13.000 nhân sự nghỉ việc vì Grab, Vinasun định trở lại đỉnh cao nhờ 'át chủ bài'

Vừa trải qua những năm kinh doanh bết bát nhất trong lịch sử đến nỗi phải cắt giảm tới hơn 13.000 nhân sự trong vòng 2 năm 2017 và 2018, thế nhưng hãng taxi Vinasun vừa tự tin đặt kế hoạch lợi nhuận 2019 gấp 8 lần 2018. Lý do vì sao?

Sau khi thắng kiện Grab, Vinasun từng bước kinh doanh khởi sắc trở lại.

Sáng 26/4, Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun Corp.) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019.

Một trong những điểm thu hút nhất tại đại hội là bản kế hoạch kinh doanh 2019 với mức doanh thu kinh doanh dự kiến đạt 2.140 tỷ đồng (tăng hơn 3% so với cùng kỳ), tổng lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh đạt 77,1 tỷ đồng (tăng gần 8 lần so với mức 10,2 tỷ đồng của năm 2018).

Trong khi trước đó, tổng doanh thu năm 2018 của công ty đạt hơn 2.073 tỷ đồng, giảm 29,4% so với năm 2017. Đây là mức doanh thu thấp nhất kể từ năm 2011. Lợi nhuận sau thuế đạt 89,08 tỷ đồng, giảm 53,5%, thấp nhất kể từ năm 2009.

Vào cuối năm 2018, số lượng nhân viên của Vinasun tiếp tục giảm, còn 6.761 người, giảm 356 người so với cuối năm 2017. Trước đó, Vinasun đã phải cắt giảm khoảng 10.000 nhân sự trong năm 2017.

Tính đến thời điểm cuối tháng 12/2018, công ty có 5.444 xe taxi, thu nhập bình quân của tài xế là 8,6 triệu đồng mỗi tháng.

Đưa tin về Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của Vinasun, báo Thanh Niên dẫn lời ông Đặng Phước Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinasun lý giải năm 2018 là năm đỉnh điểm khó khăn đối với Vinasun nói riêng cũng như các hãng taxi truyền thống nói chung.

Vị này nhận định do môi trường kinh doanh không bình đẳng, công ty phải đương đầu với những hoạt động kinh doanh taxi không đúng quy định pháp luật, gây hàng loạt thách thức trong hoạt động kinh doanh như doanh thu bình quân sụt giảm, thu nhập của anh em lái xe giảm sút, số lái xe nghỉ việc gia tăng cùng với đó là việc phát sinh rất nhiều các khoản phí, sự tăng giá của vật tư thay thế và chi phí khác như lương cơ bản, giá xăng dầu...

"Nếu không nhờ những hoạt động cải tổ, tái cấu trúc kịp thời thì công ty đã phải phá sản vào tháng 6 năm ngoái. Cùng với đó, việc giành lợi thế sau khi TAND TP.HCM chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Vinasun, tuyên buộc Công ty TNHH Grab Việt Nam bồi thường cho nguyên đơn hơn 4,8 tỷ đồng; cộng với dự thảo Nghị định 86 lần 8 được điều chỉnh theo hướng siết chặt quản lý loại hình taxi công nghệ góp phần giúp Vinasun tự tin vào triển vọng kinh doanh sắp tới" - ông Thành cho biết.

Lãnh đạo Vinasun nói rằng, khoảng 80% các cơ quan bộ ngành trong chính phủ đang ủng hộ hướng điều chỉnh mới nhất của Nghị định 86. Công ty dự kiến, nếu văn bản được ký ban hành vào tháng 5/2019 và đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử kết thúc vào tháng 10/2019 thì taxi truyền thống và taxi công nghệ cùng về sân chơi chung, thuận lợi cho cạnh tranh.

Một số cổ đông cho rằng Vinasun nên quan tâm thêm về trải nghiệm của khách hàng trên ứng dụng Vinasun App cũng như quá trình đi xe hơn là thắng lợi pháp lý. Đồng thời, việc học hỏi những tiến bộ kỹ thuật của loại hình taxi công nghệ là cần thiết.

Hội đồng quản trị tán thành nâng cấp công nghệ liên tục. Ông Thành cho biết, đã có tổng cộng hơn 38.000 cuốc xe được đặt qua ứng dụng từ khi phát hành. Mỗi ngày, trung bình ứng dụng có thêm 600 lượt tải mới. Cùng với đó, mô hình xe thương quyền được công ty xem là chiến thuật hiệu quả để lôi kéo tài xế taxi công nghệ trở về với Vinasun.

Tình hình kinh doanh của Vinasun bắt đầu khởi sắc từ đầu năm 2019. Báo cáo tài chính quý 1/2019 của Vinasun cho thấy kết quả kinh doanh tăng rất mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, 3 tháng đầu năm, Vinasun thu tổng cộng 534 tỷ dồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, tăng 9%. Trong khi đó, giá vốn chỉ tăng 4%, giúp lợi nhuận gộp doanh nghiệp này thu về tăng 36%, đạt 188 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý 1/2019, Công ty có tổng tài sản vào mức 2.647 tỷ, giảm nhẹ so với mức 2.720 tỷ đầu kỳ. Đáng chú ý, khoản mục chi phí xây dựng cơ bản tăng mạnh từ mức 100 triệu lên hơn 8 tỷ đồng, đây là tài sản phương tiện vận tải của Công ty. Tổng nợ Vinasun giảm về 955 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu Công ty là 1.692 tỷ đồng.

Được biết, Vinasun đã khởi kiện Công ty TNHH Grab (Grab) từ tháng 6/2017 với quan điểm thể hiện, Grab đã thông qua việc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ban hành quyết định 24 về "Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng" (Đề án 24) để thực hiện nhiều vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi, gây náo loạn thị trường.

Theo Vinasun, những vi phạm của Grab đã khiến Công ty bị thiệt hại gần 42 tỷ đồng trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017. Phiên tòa đã được mở 2 lần vào tháng 2 và tháng 9/2018 nhưng sau đó đã bị hoãn. Đến cuối năm 2018, Tòa án nhân dân Tp.HCM đã ra phán quyết cuối cùng.

Trong đó, về yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại gần 42 tỷ đồng của Vinassun, HĐXX cho rằng dù xác định được thiệt hại do sụt giảm giá trị vốn hóa thị trường nhưng không xác định được phần thiệt hại nào do Grab gây ra, phần nào do các yếu tố khác. Do đó, HĐXX chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của Vinasun, buộc Grab bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số tiền 4,8 tỷ đồng, đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền một số vấn đề về quản lý.

H.Y (tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/13000-nhan-su-nghi-viec-vi-grab-vinasun-dinh-tro-lai-dinh-cao-nho-at-chu-bai-a431629.html