17 trận đánh độc đáo của bộ đội PK-KQ (kỳ 4)

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bộ đội Không quân Nhân dân Việt Nam lập nhiều chiến công xuất sắc bắn hạ các máy bay hiện đại của địch.

>> Kỳ 1: Đạn pháo đan lưới lửa
>> Kỳ 2: 'Mắt thần' canh giữ bầu trời
>> Kỳ 3: Rồng lửa SA-2 - Nỗi kinh hoàng của giặc trời

(ĐVO) Kỳ 3: "Én bạc" tiêu diệt "Con ma, Thần Sấm"

Sao Đỏ - Yên Thế cùng ghi công

Ngày 23/8/1967, trung đoàn không quân tiêm kích 921 và 923 lần đầu chiến đấu phối hợp giữa loại máy bay khác nhau, MiG-17 và MiG-21 giành thắng lợi bắn rơi 5 máy bay địch.

Nhận lệnh từ sở chỉ huy, lúc 14h58 phi công Nguyễn Nhật Chiêu (số 1) và Nguyễn Văn Cốc (số 2) thuộc trung đoàn 921 (Sao Đỏ) cất cánh từ Nội Bài bay về hướng Tuyên Quang.

Phát hiện địch số lượng 20 chiếc, cự ly 10-15km, ở tầm thích hợp phi công Nguyễn Nhật Chiêu ấn nút phóng tên lửa bắn hạ một F-4. Khi chuẩn bị thoát ly, ông tiếp tục thấy 8 máy bay địch. Cách 1.500m, âm lượng bắt mục tiêu của đầu tự dẫn tên lửa đạt lớn nhất, ông ấn nút phóng quả thứ hai đánh trúng chiếc số 2 của địch. Về gần tới sân bay, Nguyễn Nhật Chiêu lại thấy thêm 4 F-105 nhưng không có điều kiện công kích tiếp.

Bay số 2 – phi công Nguyễn Văn Cốc tăng tốc lên ngang số 1, cách địch 1.000m, ông ấn nút phóng tên lửa diệt thêm một F-4. Có thể nói, đây là lần đầu tiên biên đội MiG-21 vận dụng thành công chiến thuật “số 2 đồng thời công kích” đạt hiệu quả cao.

Phi công Nguyễn Nhật Chiêu (trái) và Nguyễn Văn Cốc (phải).

Cùng thời gian trong ngày 23/8, tại sân bay Sao Vàng – căn cứ trung đoàn tiêm kích 923 Yên Thế, biên đội 4 máy bay MiG-17 do các phi công Cao Thanh Tịnh (số 1) – Lê Văn Phong (số 2) – Nguyễn Văn Thọ (số 3) - Lê Hồng Điệp (số 4) cất cánh đánh địch.

Dưới sự dẫn đường của Sở chỉ huy, khi đang giảm độ cao, số 1 phát hiện tốp F-105, cự ly còn cách 300m ông xiết cò bắn hạ một F-105. Số 2 làm nhiệm vụ yểm hộ, bảo vệ cho số 1 công kích. Khi thấy 4 chiếc F-4 lao về phía mình, ở cự ly cho phép ông bắn hạ một F-4. Tuy nhiên, trên đường trở về sân bay, máy bay anh bị trúng đạn địch, anh đã anh dũng hi sinh.

Số 3 phát hiện địch ở khu vực đỉnh núi Tam Đảo, nhiều lần công kích nhưng không trúng mục tiêu. Số 4 làm nhiệm vụ yểm họ cho số 3 cho tới khi trận đánh kết thúc. Cả hai đã về hạ cánh an toàn.

1 chọi 36

Sáng ngày 3/1/1968, phát hiện máy bay địch vào đánh Hà Nội, cả hai trung đoàn 921 và 923 đồng loạt xuất kích tiêu diệt địch. Trong trận này, ta đã diệt hai chiếc F-105. Tuy nhiên, khi trở về sân bay một MiG-21 của trung đoàn 921 bị hỏng do hạ cánh ngoài đường băng. Vì thế lực lượng trực chiến chỉ còn đúng một chiếc.

15h chiều ngày 3/1/1968, địch tiếp tục huy động 36 chiếc máy bay gồm cường kích F-105 và tiêm kích F-4 hộ tống từ phía Yên Châu, Sơn La về hướng Hà Nội. Được phép của Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân và Bộ tư lệnh Không quân, trung đoàn quyết định cho chiếc MiG-21 duy nhất do phi công Hà Văn Chúc điều khiển xuất kích đánh địch.

Bay tới vùng trời Yên Châu, Sơn La, đồng chí phát hiện ba tốp địch bay phía trước, một tốp F-4 lướt qua trên đầu. Một tốp F-4 từ phía khác phát hiện ra máy bay ta liền lao tới đón đầu.

