14 bộ phim điện ảnh có độ dài 'khủng'… hơn 3 tiếng

Nếu bạn có một chiều cuối tuần rảnh rang và chỉ muốn ngồi một chỗ xem phim từ chiều đến tối, dưới đây là 15 bộ phim sẽ 'ngốn' mất một ngày rảnh rang của bạn bởi mỗi phim đều... dài 'khủng khiếp'.

Bộ phim bom tấn sắp công phá phòng vé thế giới - “Avengers: Endgame” có độ dài 3 tiếng 2 phút. Dưới đây là 14 bộ phim khác cũng có độ dài hơn 3 tiếng.

Để khép lại loạt phim “Avengers”, tập phim “Endgame” có độ dài chính thức hơn ba tiếng. Đây là bộ phim dài nhất trong loạt phim của vũ trụ điện ảnh Marvel. Trước đó, tập phim “Infinity War” có độ dài 2 tiếng 40 phút.

Nhưng “Endgame” không phải bộ phim duy nhất có độ dài hơn ba tiếng. Trong lịch sử điện ảnh còn có 14 bộ phim nổi tiếng khác cũng yêu cầu khán giả ra rạp phải ngồi tại chỗ trong ít nhất 180 phút.

Độ dài của “Avengers: Endgame” được các nhà làm phim đánh giá là tương xứng với thế giới điện ảnh trải dài 11 năm mà Marvel đã dày công tạo nên, có rất nhiều nội dung mà tập phim này cần phải đưa tới một kết thúc gọn ghẽ và thỏa đáng.

Những phản ứng của fan trước bộ phim có độ dài “khủng” này khá đa dạng, từ phấn khích, thích thú cho tới hoang mảng, thảng thốt. Mặc dù những phim dài hơn ba tiếng là khá hiếm gặp nhưng không phải chưa từng có trước đây trong thế giới điện ảnh.

Nếu bạn có một chiều cuối tuần rảnh rang và chỉ muốn ngồi một chỗ xem phim từ chiều đến tối, dưới đây là 15 bộ phim sẽ “ngốn” mất một ngày rảnh rang của bạn bởi mỗi phim đều... quá dài

“The Wolf of Wall Street” (Sói già phố Wall - 2013): 3 tiếng

Bộ phim dựa trên câu chuyện có thật về một doanh nhân trong lĩnh vực môi giới đầu tư chứng khoán. Doanh nhân này đã phá luật, lách luật trong các thương vụ của mình.

Phim nhận được đánh giá tích cực từ giới phê bình và khán giả. Đây là một phim hài sâu sắc, ấn tượng, diễn tiến nhanh, hài hước.

“Dances with Wolves” (Khiêu vũ với bầy sói - 1990): 3 tiếng, 1 phút

Kevin Costner vừa diễn xuất và đạo diễn bộ phim này. Chuyện phim kể về một quân nhân trong thời kỳ nội chiến ở Mỹ. Ban đầu, người quân nhân được giao nhiệm vụ cắm chốt ở một tiền đồn hẻo lánh thuộc miền tây.

Nhưng cuối cùng anh trở thành thành viên trong bộ lạc người da đỏ. Bộ phim đầu tay của Kevin Costner trong vai trò đạo diễn đã nhận được nhiều khen ngợi.

“Pearl Harbor” (Trân Châu Cảng - 2001): 3 tiếng, 3 phút

Bộ phim khá thành công về mặt doanh thu nhưng phải đón nhận nhiều đánh giá tiêu cực về mặt chất lượng nghệ thuật. Trong đó, độ dài là một trong số những điểm bị chê.

Phim nhận được 4 đề cử Oscar, giành về tượng vàng cho Biên tập Âm thanh xuất sắc. Dù vậy, phim cũng bị đề cử tới 6 giải Mâm xôi vàng (giải dành cho những bộ phim tệ), trong đó có đề cử ở hạng mục… Phim tệ nhất.

