100 năm cải lương: Hy vọng mong manh cho một sự hồi sinh!

Năm 2018 đánh dấu 100 năm cải lương Việt Nam. Một thế kỷ tồn tại chứng minh cho một giá trị nghệ thuật đặc thù nên vào dịp này có nhiều hoạt động để mừng sinh nhật cải lương, cũng như những hội thảo tìm cách giúp cải lương phục hồi sức sống. Tọa đàm khoa học: 'Theo dòng lịch sử sân khấu cải lương' do Hội sân khấu TP.HCM kết hợp với Trường đại học Khoa học, xã hội và nhân văn TP.HCM tổ chức (vào ngày 7/12 vừa qua) là một trong những hoạt động đáng chú ý.

Tọa đàm "Theo dòng lịch sử cải lương" diễn ra tại TP.HCM

Làm sao để cải lương trở về thời hoàng kim?

Đây là một câu hỏi bức bách được các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ đặt ra trong rất nhiều hội thảo cải lương diễn ra trong suốt hơn một thập kỷ qua.

Đã có nhiều khuyến nghị và giải pháp được nêu lên nhưng đến nay cải lương vẫn trong tình trạng “hấp hối”. Có người khẳng định cải lương bây giờ đã “chết lâm sàng”, vì thế, không nên mất công phục hồi sức sống của nó làm gì, thay vào đó nên chuyển sang một loại hình văn hóa nghệ thuật bảo tồn. Cụ thể hơn, cải lương không cần phổ biến như ngày xưa theo kiểu tổ chức nhiều đoàn tư nhân hát tại nhiều rạp trong thành phố, hay tổ chức lưu diễn các tỉnh mà chỉ chọn vài địa điểm tiêu biểu. Tại đó, nghệ sĩ cải lương phải được nhà nước chu toàn mọi mặt chỉ để làm một việc duy nhất là biểu diễn cải lương để phục vụ cho cộng đồng và du khách. Bằng cách đó, các trường học muốn cho thế hệ trẻ biết được Việt Nam có một loại hình nghệ thuật truyền thống tên là cải lương, tổ chức những buổi xem và thuyết trình. Còn du khách nào muốn tìm hiểu văn hóa Việt Nam, đến xem cải lương để khám phá.

Đây là một ý tưởng tốt. Thế nhưng rất nhiều người nặng lòng với cải lương không chấp nhận cải lương chỉ tồn tại dưới dạng bảo tồn. Cải lương phải là một loại hình giải trí được phổ biến rộng như phim, kịch và ca nhạc. Nhiều nhà nghiên cứu đã đặt ra câu hỏi: trong xã hội Sài Gòn trước năm 1975 có nhiều loại hình giải trí được du nhập từ Phương Tây như âm nhạc tân kỳ, phim ảnh, xiếc ảo thuật, thoại kịch, khiêu vũ…; nhưng vì sao cải lương vẫn mạnh áp đảo? Thậm chí có một thời kỳ phim kiếm hiệp cổ trang Hồng Kông khiến cải lương bị khủng hoảng, các ông bà bầu cải lương đã uyển chuyển tình thế bằng cách dựng tuồng theo thể loại kiếm hiệp; phục trang và cảnh trí nhiều màu sắc; đu bay đánh kiếm làm khán giả thích thú nên cải lương lại tiếp tục hút khán giả đến rạp.

Ngày nay, cải lương tồn tại trong hoàn cảnh bị rất nhiều loại hình giải trí khác cạnh tranh khốc liệt. Hậu quả là cải lương sống dở chết dở.

Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, giảng viên Khoa văn hóa học Trường Đại học Trà Vinh bộc bạch: “Theo tôi có 4 yếu tố tác động đến sự tồn tại và phát triển của cải lương gồm đội ngũ làm nghề (soạn giả, đạo diễn, diễn viên, nhạc công...), lực lượng khán giả, các bộ quản lý, các nhà phê bình nghệ thuật. Đội ngũ làm nghề không có đất dụng võ vì thu nhập thấp. Các soạn giả có dụng công viết tuồng hay mà công lao đền bù không xứng nên họ phải chuyển sang phục vụ loại hình khác. Vì thiếu tuồng hay nên khán giả dần xa rời cải lương. Nghệ sĩ mà không có khán giả làm sao thăng hoa. Công tác quản lý nhiều bất cập như nhà nước thiếu quan tâm và đầu tư. Rạp hát không. Tiền lương nghệ sĩ thấp. Công tác lý luận phê bình chưa đúng hướng, xa rời nhu cầu thưởng thức của công chúng. Bốn khâu này điều yếu nên cải lương rất khó hồi sinh”.

