15 năm chưa có hồi kết vụ đòi lại đất đã mua của anh trai

Hơn 10 năm qua, báo PL&XH đồng hành cùng độc giả Đặng Thành Vinh, Ngô Thị Kim Oanh, trú tại phường Ba Hàng, thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên, trong vụ việc của vợ chồng bà với người anh trai.

Đằng đẵng theo kiện...

Như báo PL&XH đã thông tin, cũng chính vì tin tưởng anh trai, ông Ngô Xuân Hồng, SN 1955, trú tại xã Đắc Sơn, thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên, bà Oanh và chồng (ông Vinh) đã giao tiền để mua 2 lô đất mà không viết giấy biên nhận. Nhưng sau này, khi đất trở lên có giá thì ông Hồng “quay ngoắt”. Như lời bà Oanh, đó là lô đất số 10, 13, 200m2 thuộc thửa 606 cánh đồng Cống Đôi, xã Đắc Sơn, của ông Hồng và vợ chồng bà đã trả 22 triệu đồng.

Đất này vốn của ông Ngô Văn Chức, bà Phạm Thị Hòa chuyển nhượng lại cho ông Hồng. Viêc mua bán thành, ông Hồng đã giao toàn bộ giấy tờ liên quan đến 2 lô đất cho bà Oanh. Bà Oanh, ông Vinh đề nghị anh trai viết giấy biên nhận nhưng ông Hồng cho hay, không lẽ là anh em ruột thịt lại lật lọng. Năm 1995, cán bộ địa chính huyện Phổ Yên và xã Đắc Sơn xuống giao đất tại thực địa, ông Hồng đã mời vợ chồng bà Oanh ra nhận 2 lô đất.

Vậy nhưng, tháng 11-2002, ông Hồng tự ý xây nhà và tường bao trên 2 lô đất này. Thế nên, vợ chồng em gái mới phải kiện anh trai đòi lại đất. Vụ án kéo dài hơn 10 năm với nhiều phiên tòa. Đáng chú ý, quá trình tố tụng, nguyên đơn cung cấp cho tòa cuốn băng ghi âm với nội dung chứng minh việc chuyển nhượng đất giữa vợ chồng bà Oanh và ông Hồng là có thật.

Phiên tòa sơ thẩm ngày 23-11-2018, TAND thị xã Phổ Yên tuyên bác yêu cầu khởi kiện của ông Đặng Thành Vinh với ông Hồng và vợ (bà Dương Thị Minh) về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và không xem xét, giải quyết yêu cầu đề nghị bồi thường thiệt hại theo vụ kiện.

Không đồng tình với phán quyết này, ông Vinh kháng cáo toàn bộ bản án. Nguyên đơn cho rằng, việc thu thập chứng cứ và chứng minh trong giai đoạn sơ thẩm của TAND thị xã Phổ Yên không đúng, không đầy đủ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn.

Ngày 20-5-2019, HĐXX phúc thẩm của TAND tỉnh Thái Nguyên đã xem xét lại vụ án. Trình bày tại tòa, bà Oanh nói, vì là anh em nên hai bên chưa làm thủ tục sang tên mua bán, chỉ hợp đồng bằng miệng với giá 22 triệu đồng. Bà đã trả tiền lần 1 trả tại nhà ông Hồng 18 triệu đồng với sự có mặt của vợ chồng 2 bên. Lần 2, trước ngày cấp đất 1 ngày, ông Hồng ra nhà và bà trả 2 triệu đồng. Ngày nhận đất ở hiện trường, gia đình có làm cơm và bà Oanh trả nốt 2 triệu đồng (có ông Nhượng làm chứng).

TAND tỉnh Thái Nguyên - nơi xét xử phúc thẩm vụ án. (Ảnh: C.Phương)

TAND tỉnh Thái Nguyên - nơi xét xử phúc thẩm vụ án. (Ảnh: C.Phương)

Nhiều vi phạm thủ tục tố tụng!

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn, vị luật sư nêu, tòa sơ thẩm đã vi phạm về tố tụng và hòa giải tình cảm không báo cho đương sự biết, không sử dụng kết quả giám định của nguyên đơn dẫn tới việc ra bản án thiếu khách quan nên đề nghị hủy bản án sơ thẩm. Theo luật sư, quá trình tham gia tố tụng, ông Hồng và bà Minh đều thừa nhận tiếng nói của họ trong 2 băng ghi âm.