“The Green Mile” (Dặm xanh - 1999): 3 tiếng, 9 phút

Bộ phim được chuyển thể dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Stephen King. Chuyện phim kể về một tử tù sở hữu năng lực siêu nhiên có khả năng chữa lành bệnh tật, hàn gắn vết thương. Bộ phim được đánh giá rất tích cực bởi nội dung hấp dẫn, đậm chất nhân văn.

“Cleopatra” (1963): 3 tiếng, 12 phút

Cặp đôi diễn viên yêu nhau ngoài đời thực - Elizabeth Taylor và Richard Burton - đã cùng nhập vai hai nhân vật đầy quyền lực - Cleopatra và Mark Anthony.

Bộ phim sử thi hoành tráng gây ấn tượng về nhiều mặt: khoản đầu tư kếch xù, những đồn đoán “phim giả tình thật” giữa hai diễn viên chính đều đang có gia đình, và việc phim vẫn lỗ dù là phim có doanh thu lớn nhất năm 1963.

Cho tới giờ đây vẫn là phim duy nhất vừa đạt doanh thu cao nhất năm nhưng vẫn... bị lỗ. Khi ấy, hãng phim 20th Century Fox đã từng suýt phá sản vì dự án phim này.

“Cleopatra” được đề cử ở 9 hạng mục tại giải Oscar, trong đó có hạng mục Phim hay nhất và giành về bốn giải thưởng ở các hạng mục phụ.

“The Right Stuff” (Điều đúng đắn - 1983): 3 tiếng, 13 phút

Chuyện phim dựa trên câu chuyện có thật về sĩ quan không quân Chuck Yeager và các cộng sự, họ là những người được lựa chọn để thực hiện kế hoạch chinh phục không gian vũ trụ - Project Mercury. Phim được chuyển thể sinh động và đầy cảm xúc.

Dù bị thất bại về mặt doanh thu nhưng phim nhận được nhiều khen ngợi và có được tới 8 đề cử tại giải Oscar, giành về 4 giải.

“Titanic” (1997): 3 tiếng, 14 phút

Chuyện tình bi kịch của Jack và Rose, hai hành khách trên chuyến tàu định mệnh Titanic đã lấy đi nước mắt của nhiều người xem. Một thảm kịch hàng hải được khắc họa lại đầy thuyết phục trong một chuyện tình lãng mạn, đau thương khiến bao người xem của nhiều thế hệ cùng khắc khoải.

“Titanic” khiến người xem cảm nhận rõ ràng về sức mạnh điện ảnh.

“Schindler’s List” (Bản danh sách của Schindler - 1993): 3 tiếng, 15 phút

Bộ phim thắng lớn tại giải Oscar, do đạo diễn Steven Spielberg dàn dựng, kể câu chuyện có thật về Oskar Schindler, một người đàn ông Đức đã chống lại chủ nghĩa Phát-xít và giải cứu hơn 1.000 người Do Thái bằng cách thuê họ vào làm tại nhà máy của ông.

Bộ phim đầy sức nặng nhưng lại rất dễ xem và cảm nhận, là sự cân bằng giữa nỗi sợ hãi và sự nhẹ nhõm, giữa sự hài hước và nỗi kinh hoàng, giữa tình yêu và chết chóc.

Phim nhận được 12 đề cử tại giải Oscar và rinh về 7 giải, trong đó có giải cho Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất (Steven Spielberg), Nam chính xuất sắc nhất (Liam Neeson) và Nam phụ xuất sắc nhất (Ralph Fiennes).

“The Lord of the Rings: The Return of the King” (Chúa nhẫn: Sự trở lại của nhà vua - 2003): 3 tiếng, 21 phút

Phần cuối của loạt phim “Chúa nhẫn” đã kết thúc theo một cách ngoạn mục ngay từ... thời lượng. Độ dài của phim đã khiến một số người xem cảm thấy mệt mỏi, nhưng đây cũng là phần phim duy nhất của sê-ri “Chúa nhẫn” giành chiến thắng tại hạng mục Phim hay nhất của giải Oscar.

