11-9-2001: Quá khứ chưa ngủ yên về ngày đau buồn của nước Mỹ

Hôm nay, nhiều khu vực trên khắp nước Mỹ ngập tràn nến và hoa để tưởng niệm gần 3.000 nạn nhân thiệt mạng trong vụ khủng bố ngày 11-9-2001. 17 năm qua đi, quá khứ tưởng đã ngủ yên nhưng vẫn đang âm thầm dày vò nhiều người dân Mỹ.

Thảm kịch 11-9-2001 là ngày đau buồn của nước Mỹ

Khánh thành các công trình tưởng niệm mới

Tại Manhattan, quận trung tâm của thành phố New York, buổi lễ tưởng niệm, như thông lệ hàng năm, sẽ bắt đầu lúc 8h46 tại Đài tưởng niệm ngày 11-9 tại Trung tâm thương mại thế giới. Mọi người cùng tập trung mặc niệm đúng thời khắc tòa tháp đôi bị tấn công và sụp đổ. Các nạn nhân của cả hai cuộc tấn công năm 1993 và 2001 sẽ được đọc tên trong buổi lễ này. Bảo tàng Tưởng niệm 11-9 trong khuôn viên này sẽ mở cửa cả ngày để phục vụ người dân.

Loạt 4 vụ tấn công khủng bố cách đây tròn 17 năm gồm 2 chiếc máy bay bị không tặc khống chế đâm vào tòa tháp đôi của Trung tâm thương mại thế giới ở New York, 1 chiếc bay sượt qua Lầu Năm góc ở bang Virginia và 1 chiếc máy bay đâm ở Pennsylvania, khiến gần 3.000 người thiệt mạng. Hôm 8-9, ga tàu điện ngầm ở đường Cortlandt, New York cuối cùng cũng được mở lại sau vụ khủng bố kinh hoàng đó.

Ga tàu điện Cortlandt cũ, nằm trên tuyến đường đi chuyển từ phía Tây Manhattan tới Trung tâm thương mại thế giới New York, đã bị chôn vùi trong đống đổ nát sáng 11-9, vào thời điểm xảy ra cuộc tấn công khủng bố.

Đài CBS cho hay, phát biểu tại lễ khai trương trở lại, Giám đốc Cơ quan Giao thông Vận tải Metropolitan (MTA), đơn vị điều hành hệ thống tàu điện ngầm toàn TP New York cho rằng: “WTC Cortlandt nằm ở khu vực dân cư đông đúc và sôi động, bởi vậy việc mở lại nhà ga này chính là một dấu mốc quan trọng trong sự phục hồi và tăng trưởng tại Manhattan. Đây không chỉ là một ga tàu điện ngầm mới, mà còn là biểu tượng cho sự phục hồi của người dân New York trong việc cải thiện lại Trung tâm thương mại lớn nhất thế giới này”.

Một cách nào đó, không thể phủ nhận thảm kịch 11-9 khi đó đã đưa đến sự đoàn kết, thống nhất trên toàn nước Mỹ, bất kể màu da, tuổi tác, địa vị. Không ai mong muốn phải xảy ra điều khủng khiếp nào đó thì con người ta mới xích lại gần nhau, nhưng trong thời điểm này, khi nước Mỹ ngày càng nhiều hố sâu ngăn cách thì người ta lại mong muốn được nhìn thấy tinh thần đó lần nữa!

Trong khi đó, vài ngày trước 11-9 năm nay, Đài tưởng niệm mang tên “Tháp Tiếng nói” đã được khai trương tại khu di tích là hiện trường nơi Chuyến bay số hiệu 93 của Hãng hàng không United Airlines đâm xuống cánh đồng của vùng nông thôn Pennsylvania. Theo thông báo của Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump và Đệ nhất phu nhân dự lễ tưởng niệm ở Pennsylvania trong hôm nay.

Hãng tin AP đưa tin, công trình cao 93 foot (gần 30m) này được thiết kế nổi bật giữa khu vực quảng trường để tưởng nhớ 40 nạn nhân đã thiệt mạng trong Chuyến bay 93 hôm 11-9-2001. Điểm nổi bật của nó là trên đó gắn 40 chiếc chuông gió, mỗi chiếc được điều chỉnh và định vị để phát lên thanh âm riêng biệt, giống như một “một buổi hòa nhạc vĩnh cửu dành cho những người anh hùng”.

Dự án trị giá 6 triệu USD do Quỹ Công viên quốc gia tài trợ. Theo phân tích của cơ quan quản lý công viên quốc gia Mỹ, đây là thiết kế có một không hai trên thế giới. Hình dạng và hướng của tháp được thiết kế để tối ưu hóa lưu lượng không khí đi qua tường của tháp để đến nơi chứa chuông bên trong. Hệ thống âm thanh được phát triển theo nguyên lý âm nhạc và toán học để tạo ra mỗi tiếng chuông gắn với một nốt nhạc riêng. Hơn nữa, thiết kế hình chữ C của tháp cho phép âm thanh vang vọng ra bên ngoài như hình chiếc quạt.

