16 năm- Những kỳ tích huyền thoại

16 năm (từ 1959- 1975), đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh đã làm tròn sứ mệnh lịch sử, là khúc ruột, là huyết mạch nối liền hậu phương miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Đã có vô vàn những kỳ tích huyền thoại được tạo dựng nên trên cung đường chiến lược này.

Từ Khe Hó…

Tháng 6 năm 1959, những người lính Đoàn 559 bắt đầu vượt sông Bến Hải và phân bố các đơn vị vào các binh trạm. Đoàn 559 đã chọn Khe Hó, nằm dưới chân núi Động Nóc, gần thượng nguồn sông Rào Thanh, nằm ở phía Tây Nam huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị là địa điểm xuất phát đầu tiên của tuyến đường lịch sử tiến vào Trường Sơn. Đây cũng chính là nơi được chọn làm vị trí Km 0 của đường Trường Sơn lịch sử.

Khe Hó được chọn là kết quả của cuộc khảo sát địa hình rất kỹ lưỡng của Đoàn trưởng Đoàn 559 - Thượng tá Võ Bẩm. Ông còn có tới 3 ngày bàn bạc với Bí thư đặc khu Vĩnh Linh Hồ Sĩ Thản trước khi đi đến quyết định chọn Khe Hó. Khe Hó được lựa chọn bởi nằm giữa thung lũng hẹp, dân cư ở đây thưa thớt, chủ yếu là người dân tộc Pacô, Vân Kiều. Vị trí này bảo đảm được nguyên tắc tuyệt đối bí mật khi mở đường.

Lực lượng Giải phóng vận chuyển đồ tiếp tế qua một dốc đá trong rừng rậm trên tuyến Đường mòn Hồ Chí Minh, tháng 8/1969. Ảnh: Getty.

Tuy nhiên, cũng chính bởi việc nằm sâu trong dãy Trường Sơn hùng vĩ nên việc khai thông đường gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là tìm ra những điểm vượt Đường 9 một cách thuận lợi nhất và an toàn nhất là một bài toán khó đối với đoàn khảo sát mở đường. Bởi vì thời gian này, Mỹ – Ngụy bố trí một hệ thống đồn bốt dày đặc ở Nam vĩ tuyến 17.

Dù vậy, với quyết tâm sắt đá, chỉ trong một thời gian ngắn, căn cứ sơ đồ khảo sát, Đoàn 559 quyết định mở tuyến hành lang bắt đầu từ Khe Hó phát triển về hướng Tây Nam qua làng Mít (Vĩnh Linh) vượt đỉnh 1001, 1600, sông Rào Thanh, qua đỉnh 1701 (động Voi Mẹp), Chăng Hin, động Cà Lư, Cát Sứ, Rào Quán, vượt Đường 9 qua đá Bàn vào Tà Riệp. Điểm đặt trạm cuối cùng là Pa Lin (Tây Nam Thừa Thiên Huế), kế cận trạm tiếp nhận của Liên khu 5. Hoạt động của tuyến chủ yếu tiến hành vào ban đêm. Việc thống nhất ký hiệu, tín hiệu, mật khẩu liên lạc giữa các trạm, giữa Ban chỉ huy tiểu đoàn 301 với đại diện Liên khu 5, Trị – Thiên được hiệp đồng hết sức chặt chẽ. Lối vượt Đường 9 phải dự kiến nhiều phương án, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xảy ra. Tránh địch, bí mật với dân, ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng - tiếp tục là nguyên tắc tối thượng mà các cán bộ, chiến phải thuộc nằm lòng.

