14 nhà máy nhiệt điện bủa vây ĐBSCL: Hậu quả khôn lường

Việc xây dựng 14 nhà máy nhiệt điện tại khu vực ĐBSCL là một kịch bản không bền vững và có thể gây ra nhiều hậu quả khôn lường.

Kịch bản không bền vững

Mới đây, tại hội thảo nằm trong khuôn khổ “Tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam 2017” được tổ chức tại Cần Thơ, PGS.TS Nguyễn Minh Duệ, Chủ tịch hội đồng khoa học năng lượng thuộc Hiệp hội năng lượng Việt Nam (VEA) đã bày tỏ nhiều lo ngại trước việc số lượng nhà máy nhiệt điện xây dựng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long ngày càng nhiều.

Theo ông Duệ, các nhà máy nhiệt điện ở ĐBSCL có công suất rất lớn, cái nhỏ nhất là 600 MW và lớn nhất là 2.000 MW, tức gần bằng công suất nhà máy thủy điện Sông Đà (2.400 MW).

14 nhà máy nhiệt điện tại ĐBSCL được cho là 1 kịch bản không bền vững

14 nhà máy nhiệt điện tại ĐBSCL được cho là 1 kịch bản không bền vững

“Tính tổng cộng lại thì thấy 14 nhà máy nhiệt điện ở ĐBSCL có công suất gần 20.000 MW. Theo ý kiến cá nhân tôi, đây là một kịch bản rất không bền vững”, ông nói.

Vị chuyên gia dẫn chứng, nguồn than trong nước đang ngày càng cạn kiệt. Các nhà máy nhiệt điện sẽ phải phụ thuộc vào nguồn than nhập khẩu, trong khi hiện nay các hợp đồng về nhập khẩu than chưa có bên cạnh những hạn chế trong vấn đề hạ tầng cảng tiếp nhận than.

“Trước kia than có giá 40 USD/tấn, dần dần lên 60 USD và giá than sẽ còn tiếp tục tăng”, ông Duệ nhận định.

Theo ông giá than tăng sẽ khiến chi phí sản xuất điện của các nhà máy nhiệt điện tăng theo và giá điện cũng sẽ được đẩy lên cao. Cùng với đó là vấn đề ô nhiễm môi trường do các nhà máy nhiệt điện gây ra.

“Với tình hình phát triển nhiệt điện nhiều như vậy, ĐBSCL nên chăng kiến nghị với Chính phủ điều chỉnh Sơ đồ Quy hoạch phát triển điện 7 trong phát triển điện đối với ĐBSCL?”, ông Duệ đặt câu hỏi.

Nhiệt điện than bủa vây ĐBSCL: Phá thế 'thập diện mai phục'

Hậu quả khôn lường

Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề xây dựng các nhà máy nhiệt điện tại khu vực Đồng bằng sông Cửi Long nhận được các ý kiến bày tỏ lo ngại từ phía các chuyên gia.

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn – Phó Viện Trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐH Cần Thơ, với quy mô phát triển công nghiệp năng lượng như vậy từ nay đến năm 2030, vùng ĐBSCL trở thành một trong những khu vực có mật độ nhiệt điện cao so với cả nước. Hầu hết các nhà máy nhiệt điện ở ĐBSCL đều dùng nhiên liệu chính là than, ngoài một số ít dùng dầu DO hoặc khí đốt.

Vị chuyên gia dẫn kết quả một nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học từ Đại học Harvard, Hoa kỳ (2015) cho biết, dựa vào Quy hoạch điện VII thì sự hiện diện các hạt PM 2.5 ô nhiễm từ nhiệt than tại Việt Nam đã gây ra khoảng 4.300 cái chết yểu trong năm 2011.

Báo cáo nhấn mạnh, dự báo đến năm 2030, con số tử vong do nhiệt điện than ở Việt Nam hằng năm có thể sẽ lên đến 25.000 người, nếu tất cả các nhà máy trong quy hoạch điện VII được xây dựng.

Trong khi đó, theo nhận định của TS Tô Văn Trường, nhiệt điện than đang là mối quan tâm hàng đầu của dư luận bởi những hậu quả mà nó gây ra với môi trường và sức khỏe cộng đồng cũng như ảnh hưởng tới các ngành kinh tế khác.

Đặc biệt câu chuyện về nhiệt điện than gần đây đã nóng hơn vì hàng loạt nhà máy nhiệt điện than đã và đang được xây dựng tại ĐBCSL, vùng trọng điểm về nông nghiệp, thủy sản của cả nước.

Theo ông, không cần phải xây rải khắp các nhà máy nhiệt điện, có thể tập trung nơi nào thuận tiện cho nhập khẩu than và gần nguồn nước (không là vấn đề nước), rồi truyền tải đến các hộ tiêu thụ.

Hoàng Nam (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/lien-hiep-hoi/14-nha-may-nhiet-dien-bua-vay-dbscl-hau-qua-khon-luong-3341846/