Cụ thể, tại biên bản làm việc ngày 4-4-2008 tại TAND tỉnh Thái Nguyên, ông Hồng thừa nhận, giọng nói của mình trong đó có câu: “Có cầm 16.500.000 đồng” là của mình. Bà Minh cũng nhận giọng nói của bà trong đó. Tại đơn đề nghị, ông Hồng, bà Minh cùng xác nhận có tiếng nói của hai vợ chồng ở cuốn băng ghi âm mà ông Vinh đã cung cấp cho tòa và không cần thiết phải đến tòa thu âm tiếng nói của ông Hồng, bà Minh.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, đây là tình tiết, sự kiện không phải chứng minh. Tuy nhiên, tại Bản án dân sự sơ thẩm của TAND huyện Phổ Yên lại kết luận: “Đoạn băng có ký hiệu tên Hồng - Mặt A với thời lượng 26 phút 21 giây đã được chuyển hóa thành văn bản của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an từ bút lục 571-571 không thể hiện giọng nói của người có tên Hồng, Nữ và Vinh được ghi âm vào thời gian nào, không khẳng định được giọng nói của người có tên Hồng, Nữ trong đoạn băng ghi âm có phải là của ông Ngô Xuân Hồng và bà Dương Thị Minh là bị đơn trong vụ án hay không.

Giọng nói của người có tên là Hồng: “Tất cả là chú đưa tao tổng số là 16,5 triệu đồng nhưng thiếu 1.500.000 đồng không thể hiện được đó là tiền giao dịch mua bán với nội dung gì”. Luật sư cho rằng, tòa án sơ thẩm đánh giá chứng cứ và đưa ra kết luận như vậy là không chính xác, thiếu khách quan, không phù hợp với sự thật khách quan của vụ án, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của nguyên đơn.

Sau khi hỏi và nghe các bên trình bày, đại diện VKSND phát biểu tại phiên tòa phúc thẩm rằng, quá trình giải quyết tòa án cấp phúc thẩm thực hiện đúng và đủ theo Luật tố tụng Dân sự. Xét đơn kháng cáo của nguyên đơn thấy rằng, vụ án đã bị hủy và xét xử sơ thẩm lần 3. Quá trình giải quyết vụ án ở tòa án sơ thẩm có đối chất nhưng ông Chức, bà Hòa không tham gia. Băng ghi âm là chứng cứ cho việc giao kết chuyển quyền sử dụng đất nhưng ông Hồng cho rằng, băng ghi âm không rõ ràng, tuy nhiên quá trình giải quyết tòa án sơ thẩm không tiến hành làm rõ nội dung này, ông Hồng có cầm 16,5 triệu đồng hay không, tiền đó là tiền gì? TAND thị xã Phổ Yên cũng chưa làm rõ lô đất ông Hồng bà Minh đang ở có phải là lô đất tranh chấp hay không hay là lô đất của người khác. Nếu có người khác phải đưa vào vụ án.

Vụ án khởi kiện từ năm 2002 và hủy đến 2008 thì sơ thẩm lại, TAND thị xã Phổ Yên chưa tiến hành theo thủ tục tố tụng chưa tiến hành hòa giải. Chính vì thiếu sót nêu trên đã ảnh hưởng đến quy trình tố tụng và ảnh hưởng đến quyền và lợi ích nguyên đơn. Do đó, VKSND đề nghị hủy bản án sơ thẩm, chấp nhận kháng cáo nguyên đơn xem xét lại vụ án.

Từ đó, HĐXX phúc thẩm của TAND tỉnh Thái Nguyên nhận định, các chứng cứ chưa đầy đủ chưa xác minh được rõ lai lịch đất tranh chấp nhưng tòa sơ thẩm đã tuyên. HĐXX phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của ông Vinh, hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm của TAND thị xã Phổ Yên, giao hồ sơ về TAND thị xã Phổ Yên xét xử sơ thẩm lại. Với phán quyết này, nguyên đơn hy vọng vụ án sẽ được xét xử khách quan, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình và để kết thúc hơn 15 năm tố tụng kéo dài.

Hoa Đỗ - Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/15-nam-chua-co-hoi-ket-vu-doi-lai-dat-da-mua-cua-anh-trai-149682.html