12 điều bạn không nên làm khi đến Nhật Bản

Đến thăm một đất nước có nền văn hóa độc đáo như Nhật Bản, bạn có thể sẽ bị 'sốc' với những quy tắc ứng xử đặc biệt. Tìm hiểu một số điều cấm kị sau đây sẽ giúp bạn thích nghi nhanh hơn và tránh vướng vào rắc rối không đáng có.

Bỏ túi một vài kinh nghiệm trước khi đến Nhật Bản để không bị 'sốc' văn hóa nhé.

1. Đừng phá vỡ các quy tắc trong nghi thức dùng đũa

Văn hóa đũa đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống người Nhật.

Người Nhật Bản sẽ có ấn tượng tốt khi thấy bạn dùng đũa một cách thoải mái. Nhưng chớ mắc phải những lỗi sau nếu không muốn nhận được những ánh nhìn hình viên đạn.

Đừng bao giờ để đũa dọc theo bát cơm - điều này giống với nghi thức trong đám tang. Nếu bạn cần đăt chúng xuống, hãy sử dụng giá gác đũa cạnh đĩa của bạn. Tránh dùng đũa mình chuyền thức ăn sang đũa của người khác, đây cũng là một điều cấm kị. Khi gắp đồ, hãy đặt vào đĩa của bạn trước khi đưa lên ăn. Và chà đũa vào nhau cũng là một hành động biểu hiện sự thô lỗ

2. Đừng mang giày vào nhà

Người Nhật phân biệt rõ ràng giày đi ngoài đường và dép đi trong nhà.

Nếu bạn đến thăm một ngôi nhà Nhật Bản, giày của bạn nên được cởi ra trước khi bước vào nhà. Giày đi bên ngoài được cho là không sạch sẽ, nên được thay thế bằng dép đi trong nhà thường đặt ở lối vào. Nguyên tắc này cũng được áp dụng ở những không gian công cộng như đền chùa, nhà thờ, trường học hay bệnh viện,… Nếu bạn thấy giày được xếp thành hàng ở trước cửa ra vào, hãy tháo giày ra và thay dép đã được chuẩn bị sẵn.

Giày dép cũng không được xuất hiện trong những nhà hàng mà khách ngồi ăn dưới sàn nhà trải thảm tatami truyền thống. Những nơi này thậm chí còn không có cả dép đi bên trong, nên hãy chắc rằng bạn đang mang một đôi vớ chỉnh tề.

Một nguyên tắc quan trọng khác là thay dép đi trong nhà bằng dép dùng trong nhà vệ sinh khi có nhu cầu vào đây. Những đôi dép này thường được đặt trước cửa WC, vì vậy đừng quên thay đổi cho phù hợp với mục đích sử dụng.

3. Đừng vô ý trong việc xếp hàng

Người Nhật nổi tiếng với văn hóa xếp hàng.

Người Nhật luôn tôn trọng việc xếp hàng, dù họ đang đợi xe buýt, đợi tàu hay chỉ đơn giản là đợi thang máy. Trên sân ga, có những hàng dài xếp sẵn. Khi tàu đến, các cánh cửa sẽ mở chính xác ở giữa hai đường song song đã được định hình sẵn bằng hàng người chờ tàu. Không ai nói ai, cứ lần lượt từng người một bước lên tàu.

4. Đừng vừa đi vừa ăn

Bạn có thể ăn vội, nhưng đừng vừa đi vừa ăn.

Ở Nhật, người ta không ăn uống trong lúc di chuyển. Thức ăn nhanh được bán tại quầy và khách hàng sẽ đứng ăn ngay tại chỗ. Đồ uống từ các máy bán hàng tự động cũng được dùng ngay, hộp hoặc bình sẽ được bỏ vào thùng tái chế bên cạnh chiếc máy. Tương tự, việc ăn uống trên các phương tiện giao thông cũng không mấy lịch sự, chỉ trừ những chuyến đi đường dài.

5. Đừng quên tắm sạch trước khi vào bồn tắm

Bồn tắm không phải là nơi làm sạch cơ thể.

Hầu hết các gia đình Nhật đều có bồn tắm chứa đầy nước nóng. Đây là không gian để ngâm mình thư giãn chứ không phải để rửa sạch cơ thể. Loại bồn tắm truyền thống này của Nhật Bản được gọi là 'furo', thường có dạng hình vuông, nhỏ hơn nhưng sâu hơn bồn tắm phương Tây. Trước khi bước vào bồn tắm, phải chắc rằng bạn đã tắm sạch bằng vòi trước đó.

