152 dự án tham gia Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2023 - 2024

Sáng 12/1, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức khai mạc Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2023 - 2024. Cuộc thi là cơ hội để học sinh trung học trình bày những nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống, đồng thời, rèn luyện năng lực nghề nghiệp và tiềm năng khởi nghiệp trong tương lai.

Quang cảnh Lễ Khai mạc Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2023 - 2024

Dự khai mạc có đồng chí Nguyễn Minh Thuận, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi; đại diện một số sở, ban, ngành; lãnh đạo các trường học trên địa bàn tỉnh và gần 400 thầy, cô giáo cùng học sinh tham gia.

Đồng chí Nguyễn Minh Thuận, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi phát biểu khai mạc.

Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2023 - 2024 được tổ chức nhằm thực hiện giáo dục tích hợp khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) trong các cơ sở giáo dục trung học theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư.

139 dự án được trưng bày, giới thiệu tại Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2023 - 2024

Cuộc thi năm nay có 152 dự án tham gia, sau vòng sơ khảo đầu tiên, ban giám khảo đã lựa chọn ra 139 dự án (55 dự án của học sinh cấp THCS và 84 dự án của học sinh cấp THPT) thuộc 4 nhóm lĩnh vực để trưng bày tại Nhà đa năng Trường THCS Lê Quý Đôn.

4 nhóm lĩnh vực bao gồm:
1. Khoa học xã hội, hành vi.
2. Kỹ thuật cơ khí.
3. Khoa học động vật; Hóa sinh; Y sinh và khoa học sức khỏe; Kỹ thuật Y sinh; Sinh học tế bào và phân tử; Hóa học; Sinh học trên máy tính và Sinh - Tin; Khoa học trái đất và môi trường; Năng lượng hóa học; Vi sinh; Khoa học thực vật; Y học chuyển dịch; Kỹ thuật môi trường.
4. Hệ thống nhúng; Khoa học vật liệu; Toán học; Vật lí và Thiên văn; Rô bốt và máy thông minh; Phần mềm hệ thống; Năng lượng Vật lý.

4 nhóm giám khảo thuộc 4 nhóm lĩnh vực trao đổi, hội ý trước khi chấm điểm, đánh giá các dự án.

Cuộc thi được tổ chức với phương châm đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất năng lực của học sinh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục; góp phần thực hiện giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh; sớm phát hiện, bồi dưỡng tạo nguồn đào tạo cán bộ khoa học cho tỉnh, cho đất nước.

Học sinh chuẩn bị phần trình bày, thuyết trình các dự án khoa học, kỹ thuật.

Đến với cuộc thi, các em sẽ phát huy được năng lực bản thân, tự học, phát triển các kỹ năng giao tiếp và phối hợp với thầy cô bạn bè trong việc hợp tác, làm việc nhóm và các năng lực đặc thù riêng như tính toán, khoa học để thực hiện được ý tưởng bản thân và xây dựng tác phẩm của mình.

Sau lễ khai mạc, Ban giám khảo tiến hành chấm điểm, đánh giá, phân loại và lựa chọn các dự án có chất lượng, triển vọng nhất để tham gia dự thi cấp quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức trong năm 2024.

Học sinh thuyết trình, trình bày, giới thiệu các dự án khoa học, kỹ thuật với ban giám khảo.

Không chỉ có các dự án khoa học, kỹ thuật có thể áp dụng được vào thực tiễn cuộc sống, các em còn mang đến cho cuộc thi không khí đậm chất văn hóa địa phương.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/152-du-an-tham-gia-cuoc-thi-khoa-hoc-ky-thuat-danh-cho-hoc-sinh-trung-hoc-nam-hoc-2023-2024-post378435.html