142 nghìn hộ gia đình hưởng lợi từ dự án giảm nghèo của WB và Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Tổng Kinh phí của dự án là 165 triệu USD, trong đó vốn vay từ Ngân hàng Thế giới là 150 triệu USD (chiếm 90% tổng vốn của Dự án); vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam ước tính là 15 triệu USD.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kết hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội nghị kết thúc dự án Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên (2014 - 2019) tại Hà Nội. Đây là dự án nhận được sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, điều phối, giám sát bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được thực hiện bởi các Ban Quản lý dự án cấp tỉnh thuộc Sở KHĐT và Ban Quản lý dự án cấp huyện thuộc UBND huyện tại 6 tỉnh được lựa chọn.

Dự án Giảm nghèo Khu vực Tây Nguyên (GNTN) được thực hiện tại 130 xã thuộc 26 huyện khó khăn nhất của 6 tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam và Quảng Ngãi trong giai đoạn 2014 – 2019 với mục tiêu nâng cao mức sống của các hộ gia đình trong vùng dự án thông qua cải thiện cơ hội sinh kế. Dự án đã thực hiện trong 5 năm tại 130 xã khó khăn thuộc 26 huyện nghèo như dưới đây:

Đắk Nông: 4 huyện – Đắk Glong, Đắk Song, Krông Nô, Tuy Đức

Đắk Lắk: 5 huyện – Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Bông, Lắk, M' Đắk

Gia Lai: 5 huyện – KBang, Kông Chro, Krông Pa, Mang Yang, Ia Pa

Kon Tum: 6 huyện – Ngọc Hồi, Đắk Glei, Sa Thầy, Kon Rẫy, Kon Plông, Tu Mơ Rông

Quảng Ngãi: 3 huyện – Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ

Quảng Nam: 3 huyện – Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My

Tổng Kinh phí của dự án là 165 triệu USD, trong đó vốn vay từ Ngân hàng Thế giới là 150 triệu USD (chiếm 90% tổng vốn của Dự án); vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam ước tính là 15 triệu USD (chiếm 10% tổng vốn của Dự án). Đến tháng 10/2019, Dự án đã điều chỉnh cắt giảm 15.866.000 USD (tương đương 11,5 triệu SDR) từ tổng số khoản vay.

Cơ cấu hợp phần của Dự án: Dự án gồm bốn Hợp phần như sau: (i) Hợp phần 1: Phát triển CSHT cấp xã và thôn/buôn, (ii) Hợp phần 2: Phát triển sinh kế bền vững, (iii) Hợp phần 3: Phát triển CSHT kết nối cấp huyện; Nâng cao Năng lực và Truyền thông, (iv) Hợp phần 4: Quản lý Dự án.

Theo đánh giá sơ bộ, đến thời điểm hiện tại, Dự án đã đạt độ bao phủ 96,06% của vùng Dự án, với hơn 142.000 hộ gia đình, tương đương với 636.538 người hưởng lợi, đã vượt 18% so với thiết kế ban đầu (Mục tiêu ban đầu: 120.000 hộ gia đình, tương đương hơn 540.472 người hưởng lợi), trong đó đa số là các hộ gia đình người DTTS, người nghèo và cận nghèo. Khảo sát người được hưởng lợi cho thấy 90% người dân hài lòng với việc lựa chọn các TDA CSHT và sinh kế. Kế hoạch hàng năm của cấp xã được người dân trực tiếp đề xuất tại các buổi họp thôn với khoảng 60-80% các hộ trong thôn tham gia, trong đó khoảng 50% trở lên là đại diện hộ nghèo và hộ DTTS.

Dự án đã giao cho các xã làm chủ đầu tư xây mới, sửa chữa và nâng cấp 439,4 km đường; 91 hệ thống kênh mương tưới tiêu giúp chủ động tưới cho hơn 4.000 ha đất nông nghiệp; 73 cây cầu, 141 hệ thống nước sạch (giếng, hệ thống nước tự chảy, v.v) cung cấp nước sạch cho 10.797 hộ gia đình; 90 phòng học tại 81 điểm trường, 78 nhà cộng đồng và một số công trình hạ tầng khác như cống, ngầm tràn, đường dây điện,...

Ngoài ra cấp huyện cũng làm chủ đầu tư 120 TDA xây dựng và nâng cấp đường liên xã, kết nối với huyện, 13 TDA thủy lợi và một số công trình khác. Đến cuối dự án, hơn 203km đường đã hoàn thành, kết nối các xã dự án với nhau và với trung tâm huyện. Các công trình thủy lợi cũng đã hoàn thành và giúp tăng cường hoặc mở rộng vùng tưới cho các huyện thêm 479 ha đất nông nghiệp.

Như vậy, phần lớn vốn đầu tư cho CSHT đã được dành để triển khai thi công xây mới các con đường thôn/bản, liên thôn và kết nối xã với huyện. Điều này phản ánh việc đáp ứng rất tốt của Dự án đối với nhu cầu cấp thiết của địa phương về CSHT.