Vào ngày 11-9-2001, chiếc máy bay đã bị 4 tên không tặc kiểm soát buồng lái. Các cuộc ghi âm điện thoại và hộp ghi dữ liệu bay cho thấy, hành khách và phi hành đoàn đã chống lại bọn không tặc nên 4 tên không tặc đã không bay được đến mục tiêu Thủ đô Washington D.C đã định và cho đâm máy bay xuống Shanksville, Pennsylvania, cách Washington khoảng 240km theo hướng Tây Bắc. Tháp Tiếng nói như một lời nhắc nhở bằng hình ảnh trực quan sinh động và những tiếng chuông gió cứ ngân nga mãi về hành động anh hùng của 40 hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay đó.

Hôm nay 11-9, Tháp Tiếng nói vừa khai trương tại Pennysilvania sẽ diễn ra lễ tưởng niệm có sự tham dự của Tổng thống Mỹ Donald Trump

Quá khứ chưa ngủ yên

Ngoài việc cướp đi sinh mạng của 2.966 người, khiến 6.000 người khác bị thương, thảm kịch ngày 11-9-2001 đã để lại vô số hệ lụy xấu cho sức khỏe, mang đến những vết thương tâm lý dai dẳng đối với người dân New York. Thống kê từ Chương trình sức khỏe của Trung tâm thương mại thế giới (WTC) đăng tải trên tờ New York Post cho biết, có gần 10.000 người ở New York (Mỹ) bị chẩn đoán ung thư, trong đó nguyên nhân chính có thể do hít phải bụi và khói độc sau vụ tấn công khủng bố nhằm vào tòa tháp đôi WTC ở thành phố này ngày 11-9-2001.

Trong danh mục bồi thường các nạn nhân thiệt mạng và bị bệnh do vụ khủng bố gây ra của Chính phủ, có hơn 50 loại ung thư khác nhau và nhiều căn bệnh khác. “Dù vụ khủng bố đã qua đi, chúng ta chỉ có thể thấy nó trong những tờ báo cũ, trong những cuốn sách lịch sử nhưng thực chất vẫn chưa hề kết thúc. Người dân ngày hôm nay vẫn đang ốm đau, vẫn đang chết dần chết mòn vì vụ khủng bố ngày 11-9-2001” - ông Scott Matty, một bệnh nhân ung thư cho biết.

Đối với 3.051 trẻ em mất cha hoặc mẹ trong vụ tấn công khủng bố ngày 11-9, nỗi đau chưa nguôi trong suốt 17 năm qua. Jessica Wisniewski, năm nay 23 tuổi nhớ lại, khi đó cô mới 6 tuổi, và sáng thứ ba đó, cả nhà cô đã rất căng thăng khi xem chương trình thời sự, chứng kiến cả thế giới dường như sụp đổ xung quanh họ. Hôm đó, mẹ cô nói rằng cha sẽ không trở về nữa và ngay cả sau đó, Jessica vẫn chưa hiểu điều đó thực sự có ý nghĩa gì. Nhưng sau này, sống cùng với nỗi mất mát không còn cha, cô gái trẻ này đã chọn cách tìm hiểu thật nhiều về cha mình và giúp đỡ những người khác đồng cảnh ngộ.

Danh sách những người mất tích tại khu vực hiện trường Trung tâm thương mại thế giới hôm 15-9-2001

Sau khi tốt nghiệp trường Đại học New York, Wisniewski làm việc tại một công ty luật chuyên về Đạo luật Bồi thường và Y tế James Zadroga 9-11 cho những người tham gia ứng cứu nạn nhân vụ khủng bố 17 năm trước. “Tôi rất vui được giúp những người không quản ngại nguy hiểm lao vào hiện trường giúp đỡ những người gặn nạn như bố tôi”. Jessica Wisniewski cũng là một cựu thành viên hội đồng quản trị “Trẻ em Ngày thứ ba” - một tổ chức phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ các gia đình nạn nhân vụ 11-9 về chăm sóc sức khỏe, tư vấn hỗ trợ thanh thiếu niên.

Các gia đình của nạn nhân vụ 11-9 mỗi người có cách tưởng nhớ người thân của mình riêng. Có người chọn dự lễ tưởng niệm hoặc ghé thăm nơi đặc biệt dành cho người thân yêu của họ, người khác lại tổ chức tiệc nướng để gắn kết các thành viên trong gia đình. Wisniewski nói, gia đình cô hàng năm cố gắng gặp gỡ nhau và kể những câu chuyện về cha cô. Cô gái trẻ này hy vọng những ai đã mất đi người trong sự kiện đó có thể hài lòng hơn với cuộc sống của mình.

Yến Chi (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/1192001-qua-khu-chua-ngu-yen-ve-ngay-dau-buon-cua-nuoc-my/781392.antd