng. Khả năng này xảy ra sẽ lớn hơn nếu bạn bị ung thư đại trực tràng khi còn trẻ tuổi.

Tiền sử bệnh viêm ruột

Nếu bạn bị viêm ruột ((inflammatory bowel disease - IBD), bao gồm cả viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn, nguy cơ ung thư đại trực tràng của bạn sẽ tăng lên.

IBD là tình trạng đại tràng bị viêm trong thời gian dài. Những người đã bị IBD trong nhiều năm, đặc biệt không được điều trị, thường phát triển thành chứng loạn sản. Chứng loạn sản là thuật ngữ được sử dụng để mô tả các tế bào trong niêm mạc đại tràng hoặc trực tràng bất thường, nhưng không phải là tế bào ung thư thực sự. Tuy nhiên, theo thời gian, các tế bào này có thể thay đổi thành ung thư.

Tiền sử gia đình bị mắc ung thư đại trực tràng hoặc polyp tuyến

Gần 1/3 số người bị ung thư đại trực tràng có các thành viên khác trong gia đình đã mắc bệnh này.

Những trường hợp có tiền sử ung thư đại trực tràng ở người thân trực hệ (cha, mẹ, anh, chị, em hoặc con cái) có nguy cơ cao hơn. Nguy cơ thậm chí còn cao hơn nếu người thân đó được chẩn đoán mắc bệnh ung thư khi họ dưới 45 tuổi hoặc nhiều hơn một trường hợp trực hệ mắc bệnh.

Các thành viên gia đình đã có polyp tuyến cũng có liên quan nguy cơ ung thư đại trực tràng cao hơn. Nếu bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh polyp tuyến hoặc ung thư đại trực tràng, hãy nói chuyện với bác sĩ về việc sàng lọc trước tuổi 45.

Có hội chứng di truyền

Khoảng 5% những người bị ung thư đại trực tràng có di truyền đột biến gây ra hội chứng ung thư gia đình cho thế hệ sau. Các hội chứng di truyền phổ biến nhất liên quan ung thư đại trực tràng là Lynch và polyp gia đình (Familial adenomatous Polyposis). Các hội chứng hiếm gặp khác cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.

Hội chứng Lync

Lynch là hội chứng ung thư đại trực tràng di truyền phổ biến nhất. Nó chiếm khoảng 2% đến 4% trong tất cả loại ung thư đại trực tràng. Hầu hết trường hợp, rối loạn này là do khiếm khuyết di truyền ở gene MLH1 hoặc MSH2, nhưng những thay đổi ở các gene khác cũng có thể gây ra hội chứng Lynch.

Lynch là hội chứng ung thư đại trực tràng di truyền phổ biến nhất. Ảnh: Sohu.

Các bệnh ung thư liên quan hội chứng này có xu hướng phát triển khi mọi người khá trẻ. Những người mắc hội chứng Lynch có thể có polyp, nhưng xu hướng chỉ có một số ít trường hợp. Nguy cơ suốt đời của ung thư đại trực tràng ở những người mắc bệnh này có thể lên tới 80%. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào gene nào bị ảnh hưởng.

Phụ nữ mắc bệnh này cũng có nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung rất cao. Các bệnh ung thư khác liên quan hội chứng Lynch bao gồm ung thư buồng trứng, dạ dày, ruột non, tuyến tụy, thận, tuyến tiền liệt, vú, não, niệu quản và ống mật.

Hội chứng polyp gia đình

Nguyên nhân của hội chứng polyp gia đình (Familial adenomatous Polyposis - FAP) là do những thay đổi (đột biến) trong gene APC mà một người được thừa hưởng từ cha mẹ mình. Khoảng 1% bệnh ung thư đại trực tràng là do FAP.

Loại FAP phổ biến nhất thường bắt đầu từ 10 đến 12 tuổi, người bệnh sẽ có hàng trăm hoặc hàng nghìn polyp phát triển trong đại tràng và trực tràng. Ung thư thường phát triển ở một hoặc nhiều polyp này ngay từ tuổi 20. Đến 40 tuổi, hầu hết người mắc FAP sẽ bị ung thư đại tràng trừ khi đại tràng của họ đã bị cắt bỏ để ngăn chặn bệnh. Những người mắc FAP cũng tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày, ruột non, tuyến tụy, gan và một số cơ quan khác.

Hội chứng Peutz-Jeghers (PJS)

Những người mắc bệnh di truyền này có xu hướng bị tàn nhang quanh miệng (đôi khi trên tay và chân) và một loại polyp đặc biệt gọi là hamartomas trong đường tiêu hóa của họ. Những người này có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn nhiều. Cũng như các bệnh ung thư khác, họ thường được chẩn đoán ở độ tuổi trẻ hơn so với bình thường. Hội chứng này do đột biến gene STK11 (LKB1).

Bệnh đa nang liên quan đến MYH (MAP)

Những người mắc hội chứng này phát triển nhiều polyp đại tràng và chúng hầu như sẽ trở thành ung thư nếu không được theo dõi chặt chẽ bằng nội soi thường quy. Những người này cũng có nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác về đường tiêu hóa và tuyến giáp.

Hội chứng này do đột biến gene MYH và thường gây ung thư ở những người trẻ. Nhiều hội chứng di truyền liên quan đến ung thư đại trực tràng và các loại ung thư khác khi còn trẻ, vì vậy, việc xác định gia đình có chúng là rất quan trọng. Nó cho phép bác sĩ đề xuất bước cụ thể như sàng lọc và các biện pháp phòng ngừa khác ở người trẻ tuổi.

Bị tiểu đường type 2

Những người mắc bệnh tiểu đường type 2 có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng. Cả bệnh tiểu đường type 2 và ung thư đại trực tràng đều có một số yếu tố nguy cơ chung như thừa cân và không hoạt động thể chất.

Nhưng ngay cả sau khi không tính đến các yếu tố này, những người mắc bệnh tiểu đường type 2 vẫn có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng tăng hơn so với người không mang bệnh. Ngoài ra, những trường hợp này thường có xu hướng tiên lượng xấu hơn sau khi được chẩn đoán ung thư.

Bác sĩ Trần Đức Cảnh

Bệnh viện K

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/10-yeu-to-dan-toi-benh-ung-thu-dai-truc-trang-post1343126.html