Ở các phòng tắm công cộng, quy tắc 'tắm trước bằng vòi' này cũng tương tự. Ngoài ra còn một số nguyên tắc khác như không được mặc quần áo khi tắm, tóc phải được buộc gọn để không bị ướt, không để ướt khăn, và không bơi lội vẫy vùng trong bồn tắm. Hình xăm cũng khiến nhiều người Nhật e dè, nếu bạn có hình xăm, bạn không được sử dụng bồn tắm công cộng.

6. Đừng hắt hơi nơi công cộng

Hắt hơi vừa thô lỗ, vừa có nguy cơ lây bệnh cho người khác.

Hắt hơi ở nơi công cộng bị xem là mất lịch sự. Hãy tìm một nơi kín đáo và riêng tư hơn nếu mũi bạn thấy khó chịu. Bạn sẽ thấy người ta thường đeo khẩu trang nơi công cộng, đặc biệt là vào mùa đông. Điều này có nghĩa là họ bị cảm lạnh và không muốn lây nhiễm sang cho người khác.

7. Đừng để lại tiền boa

Người Nhật không có thói quen boa tiền như người Mỹ.

Không giống như ở Mỹ, nơi tiền boa gần như là bắt buộc, người Nhật không có thói quen này, và để lại tiền boa có thể bị xem là một sự khinh thường. Chi phí các dịch vụ đã được bao gồm trong hóa đơn tại nhà hàng, ngay cả tài xế taxi cũng từ chối nhận tiền thừa. Để lại vài đồng tiền boa trên bàn, bạn chắc chắn sẽ được người phục vụ gọi theo trả lại số tền đã 'bỏ quên'.

8. Đừng làm ồn trên tàu điện

Cười nói quá to trên tàu sẽ gây không ít khó chịu cho người khác.

Trên các phương tiện công cộng, nhiều người dùng điện thoại để nhắn tin, nghe nhạc, xem video hay đọc sách, nhưng hiếm ai gọi điện thoại. Nếu cần, họ cũng chỉ trao đổi ngắn gọn và rất khẽ tiếng. Nếu bạn cần sử dụng điện thoại ở khu vực công cộng, hãy tìm một chỗ vắng vẻ, ít người.

9. Đừng chỉ trỏ

Đừng quá vô tư mà dùng tay chỉ trỏ người khác.

Chỉ tay vào người hoặc vật bị xem là thô lỗ ở Nhật Bản. Thay vì sử dụng một ngón tay để trỏ vào cái gì đó, người Nhật sử dụng cả bàn tay để nhẹ nhàng vạch ra những gì họ đang muốn nói tới. Khi để cập đến chính mình, họ sẽ dùng ngón trỏ chạm vào mũi của mình. Dùng đũa để chỉ trỏ cũng bị đánh giá là thô lỗ.

10. Đừng chan tương vào cơm

Chan nước chấm vào cơm tưởng như rất bình thường, nhưng ở Nhật không ai làm vậy.

Trong văn hóa ăn uống Nhật Bản, nước tương không bao giờ được chan trực tiếp vào cơm. Hãy rót nước chấm vào một chén nhỏ thay vì đổ trực tiếp lên cơm hoặc các món ăn khác. Sau đó dùng đũa gắp sushi hay sashimi chấm vào tương.

11. Đừng đưa hay nhận chỉ bằng một tay

Đưa nhận bằng hai tay thể hiện sự tôn trọng với người đối diện.

Ở Nhật, người ta dùng cả hai tay mỗi khi đưa nhận đồ vật, kể cả những vật nhỏ như danh thiếp. Khi thanh toán tại cửa hàng hoặc quán cà phê, khách thường đặt tiền vào khay nhỏ đặt cạnh quầy tính tiền thay vì đưa trực tiếp cho thu ngân.

12. Đừng tự rót rượu cho mình

Hãy để người cùng đi làm việc đó cho bạn.

Khi giao lưu với bạn bè hoặc đồng nghiệp, hãy rót rượu cho người khác nếu thấy ly của họ cạn, chứ đừng rót cho chính mình, vì điều này bị xem là kì cục. Sau khi bạn đã rót cho bạn mình, họ sẽ làm lại tương tự cho bạn. Chai rượu luôn được cầm bằng cả hai tay khi rót.

Phương Giấy Spiderum Baodatviet.vn

Nguồn Tiin: http://tiin.vn/chuyen-muc/song/12-dieu-ban-khong-nen-lam-khi-den-nhat-ban.html