12.2.1968: Một chương lịch sử đen tối bị lãng quên

12.2.1968 là một ngày bình thường trong chuỗi ngày chiến tranh liên miên của những người dân hai làng Phong Nhất, Phong Nhị (xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Nhưng đến cuối ngày hôm đó mọi sự đã thay đổi, số cư dân còn lại của làng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Buổi sáng đó, Đại đội 1 Tiểu đoàn 1 thuộc Lữ đoàn 2 Thủy quân lục chiến Hàn Quốc tiến vào hai làng Phong Nhất, Phong Nhị và tàn sát thường dân vô tội bằng những hình thức dã man nhất. Cho đến nay dù hơn nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng ký ức về ngày hôm đó vẫn sống động trong tâm trí những người sống sót, trở thành ký ức đau thương với người dân Việt và là niềm ân hận và nhục nhã với người Hàn Quốc.

Tác phẩm điều tra 12.2.1968 của nhà báo Koh Kyoung Tae (Phanbook và NXB Đà Nẵng, 2020) ra đời trong niềm mặc cảm đó. Trong hai mươi năm ròng, ông đã trở đi trở lại hai làng Phong Nhất, Phong Nhị để gặp gỡ các nhân chứng sống sót, có người khi xảy ra thảm kịch chỉ là một đứa trẻ.

Đọc sách này, ta có cảm giác như hai mươi năm trở lại Quảng Nam đối với Koh như những cuộc hành hương để xưng tội với mảnh đất miền Trung xác xơ, xa lạ với những người Hàn Quốc như ông. Sinh năm 1967, lúc sự việc xảy ra ông mới 1 tuổi, quá nhỏ để nhìn nhận thứ lịch sử đang chảy qua dân tộc ông. Nhưng suốt thời gian trưởng thành, cũng hiếm hoi ông nghe thừa nhận từ những người đồng hương của mình, rằng họ đã gây ra một tội ác chiến tranh ở đất nước họ tham chiến.

Sự hiện diện của quân đội Hàn Quốc lúc đó để đổi lấy những khoản viện trợ, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế của đất nước này. Cái giá phải trả là xương máu của người Việt Nam, những thường dân vô tội.

Bằng ngòi bút của mình, tác giả muốn đánh thức lương tri của xã hội Hàn Quốc, buộc giới chức trách phải thừa nhận những sai lầm trong quá khứ của mình. Là tổng biên tập tờ Hankyoreh 21, trong nhiều năm, ông đã lan tỏa thông điệp “Thành thật xin lỗi Việt Nam”, và không phải là lời xin lỗi suông, mà bằng những hành động thiết thực phần nào giúp xoa dịu vết thương chiến tranh.

Nhưng không phải ai cũng đủ sáng suốt để thừa nhận điều đó. Tờ báo của ông luôn nhận những công kích từ dư luận, thậm chí năm 2000 tòa soạn ông từng bị tấn công, nhưng những điều đó không ngăn cản ông dấn thân vào hành trình tìm kiếm sự thật. Kết quả là cuốn sách 12.2.1968 ấp ủ hàng chục năm ra đời và lần nữa tạo sóng dư luận.

Koh phải đấu tranh với thời gian, vì những nhân chứng vốn ít ỏi đang dần dần mất đi cùng năm tháng, để lại một đoạn ký ức đứt gãy vì không có người trao truyền. Như nhân chứng Phạm Thị Thiệt, lúc tác giả gặp bà (2018), bà Thiệt đã 98 tuổi, và những lời bà nói với tác giả làm ta phải suy ngẫm: “Từ đó đến giờ đã hơn 30 năm (thật ra là 50 năm) nhưng phía chính phủ Hàn Quốc chưa bao giờ hỏi thăm hay chào chúng tôi lấy một tiếng”. Bà Thiệt đã không đợi được lời xin lỗi đó, cuối năm 2018 bà trút hơi thở cuối cùng.

Cái chết của những nhân chứng như bà Thiệt cho chúng ta thấy rằng vì sao những cuốn sách như 12.2.1968 vẫn cần thiết trong đời sống hiện đại. Chính tác giả Koh Kyoung Tae cũng đã đặt ra những so sánh giữa cuộc thảm sát Phong Nhất, Phong Nhị của lính Đại Hàn với cuộc thảm sát do Nhật Bản gây ra trong Thế chiến thứ hai ở Hàn Quốc, cũng như cuộc thảm sát quân đội Đại Hàn Dân Quốc gây ra cho người dân Hàn ở Gwangju năm 1980. Để thấy rằng lịch sử là một bài học hơn là một vết thương.

Một bài học cần phải được nhắc đi nhắc lại nhiều lần để hậu thế tìm lại được niềm tin tiến về phía trước.

Huỳnh Trọng Khang

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/12-2-1968-mot-chuong-lich-su-den-toi-bi-lang-quen-24123.html