Ngày 13/8/1959, Tiểu đoàn 301 - đơn vị đầu tiên của Bộ đội Trường Sơn, với chuyến hàng đầu tiên gồm 40 khẩu súng trường, tiểu liên, 10 thùng đạn, một ít quân trang, quân dụng cần thiết xuất phát từ điểm đầu Khe Hó, sau 8 ngày đêm gian khổ đã vào đến Tà Riệp - Bắc A Lưới bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn. Chuyến hàng đầu tiên tuy số lượng không nhiều nhưng đó vừa là món quà vô giá với các chiến sĩ Liên khu 5 vừa là sự ghi nhận đầu tiên cho những nỗ lực không mệt mỏi, không ngại gian khổ hy sinh của các chiến sĩ làm nhiệm vụ buổi đầu trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.

Thành công của chuyến hàng đầu tiên như tiếp thêm nguồn sinh lực, thôi thúc các cán bộ, chiến sĩ đoàn 559 đẩy nhanh tốc độ vận chuyển. Đến hết tháng 8/1959, Đoàn đã vận chuyển giao cho Liên khu 5 và Trị – Thiên được 100 khẩu tiểu liên, súng trường, hơn 60 khẩu súng trung liên cùng một số lớn đạn và quân dụng. Đến cuối năm 1959, tuyến hành lang giao liên vận tải quân sự Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh được thiết lập thật sự, là cầu nối giữa hậu phương lớn miền Bắc và tiền tuyến miền Nam.

Tròn 18 tháng, Đoàn vận tải quân sự chiến lược 559 đã giành được những thắng lợi bước đầu quan trọng trên con đường chiến lược Bắc - Nam. Từ những bước lặng lẽ soi lối mở đường đầu tiên, những người lính Trường Sơn đã thiết lập được tuyến hành lang giao liên vận tải quân sự dài hàng trăm ki-lô-mét trong điều kiện địa hình bị chia cắt và kẻ thù ngăn chặn quyết liệt. Theo những con đường ấy, một lượng lớn vũ khí, khí tài được chuyển giao cho lực lượng vũ trang Liên khu 5 và Tây Nguyên, hơn 2 nghìn cán bộ, chiến sỹ đã được đảm bảo hành quân vào các chiến trường.

Đến sự chuyển hướng mở đường chiến lược

Đầu năm 1960, Mỹ mở các chiến dịch, tiến hành đánh phá nhằm cắt đứt tuyến vận tải chiến lược của ta. Đứng trước tình hình nghiêm trọng đó, chỉ huy Đoàn 559 xác định không thể vận chuyển trên tuyến đường cũ mà phải mở một tuyến đường mới.

Được sự đồng ý của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, từ năm 1961, Đoàn 559 đã chuyển hướng “lật cánh” mở đường vận chuyển sang phía Tây Trường Sơn (Lào). Như vậy, việc mở đường sang phía Tây Trường Sơn cùng với việc củng cố đường cũ ở phía Đông Trường Sơn, ta đã phá được thế độc tuyến. Một sự chuyển hướng mang tính chiến lược nữa là trong phương thức vận chuyển: Từ phương thức đi bộ, gùi thồ sơ khai những năm đầu, việc vận chuyển hàng hóa trên tuyến đường chuyển sang cơ giới.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng “Dồn sức cho miền Nam, chuẩn bị phát triển phương thức vận tải cơ giới”, ngày 17/6/1964, Trung đoàn 98 công binh, thuộc Đoàn 559 nhận lá cờ mang 4 chữ: “Mở đường thống nhất” hành quân đi mở đường cơ giới ở Trường Sơn. Ngày 9/8/1964, Trung đoàn 98 chính thức “bổ nhát cuốc” đầu tiên xây dựng tuyến đường từ sông Sê Pôn đi sông Bạc. Đường Trường Sơn ngày càng được nối dài.

Đến năm 1967, vận tải cơ giới kết hợp với hợp đồng binh chủng, hình thành thế trận chi viện chủ động, vừa chi viện vừa đánh lui địch. Với chiến thắng đường 9 Nam Lào 1971 và “Điện Biên Phủ trên không” 1972, bộ đội ta hoàn toàn giành được thế chủ động trên tuyến đường - chiến trường Trường Sơn.

