13 doanh nghiệp gửi 'niềm tin' nhầm chỗ: Luật sư nói gì?

Khi niềm tin được gửi gắm cùng với những lời hứa về một cộng đồng doanh nghiệp cùng nhau phát triển, nhưng rồi biến cố xảy ra...đường ai nấy đi.

Trở lại với vụ việc của 13 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại khu đất thực hiện Dự án nhà máy ô tô 1-5 thuộc xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

Các doanh nghiệp cho rằng UBND huyện Đông Anh đã không nhất quán về chủ trương, đường lối giải quyết đối với các công trình bởi từ năm 2016 khi ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính. UBND huyện Đông Anh đã cho phép Công ty cổ phần ô tô 1-5 và các doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục pháp lý để tiếp tục được khai thác, sử dụng các công trình tuy nhiên, khi các doanh nghiệp đang triển khai thực hiện theo đúng yêu cầu của UBND huyện và nhiệm vụ mà UBND thành phố Hà Nội đã giao thì UBND huyện Đông Anh bất ngờ ban hành các quyết định buộc phá dỡ các công trình.

Những quyết định hành chính của UBND huyện Đông Anh đã tác động rất lớn đến các doanh nghiệp, khiến các doanh nghiệp lao đao khi đứng trước bờ vực phá sản, người lao động đứng trước nguy cơ thất nghiệp.

Liên quan đến tính pháp lý của 24 công trình mà các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng trước năm 2016, Pháp luật Plus đã có trao đổi với Luật sư Mai Bích Ngân - Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) dưới góc nhìn pháp lý. Pháp luật Plus xin trích đăngnguyên văn ý kiến của Luật sư Mai Bích Ngân.

Luật sư Mai Bích Ngân cho biết: Thứ nhất, 24 công trình mà các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng trước năm 2016 thuộc trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính và được phép hoàn thiện thủ tục pháp lý để tồn tại.

Căn cứ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014 về đối tượng và các loại giấy phép xây dựng thì 24 công trình mà các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng trước năm 2016 thuộc trường hợp phải có giấy phép xây dựng.

Thực tế, sau khi Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô khách (Quyết định 831/QĐ-BGTVT ngày 28/3/2001 và Quyết định số 631/GTVT ngày 08/3/2002) thì ngày 09/10/2003, thiết kế chi tiết Tổng mặt bằng nhà máy và thiết kế kỹ thuật công trình các hạng mục của Dự án nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô khách đã được Bộ Giao thông Vận tải thông qua. Đến năm 2009, UBND huyện Đông Anh đã cấp Giấy phép xây dựng số 50/2009/GPXD-UBND để nhà máy sản xuất ô tô 1-5 triển khai xây dựng các hạng mục công trình.

Tuy nhiên, theo thông tin các doanh nghiệp cung cấp thì một số công trình xây dựng của các doanh nghiệp đã xây dựng chưa đúng với thiết kế tổng mặt bằng nhà máy và Giấy phép xây dựng nêu trên. Trong trường hợp các doanh nghiệp tổ chức thi công xây dựng các công trình không có giấy phép, sai quy hoạch xây dựng nhưng không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì bị xử phạt vi phạm hành chính và bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, cụ thể:

Căn cứ điểm c khoản 6, khoản 9 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở quy định: “Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng”.

Như vậy, các doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền với mức từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng và bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 50% giá trị phần xây dựng không phép, sai quy hoạch xây dựng. Sau khi hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng.

Thứ hai, việc UBND huyện Đông Anh ban hành quyết định cưỡng chế buộc phá dỡ tất cả các công trình mà các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng là không phù hợp với quy định pháp luật, không thống nhất về chủ trương giải quyết.

Theo Quyết định số 699/QĐ-XPVPHC ngày 30/3/2016 thì UBND huyện Đông Anh đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần ô tô 1-5 về hành vi tổ chức thi công xây dựng 24 công trình không phép và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là: “Yêu cầu Công ty cổ phần ô tô 1-5 hoàn thiện các thủ tục xin điều chỉnh Quy hoạch chi tiết 1/500 Dự án 5000 xe/năm. Khi được UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết thì phải khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đề nghị cấp phép xây dựng theo quy định, nếu không được chấp thuận điều chỉnh Quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án thì Công ty phải tự dỡ các công trình vi phạm sai so với Quy hoạch được duyệt, trường hợp không phá dỡ sẽ bị cưỡng chế phá dỡ theo quy định.”

Ngay sau khi bị xử phạt, các doanh nghiệp và Công ty cổ phần ô tô 1-5 đã nộp tiền phạt (theo Báo cáo số 413/BC-UBND ngày 30/9/2019 của UBND huyện Đông Anh) và phối hợp để thực hiện các thủ tục pháp lý xin điều chỉnh Quy hoạch chi tiết 1/500 Dự án 5000 xe/năm. Chính vì vậy, ngày 19/5/2016, tại Quyết định số 2495/QĐ-UBND UBND TP Hà Nội đã giao nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết Nhà máy ô tô 1-5, tỷ lệ 1/500, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh cho Công ty cổ phần ô tô 1-5.

Trong suốt quá trình từ năm 2016 đến nay, bên cạnh việc phối hợp với Công ty cổ phần ô tô 1-5 thực hiện nhiệm vụ theo đúng chỉ đạo của UBND TP Hà Nội và yêu cầu của UBND huyện Đông Anh thì các doanh nghiệp đã triển khai sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người lao động tại địa phương và các vùng lân cận, đóng góp hàng trăm tỷ đồng tiền thuế mỗi năm để thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế của huyện Đông Anh nói riêng và của thành phố Hà Nội nói chung.

Cho đến nay UBND thành phố Hà Nội chưa có bất cứ văn bản nào thu hồi nhiệm vụ đã giao cho Công ty cổ phần ô tô 1-5 hoặc có Quyết định không chấp thuận điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 của Dự án. Trong khi đó, theo tinh thần của Quyết định số 699/QĐ-XPVPHC ngày 30/3/2016 của UBND huyện Đông Anh thì các doanh nghiệp sẽ chỉ phải tự phá dỡ các công trình hoặc bị cưỡng chế phá dỡ khi không được UBND thành phố chấp thuận điều chỉnh Quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án. Hơn nữa, tại Quyết định này của UBND huyện Đông Anh cũng không nêu rõ về thời hạn cho phép Công ty cổ phần ô tô 1-5 hoàn thiện các thủ tục xin điều chỉnh Quy hoạch chi tiết 1/500 Dự án 5000 xe/năm” – Hết trích đăng.

Với những gì đã và đang diễn ra, các doanh nghiệp đã tạo hàng nghìn việc làm cho lao động địa phương và vùng lân cận, đóng góp vào ngân sách nhà nước hàng năm với con số hàng trăm tỷ đồng, thiết nghĩ UBND TP Hà Nội, UBND huyện Đông Anh và các Sở, ngành liên quan có giải pháp để các doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục, sớm ban hành quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 của Dự án.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

Nhã Vân (tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/13-doanh-nghiep-gui-niem-tin-nham-cho-luat-su-noi-gi-d110935.html