16 cá nhân bị bắt giữ để điều tra vụ nổ ở Beirut

Giới chức Liban ngày 6/8 đã bắt giữ 16 cá nhân để điều tra vụ nổ nhà kho ở cảng Beirut, The Independent dẫn nguồn Hãng thông tấn quốc gia Liban (NNA) đưa tin.

 Quang cảnh tan hoang sau vụ nổ tại cảng ở thủ đô Beirut, Liban hôm 4/8

Quang cảnh tan hoang sau vụ nổ tại cảng ở thủ đô Beirut, Liban hôm 4/8

Thẩm phán Fadi Akiki - một đại diện chính phủ tại tòa án quân sự, cho biết giới chức Liban cho đến nay đã thẩm vấn hơn 18 quan chức hải quan và phụ trách cảng Beirut chịu trách nhiệm hoặc có liên quan tới công tác bảo trì nhà kho chứa vật liệu nguy cơ cháy nổ cao.

“16 người đã bị bắt giữ như một phần của công tác điều tra” NNA dẫn lời ông Akiki cho biết. Trong khi đó, truyền thông địa phương đưa tin tỏng giám đốc của cảng Beirut cũng nằm trong số những cá nhân bị bắt giữ.

Vụ nổ tại Beirut hôm 4/8 đã làm ít nhất 145 người thiệt mạng và làm bị thương khoảng 5.000 người khác, trong khi hàng chục người vẫn mất tích. Vụ nổ cũng khiến khoảng 300.000 người mất nhà cửa. Thiệt hại do vụ nổ gây ra ước tính khoảng 3 tỷ USD.

Tổng thống Liban Michel Aoun cho rằng, nguyên nhân dẫn đến vụ nổ là do 2.750 tấn amoni nitrat được cất giữ trong kho cảng không đảm bảo an toàn kể từ khi nó bị tịch thu từ một tàu chở hàng bị tạm giữ vào năm 2013.

Trong một diễn biến khác, cùng ngày 6/8, Ngân hàng Trung ương Liban đã quyết định đóng băng tài khoản của những người đứng đầu cảng Beirut và quan chức hải quan Liban cùng 5 người khác, Reuters đưa tin.

Chỉ thị ngày 6/8 của Ủy ban điều tra đặc biệt của ngân hàng trung ương về rửa tiền và chống khủng bố cho biết quyết định này sẽ được chuyển tới tất cả các ngân hàng và tổ chức tài chính ở Liban, công tố viên tòa phúc thẩm và người đứng đầu cơ quan ngân hàng.

Theo chỉ thị, việc đóng băng tài khoản ngân hàng sẽ được áp dụng đối với các tài khoản có liên kết trực tiếp hoặc gián tiếp với Tổng giám đốc Cảng Beirut Hassan Koraytem, Tổng giám đốc Hải quan Liban Badri Daher và 5 người khác, trong đó có cả các cựu quan chức cảng và hải quan.

Trong khi đó, truyền thông địa phương cho biết, công tố viên Ghassan Oueidat đã phát lệnh cấm đi lại đối với 7 cá nhân khác.

Ở một diễn biến khác liên quan, cảnh sát Cộng hòa Síp đã thẩm vấn một người đàn ông Nga bị coi là chủ sở hữu của con tàu chở lô hàng hóa chất amoni nitrat bị bỏ lại ở thủ đô Beirut của Liban và đã gây ra vụ nổ kinh hoàng vừa qua.

Theo một nguồn tin giấu tên, người đàn ông nói trên là doanh nhân người Nga, Igor Grechushkin, 43 tuổi. Tuy nhiên, các nỗ lực liên lạc với Grechushkin đều không thành công.

Cùng ngày 6/8, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã kêu gọi các quan chức Liban vượt qua những bế tắc hiện nay và đẩy mạnh thực thi cải cách sau khi một vụ nổ khủng khiếp đã tàn phá thủ đô Beirut và gây thiệt hại lớn cho đất nước.

Kể từ tháng 5/2020, IMF đã đàm phán với Chính phủ Liban về những giải pháp cần thiết để đưa đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã rơi vào bế tắc. Ngay sau khi thảm họa xảy ra tại Beirut, IMF đã đề nghị nhà chức trách Liban đưa ra “chương trình có ý nghĩa để xoay chuyển nền kinh tế”.

Sau khi Liban vỡ nợ lần đầu tiên vào tháng 3/2020, chính phủ đã buộc phải cam kết thực hiện các cải cách và bắt đầu đàm phán với IMF (tháng 5/2020) để có thể nhận được hàng tỷ USD viện trợ. Sau 17 phiên họp, đàm phán với IMF đã bị đình trệ từ tháng 7/2020, khi các quan chức Liban không đồng ý với các giải pháp thắt chặt tài chính và cải cách mà IMF áp đặt.

Nhật Minh

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/the-gioi/tin-nhanh/16-ca-nhan-bi-bat-giu-de-dieu-tra-vu-no-o-beirut-354288.html