Trong một góc nhìn khác, nhà báo - nhà nghiên cứu Nguyễn Chương cho rằng giai đoạn 1980-1990 cải lương mạnh hơn cả giai đoạn 1955-1975. Lúc đó, video cải lương xuất hiện ồ ạt. Thu nhập của nghệ sĩ cải lương cao ngất nhưng các nghệ sĩ không biết trân trọng tình cảm đó của khán giả. Họ dựng tuồng quá ẩu và vội vã nên chất lượng cải lương đi xuống. Dần dần niềm tin của công chúng phai lạt. Nhà báo Nguyễn Chương khẳng định: “Hiện tại vẫn có nhiều Mạnh Thường Quân sẵn sàng bỏ tiền ra làm cải lương, nhưng điều họ e ngại là giá trị bản quyền. Nếu dựng một tuồng hay quay một video cải lương mà nhanh chóng bị đánh cắp bản quyền thì làm sao họ thu hồi vốn? Vì thế, nhiều người rất muốn chung vai với cải lương mà không dám mạo hiểm”.

Vẫn còn những cánh én cố níu giữ mùa xuân!

Cải lương hấp hối, nhiều người ngồi xuống cùng tìm giải pháp nhưng bế tắc. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có nhiều người khác biết rõ cải lương đang mệt mỏi, đầu tư vào cải lương mất vốn như chơi nhưng họ vẫn xoắn tay hành động. Họ là những ông bà bầu tư nhân như Hoàng Song Việt, NSƯT Kim Tử Long, nghệ sĩ Kim Ngân con ruột cố nghệ sĩ Kim Ngọc, đôi nghệ sĩ Chí Linh - Vân Hà. Những nghệ sĩ này tự bỏ tiền túi ra thành lập công ty, thành lập sân khấu, tìm kiếm kịch bản hay để dựng tuồng và hát phục vụ khán giả.

Với soạn giả Hoàng Song Việt, NSƯT Kim Tử Long, Chí Linh - Vân Hà thì dùng tiền của cải lương nuôi cải lương. Mỗi người kiếm tiền nhiều công việc khác liên quan đến cải lương như hát show, tham gia sự kiện , tiền bán vé qua từng vở... để nuôi cải lương. Còn nghệ sĩ Kim Ngân thì lấy tiền từ nguồn kinh doanh nhà máy, tiệm làm đẹp để đầu tư cho cải lương. Dù kiếm tiền từ nguồn nào để nuôi sống cải lương thì họ vẫn có chung một khát khao duy trì sự tồn tại của bộ môn nghệ thuật này.

Nhân 100 năm cải lương Việt Nam, bà bầu Kim Ngân của sân khấu Lê Hoàng đầu tư dựng vở "Thái hậu Dương Vân Nga" do NSƯT Hoa Hạ đạo diễn

Trong mùa kỷ niệm 100 năm cải lương, các đoàn tư nhân kể trên đều dựng vở chào mừng. Trong mùa tết âm lịch sắp đến họ cũng tổ chức biểu diễn phục vụ. Thế nhưng, họ tồn tại đến đâu bằng nguồn kinh phí tự thân thì đó là điều không ai biết được. Bởi vì, trước đây cũng đã từng có nhiều ông bà bầu tư nhân nhiệt huyết đã cạn hầu bao vì cải lương. Nói cách nào đó, những người này chính là những tín đồ sẵn sàng 'tử vì đạo" cải lương. Họ hành động vì trái tim hơn lý trí. Và luôn luôn mong một ngày có phép mầu nhiệm cho một sự hồi sinh.

Thực tế, bên cạnh đoàn tư nhân cũng có hai đoàn nhà nước hoạt động là Nhà hát cải lương Việt Nam tại Hà Nội và Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang tại TP.HCM. Hằng năm mỗi đoàn được cấp một nguồn kinh phí để dựng 1-2 vở diễn phục vụ trong khung thời gian nhất định. Tất cả các vở tuồng hầu như không gây ấn tượng đặc biệt gì.

"Sau 100 năm tồn tại cải lương sẽ thế nào?" vẫn tiếp tục là câu hỏi không ai có thể trả lời chắc chắn.

NGUYỄN HUY

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/100-nam-cai-luong-hy-vong-mong-manh-cho-mot-su-hoi-sinh-20031.html