Sự phát triển của tuyến đường trong cuộc chiến tranh giải phóng đã trở thành nỗi khiếp sợ của Mỹ, Ngụy, đến nỗi các chuyên gia quân sự Mỹ đã phải gọi đây là “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”.

Các nữ dân công gánh đồ tiếp tế vào miền Nam trên Đường mòn Hồ Chí Minh, một buổi đêm năm 1968. Ảnh: Getty.

Nổi bật là hệ thống đường giao liên. Từ 52 trạm ban đầu, lên tới 67 trạm vào năm 1966, 76 trạm vào năm 1970 và 15 trạm cơ giới năm 1972. Từ năm 1973 đến 1975, bỏ hẳn giao liên bộ, thay thế bằng các Trung đoàn giao liên cơ giới.

Không chỉ có vậy, rầm rập trên đường Trường Sơn suốt 16 năm kháng chiến là lực lượng giao liên, thanh niên xung phong, công binh mở đường. Lực lượng phòng không, thông tin, bảo vệ có khả năng hiệp đồng chiến đấu đảm bảo tuyến đường vận tải thông suốt, bất chấp cuộc chiến tranh ngăn chặn ngày càng ác liệt của không quân Mỹ.

Thông tin liên lạc trên toàn tuyến lúc phát triển cao nhất lên tới 1.600km đường dây, giúp nối thông giữa tổng hành dinh chỉ huy tới các chiến dịch. Đường giao liên bộ dài hơn 3.000km, xuất phát từ Bãi Hà (Quảng Trị) đến Đông Nam bộ. Đường ống dẫn xăng dầu dài gần 1.400km, được xây dựng vào tháng 6/1968 từ Khe Hó đến Lộc Ninh, gồm 46 kho với sức chứa 17.050 tấn, 113 trạm bơm đẩy và cấp phát.

Đến những năm cuối cùng của cuộc chiến, đường Trường Sơn đã phát triển hoàn thiện, tuyến đường vận tải thông suốt, dòng người, dòng xe không ngừng tiến ra mặt trận, chi viện đắc lực cho chiến trường miền Nam, góp phần đẩy nhanh việc thống nhất nước nhà.

Sau 16 năm xây dựng, tổng kết lại tuyến đường có 5 trục dọc, 21 trục ngang như một trận đồ phủ kín dãy Trường Sơn, cả sườn Đông lẫn sườn Tây. Tổng chiều dài toàn tuyến lên tới 20.000km, xuyên Bắc - Nam, xuyên 3 nước Đông Dương, vươn tới tất cả các chiến trường. Hệ thống hậu cần đường Trường Sơn đã chuyển được hơn một triệu tấn hàng, vũ khí vào cho các chiến trường, bảo đảm chỉ huy hành quân cho hơn 2 triệu lượt người vào chiến trường hoặc từ chiến trường ra Bắc; vận chuyển cơ động 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, hộ tống 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật...

Nhiều chuyên gia quân sự Mỹ sau này bình luận, sở dĩ Mỹ thất bại ở Việt Nam là do không ngăn chặn được tuyến chi viện từ miền Bắc.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Macnamara sau này từng không nén nổi sự chua chát khi thốt lên: “Mọi người vẫn thấy một khối lượng lớn người và của vẫn tuôn chảy từ miền Bắc vào miền Nam, thế nhưng không thể làm thế nào ngăn chặn được nó”.

Những kỳ tích đã đưa đường Trường Sơn vào huyền thoại nhưng cũng để lại những mất mát khó có thể bù đắp. Suốt 16 năm, chiến trường Trường Sơn hứng chịu hơn 4 triệu tấn bom mìn đủ loại. 22.000 chiến sĩ đã ngã xuống tại đây, 30.000 người nhiễm chất độc da cam…

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/16-nam-nhung-ky-tich-huyen-thoai-post60861.html