Phim được đề cử ở 11 hạng mục tại giải Oscar và giành về chiến thắng ở tất cả các hạng mục được đề cử, đây được xem là kỷ lục về số lượng giải Oscar mà một phim giành về, phim nắm giữ kỷ lục này cùng với hai phim khác gồm “Titanic” và “Ben-Hur”.

“The Godfather Part II” (Bố già phần II - 1974): 3 tiếng, 22 phút

Phần tiếp theo của “The Godfather” kết hợp câu chuyện về bố già Don Vito Corleone và người con trai nối nghiệp của ông - Michael. Đây là một phần phim tiếp theo rất hiếm hoi mà chất lượng được đánh giá là hay ngang, nếu không muốn nói là hay hơn, cả phần phim đầu.

“Bố già phần II” là một phần phim tiếp theo đầy tham vọng, được thực hiện đầy trí tuệ và là một dấu mốc đáng tự hào về một thời kỳ nghệ thuật điện ảnh Hollywood còn đang ở đỉnh cao.

“Malcolm X” (1992): 3 tiếng, 22 phút

Denzel Washington nhập vai Malcolm X rất xuất sắc, đây là một trong những nhân vật nổi bật nhất trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi. Bộ phim được đạo diễn bởi Spike Lee đã đưa một nhân vật có thật lên màn ảnh một cách đầy sống động, chân thực nhưng vẫn chứa đựng sự bí ẩn mê hoặc cần thiết của một bộ phim điện ảnh.

“Lawrence of Arabia” (Lawrence xứ Ả Rập - 1962): 3 tiếng, 36 phút

Chuyện phim dựa trên cuộc đời của một quân nhân Anh có tên T.E. Lawrence trong thời kỳ diễn ra Thế chiến I. Bộ phim được tách ra làm hai phần và có một quãng nghỉ giữa phim.

“Sử thi” là một từ hay bị lạm dụng trong thế giới điện ảnh, nhưng bộ phim của đạo diễn David Lean với độ dài gần bốn tiếng theo chân nhân vật T.E. Lawrence (nam diễn viên Peter O’Toole) đi qua những sa mạc Ả Rập chắc chắn là một chuẩn mực cho những bộ phim có tham vọng lớn.

“Ben-Hur” (1959): 3 tiếng, 32 phút

Charlton Heston là một nam diễn viên huyền thoại, trong đó, phải kể tới vai diễn Judah Ben-Hur của ông trong bộ phim cùng tên. Chuyện phim kể về một hoàng tử Do Thái bị đem bán làm nô lệ và phải thực hiện cuộc hành trình trở về quê nhà Jerusalem.

Bộ phim kể về những trái ngang, bạo ngược, kinh hoàng mà Ben-Hur phải chịu đựng, đó là một chuyện phim mạnh mẽ và hấp dẫn.

“Gone with the Wind” (Cuốn theo chiều gió - 1939): 3 tiếng, 58 phút

Bộ phim kéo dài gần bốn tiếng kể về nàng Scarlett O’Hara, một người phụ nữ sống trong thời kỳ nội chiến của nước Mỹ, cô sống trên một đồn điền ở bang Georgia.

Bối cảnh lịch sử là cái nền của bộ phim, trong đó, Scarlett đối diện với những câu chuyện đời tư của riêng mình, với tình yêu, mất mát và cuối cùng quyết định bắt đầu lại cuộc đời mình sau tất cả những đổ vỡ.

Mặc dù đề cập tới những câu chuyện về nội chiến, về chế độ nô lệ, nhưng “Cuốn theo chiều gió” chủ yếu được yêu thích bởi chuyện đời - chuyện tình hấp dẫn của nàng Scarlett.

Theo dantri.com

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/14-bo-phim-dien-anh-co-do-dai-khung-hon-3-tieng-3997050-l.html