Kiểm định chất lượng và đánh giá mức độ, hiệu quả đầu tư đối với các công trình Cơ sở hạ tầng của Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên cho thấy hơn 90% số người dân được hỏi hài lòng với chất lượng đường giao thông do dự án đầu tư. Các TDA giao thông đã rút ngắn ½ thời gian từ nhà tới các cơ sở dịch vụ công cho người dân. Bước đầu các TDA giao thông đã có những tác động tích cực đến cải thiện tình trạng kinh tế của các hộ; mức độ tăng thu nhập trung bình chung khoảng 15-20%, mức tăng giá trị hàng hóa sản xuất khoảng 5-10%, cũng như giảm chi phí các đầu vào sản xuất như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khoảng 5-10%.

90% hộ hưởng lợi hài lòng hoàn toàn và đánh giá cao tác dụng của các công trình thủy lợi, kênh mương đã giúp mở rộng vùng tưới tiêu, giảm sức lao động và nâng cao năng suất cây trồng.

Đối với các công trình nước sạch, 70% các hộ hưởng lợi cho rằng dự án giúp họ có được nước sạch sử dụng thường xuyên; ngoài ra còn giúp hộ gia đình tiết kiệm thời gian và chi phí cho việc lấy nước, tích trữ nước từ đó có nhiều thời gian hơn để đi làm; tiết kiệm chi phí do không phải xây (hoặc mua) bể / bồn chứa nước (tích nước).

Nhờ có thêm trường mầm non mà số trẻ em đến trường tăng lên hàng năm. Khoảng 50% các hộ cho biết có trường mầm non và tiểu học giúp con em họ đi học gần nhà, học bán trú tạo điều kiện cho hộ gia đình tiết kiệm được thời gian trông nom con và đưa con đi học, các em thích đi học hơn hơn và được tiếp cận điều kiện giáo dục tốt hơn.

Song song với việc xây mới và nâng cấp CSHT cấp thôn/bản, xã và huyện, Dự án cũng đã phân bổ một lượng ngân sách nhỏ cho các hoạt động vận hành và bảo trì các công trình công trên địa bàn cũng như các công trình sử dụng vốn của dự án.

Đến thời điểm báo cáo, 4.100 nhóm LEG phát triển sinh kế bền vững đã được thành lập và nhận hỗ trợ của Dự án với sự tham gia của các thành viên gần 59.000 hộ gia đình. Trong đó chủ yếu là các nhóm LEG đa dạng hóa sinh kế (chiếm 69,02% tổng số) và ANLT&DD (chiếm 29,95% tổng số). Nhóm LEG LKTT chỉ chiếm 1,03% tổng số. Điểm cần nhấn mạnh là các hộ tham gia và hưởng lợi từ các TDA sinh kế là người nghèo, cận nghèo và/hoặc dân tộc thiểu số. Đánh giá ban đầu cho thấy 48,50% số hộ tham gia nhóm LEG được hỏi cho biết sau khi trừ đi các chi phí họ đã ít nhiều thu được lợi nhuận từ 15 – 20%.

Chiếm tỷ trọng cao nhất trong các nhóm chăn nuôi của toàn dự án là các nhóm LEG chăn nuôi heo, với 981 nhóm chăn nuôi heo, trong đó khoảng 70% là nhóm nuôi heo thịt và 30% nhóm heo sinh sản. Mỗi nhóm LEG nuôi heo quy mô 14-15 thành viên, được đầu tư con giống, thức ăn ban đầu với giá trị đầu tư trung bình / nhóm là khoảng 120 triệu đồng.

Kết thúc lứa nuôi đầu tiên được dự án hỗ trợ, nhóm LEG đã thành công với kết quả chăn nuôi (thể hiện bằng giá trị heo con, heo thịt) với giá trị quy ra tiền là từ 150 -200 triệu đồng. Đây là cơ sở khá chắc chắn để thành viên nhóm LEG có thể đầu tư tái đàn và có tiền thu nhập từ bán heo.

Sau chăn nuôi heo, toàn dự án có 865 nhóm LEG chăn nuôi dê. Mỗi nhóm LEG nuôi dê có quy mô trung bình 14 thành viên. Trong số các hoạt động sinh kế mà Dự án hỗ trợ, các nhóm LEG nuôi dê được đánh giá là nhóm có kết quả chăn nuôi tốt nhất và mức độ duy trì và nhân đàn cũng tốt nhất: 95% số nhóm duy trì với quy mô tăng đàn tốt, từ mức ban đầu 2 con/hộ thành viên khi bắt đầu hoạt động vào năm 2016 đến thời điểm cuối năm 2019 đã có trung bình mỗi hộ 8 con.

NGỌC DIỆP

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh-quoc-te/142-nghin-ho-gia-dinh-huong-loi-tu-du-an-giam-ngheo-cua-wb-va-bo-ke-hoach-va-dau-tu-3531246.html