17 năm qua, một nhóm lợi ích đã luồn lách, cố tình không thực hiện Quyết định 115 của Thủ tướng Chính phủ

Qua các khuyến nghị của Quốc tế và các tổ chức trong nước về tác hại của Amiang trắng, ngày 1/8/2001, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định 115/QĐ/TTg về kế hoạch nghiên cứu và sản xuất vật liệu thay thế Amiang trong sản xuất tấm lợp, và từ năm 2004 không sử dụng vật liệu Amiang trong sản xuất tấm lợp.

95% tấm lợp Amiang được đẩy lên vùng dân tộc, miền núi

Theo ông Hoàng Xuân Lương – Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quyền con người vùng dân tộc, miền núi: “Điều đáng tiếc là suốt 17 năm qua, một nhóm lợi ích đã tìm mọi cách luồn lách, biện hộ, chây ì, cố tình không thực hiện quyết định 115 của Thủ tướng Chính phủ.”

Ông Hoàng Xuân Lương – Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quyền con người vùng dân tộc, miền núi

Ông Hoàng Xuân Lương – Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quyền con người vùng dân tộc, miền núi

Cũng theo ông Lương, nhóm lợi ích này vẫn đang tìm mọi cách kéo dài thời gian thực hiện việc loại bỏ hoàn toàn vật liệu Amiang, họ đã phớt lờ cảnh báo của Tổ chức y tế thế giới là hằng năm trên thế giới có 100.000 người chết, 1,5 triệu người bị các chứng bệnh nan y, trong đó 80% do Amiang gây ra.

“Một sự thật đau lòng hơn đó là 95% tấm lợp Amiang đều được đẩy lên vùng dân tộc, miền núi. Họ không hề biết chất thải từ tấm lợp Amiang khiến môi trường bị độc hại, hủy hoại dần sự sống của con người.” - Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Xuân Lương cho hay.

Được biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Tổ chức nghiên cứu ung thư Quốc tế (IARC) đã tập trung nhiều nhà khoa học nghiên cứu và nhiều Hội thảo Quốc tế để đi đến kết luận: “Amiang, kể cả Amiang trắng là chất gây ung thư, nhất là ung thư phổi, thanh quản, buồng trứng, ung thư trung biểu mô và bệnh bụi phổi Amiang, vì vậy phải ngừng sử dụng tất cả các dạng Amiang, đó là cách thức hiệu quả nhất để loại trừ các căn bệnh liên quan đến Amiang.”

Chấm dứt sản xuất tấm lợp Amiang từ năm 2023

Bà Hoàng Thị Lệ Hằng – Giám đốc Quốc gia, Tổ chức Nhân dân vì y tế, giáo dục và phát triển hải ngoại của Úc; Đại diện mạng lưới dừng sử dụng Amiang Việt Nam cho biết, trên thế giới, đã có 65 quốc gia ra lệnh cấm toàn bộ hoặc một phần và 56 quốc gia cấm hoàn toàn Amiang trong sản xuất.

Hội nghị thường niên 2018 mạng lưới dừng sử dụng Amiang Đông Nam Á

Cụ thể như Canada và Brazil, đây là hai nước sản xuất nhiều Amiang nhưng cũng đã ra tuyên bố dừng sử dụng vật liệu này từ năm 2018. Tòa án tối cao Brazil ngày 29/11/2017 đã ra tuyên bố sử dụng có kiểm soát Amiang trắng là vi hiến, và quyết định từ năm 2018 cấm sản xuất, thương mại và sử dụng Amiang trắng trên toàn lãnh thổ Brazil.

Bà Hằng cũng chia sẻ, trong suốt thời gian qua, nhờ sự vận động của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, Chính phủ Việt Nam đã có những bước tiến rất quan trọng trong việc dừng sử dụng Amiang. Đặc biệt, tại Hội nghị COP8 diễn ra tháng 5/2016 ở Geneve (Thụy sĩ), Chính phủ Việt Nam đã có quyết định đúng đắn khi đưa Amiang vào phụ lục III, là phụ lục hóa chất độc hại của Công ước Rotterdam.

Ngày 1/1/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, trong đó giao cho Bộ Xây dựng “Xây dựng lộ trình dừng sử dụng Amiang trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp Amiang từ năm 2023”.

Ông Đào Bá Sơn – Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An: “Quá trình triển khai thực hiện mô hình thí điểm “Cộng đồng nói không với Amiang trắng”, chúng tôi đã chọn những hộ gia đình gần Nhà máy sản xuất tấm lợp Fibro xi măng tại khối phố 3, phường Trung Đô (TP.Vinh), đây là khu vực có nhiều người chết vì bệnh ung thư phổi trong thời gian qua. Quá trình tháo dỡ, công nhân phải sử dụng máy, mặc áo quần bảo hộ và mặt nạ chống độc. Lúc tháo dỡ không để vỡ, tránh bụi Amiang bay vào không khí. Tuy nhiên, có một khó khăn đó là, chính quyền địa phương và thậm chí nhiều người dân chưa hiểu được sự độc hại của Amiang. Cùng đó, thói quen tận dụng khiến nhiều người sau khi tháo dỡ tấm lợp từ mái nhà đã tiếp tục sử dụng công trình phụ thậm chí làm cả hàng rào, đường đi. Vì vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các tác hại của Amiang đến sức khỏe con người.”

Thế Công

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thoi_su/17-nam-qua-mot-nhom-loi-ich-da-luon-lach-co-tinh-khong-thuc-hien-quyet-dinh-115-cua-thu-tuong-chinh-phu-363399.html