17 bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn làm nguồn phát triển thành án lệ

Tiếp tục triển khai công tác phát triển án lệ năm 2019, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TAND tối cao đã rà soát, phát hiện được 17 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật để đề xuất lựa chọn làm nguồn phát triển thành án lệ.

Ngày 9-12, trong khuôn khổ Chương trình Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EU JULE) do Liên minh châu Âu và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đồng tài trợ, Tòa án Nhân dân Tối cao đã tổ chức Hội thảo “Lấy ý kiến góp ý đối với các dự thảo án lệ và dự thảo báo cáo nghiên cứu về phát triển án lệ tại Việt Nam”.

Hội thảo là hoạt động thuộc Chương trình Tăng cường Pháp luật và Tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) - do Liên minh Châu Âu tài trợ với sự đóng góp tài chính từ UNDP và UNICEF, thực hiện với sự phối hợp của Bộ Tư pháp Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, cùng với việc đổi mới quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ theo Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP, ngày 22-8-2019 vừa qua, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã thông qua 03 án lệ theo thủ tục rút gọn, nâng tổng số án lệ được công bố lên 29 án lệ.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại hội thảo

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại hội thảo

“Mặc dù số lượng án lệ được công bố chưa nhiều nhưng các án lệ được công bố đã nhận được sự đón nhận tích cực từ phía dư luận xã hội, giới luật sư, các chuyên gia, nhà khoa học và đặc biệt là các Thẩm phán trực tiếp làm công tác xét xử.

Đến nay, đã có hơn 600 bản án, quyết định của Tòa án viện dẫn, áp dụng án lệ. Với kết quả trên, có thể nói án lệ đã thực sự đi vào thực tiễn đời sống pháp lý của đất nước, góp phần bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, nâng cao chất lượng xét xử của các Tòa án”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.

Tiếp tục triển khai công tác phát triển án lệ năm 2019, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TAND tối cao đã rà soát, phát hiện được 17 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật để đề xuất lựa chọn làm nguồn phát triển thành án lệ.

Thực tiễn xét xử cho thấy những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý tương tự như tình tiết, sự kiện pháp lý trong án lệ đã được các Thẩm phán giải quyết theo đúng đường lối xét xử mà án lệ đưa ra. Nhìn chung, các bản án, quyết định có viện dẫn án lệ đã nêu được số án lệ; số bản án, quyết định có chứa đựng án lệ; phân tích, làm rõ tình huống pháp lý của vụ việc đang được giải quyết, tình huống pháp lý và giải pháp pháp lý trong án lệ làm căn cứ để đưa ra quyết định áp dụng án lệ.

Trình bày tóm tắt về Báo cáo nghiên cứu về phát triển án lệ tại Việt Nam, TS. Nguyễn Sơn - Nguyên Phó Chánh án TAND tối cao, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, theo quy định thì cá nhân, cơ quan, tổ chức, không phân biệt trong hay ngoài Tòa án, trực tiếp làm công tác pháp luật hay không làm công tác pháp luật,…đều có thể gửi đề xuất bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cho TAND tối cao để xem xét, phát triển thành án lệ.

Tuy nhiên, thực tiễn chỉ có một số ít các Tòa án, đơn vị gửi đề xuất. Số lượng các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn gửi bản án, quyết định để đề xuất phát triển án lệ còn rất hạn chế; đặc biệt là giới Luật sư rất quan tâm nghiên cứu án lệ nhưng chưa thực sự tham gia vào công tác đề xuất án lệ.Tính đến nay, 29 án lệ do TAND tối cao ban hành tương đối đa dạng về lĩnh vực, bao gồm lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hình sự, hành chính, tố tụng.

Các chuyên gia pháp lý bàn về phát triển án lệ

Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng pháp luật, thực tiễn xét xử và công tác lựa chọn án lệ của Tòa án, Nhóm nghiên cứu đề xuất trong lĩnh vực hình sự, cần nghiên cứu, phát triển án lệ về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự mà các Thẩm phán còn hiểu chưa thống nhất như phạm tội có tính chất côn đồ, phạm tội vì động cơ đê hèn; vấn đề pháp lý trong các tội phạm về ma túy, tội phạm về kinh tế, tội phạm về môi trường; quy định về xử lý vật chứng,…

Trong lĩnh vực dân sự, cần đề xuất nghiên cứu, phát triển án lệ đối với các vấn đề pháp lý về giao dịch giữa cha, mẹ và con chưa thành niên, về di chúc chung của vợ chồng, về tài sản hình thành trong tương lai, về quyền tài sản, về chi phí hợp lý, thời hạn hợp lý, bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu,…

Còn trong lĩnh vực hành chính, tăng cường án lệ đối với các loại án liên quan đến các quyết định thu hồi đất, giải tỏa, bồi thường, tái định cư,…

Từ thực tiễn nêu trên, Nhóm nghiên cứu đề xuất hàng năm, các TAND cấp tỉnh, TAND cấp cao, các đơn vị thuộc TAND tối cao có liên quan phải đề xuất ít nhất 01 bản án, quyết định là nguồn để phát triển án lệ.

Đồng thời, trước mỗi đợt triển khai công tác phát triển án lệ, TAND tối cao có thể gửi văn bản thông báo tới Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam,… để các cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm có thể gửi các bản án, quyết định đáp ứng tiêu chí lựa chọn án lệ cho TAND tối cao xem xét, phát triển thành án lệ.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/17-ban-an-quyet-dinh-duoc-de-xuat-lua-chon-lam-nguon-phat-trien-thanh-an-le-172832.html