Sau nhiều lần được sĩ quan dẫn đường Nguyễn Văn Chuyên dẫn vào công kích địch, máy bay của Hà Văn Chúc và quân địch đã vượt qua quãng đường dài quần lượn, bám đuổi nhau về tới vùng trời Tam Đảo, phát hiện phía trước 8 chiếc F-105 đang dần khép vào đội hình, đồng chí lao xuống.

Đến cự ly có lợi, anh giữ máy bay ổn định và ấn nút phóng tên lửa vào một máy bay địch, F-105 bùng cháy. Đội hình địch rối loạn, tan vỡ ngay lập tức. Đặc biệt, tên giặc lái nhảy dù là Đại tá liên đội phó Không quân Mỹ tại Korat (Thái Lan) đồng thời cũng chỉ huy 35 chiếc còn lại.

Chiều hôm đó, bộ đội tên lửa còn bắn rơi thêm 2 máy bay địch nữa. Phi công Hà Văn Chúc đã ứng dụng có hiệu quả chiến thuật đánh nhanh, thọc sâu, bằng lực lượng rất nhỏ đánh vào đội hình lớn của địch. Điều này góp phần phát triển lên một bước mới về nghệ thuật tác chiến của Không quân Nhân dân Việt Nam.

Sao Đỏ - Lam Sơn sát cánh

Ngày 27/6/1972, lực lượng không quân ta lần đầu tiên đánh thử nghiệm thành công phương pháp chiến đấu hiệp đồng giữa các trung đoàn không quân tiêm kích khác nhau trên cùng một mặt trận, một hướng đạt hiệu suất chiến đấu cao.

Nhận báo cáo phát hiện có hai phi công Mỹ nhảy dù tại khu vực Mộc Châu, đồng thời theo dõi trên bản tiêu đồ thấy xuất hiện máy bay địch bay về hướng Mộc Châu. Sở chỉ huy binh chủng không quân nhận định: lực lượng vào tìm cứu phi công Mỹ nhảy dù và ra lệnh đánh theo phương án đã định.

11h49 từ sân bay Nội Bài (trung đoàn 921 Sao Đỏ), biên đội Phạm Phú Thái – Bùi Thanh Liêm cất cánh. Tới 11h53, từ sân bay Kép (trung đoàn 927 Lam Sơn), biên đội Nguyễn Đức Soát – Ngô Duy Thư cất cánh.

Cả hai biên đội được dẫn vào Mộc Châu tạo thành hai mũi phát hiện và công kích tiêu diệt địch. Biên đội Soát – Thư liên tục được sở chỉ huy thông báo địch, thực hiện phương pháp đồng thời công kích. Nguyễn Đức Soát (số 1) tiếp cận mục tiêu, đường ngắm ổn định, ấn nút phóng liên tiếp 2 quả tên lửa đánh trúng chiếc F-4. Đồng thời, khi số 1 công kích, Ngô Duy Thư (số 2) tiếp cận và bắn tên lửa diệt thêm một F-4.

Cùng thời gian, Phạm Phú Thái (số 1) – Bùi Thanh Liêm (số 2) được mặt đất dẫn tới khu vực Nghĩa Lộ - Vạn yên. Ở độ cao 3.000m, điểm ngắm ổn định, số 1 phóng tên lửa diệt một F-4, tiếp đến số 2 phóng một quả tên lửa diệt chiếc F-4 còn lại.

Trận đánh kết thúc thắng lợi, công tác tổ chức chỉ huy cũng như phi công đầy sáng tạo, mưu trí. Cả 4 phi công bắn rơi 4 máy bay F-4 của địch và về hạ cánh an toàn.

Chui vào “điểm chết”

Ngày 5/7/1972, nhận lệnh từ cấp trên, biên đội MiG-21 do Nguyễn Tiến Sâm – Hạ Vĩnh Thành trực tại sân bay Nội Bài cất cánh đánh địch bảo vệ đường số 1, tuyến giao thông huyết mạch đưa hàng viện trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa vào nước ta.

Sau 22 phút, từ lúc cất cánh tới lúc trở về sân bay hạ cánh an toàn, biên đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cản phá thành công, phá vỡ đội hình địch, bắn rơi 2 chiếc F-4 ở khu vực Thái Nguyên.

Biên đội tiêm kích MiG-21 xuất kích.

Đặc biệt, trong trận đánh phi công Nguyễn Tiến Sâm sau khi bắn trúng một chiếc F-4, do anh bay quá gần nên cả chiếc MiG-21 đã lao vào điểm nổ của máy bay địch. Thiếu oxy làm động cơ tắt máy, anh bình tĩnh xử lý mở máy trên không và trở về sân bay an toàn trong niềm vui sướng của đồng đội. Chiếc MiG-21 bị ám khói đen toàn bộ do chui qua điểm nổ máy bay địch.

Lấy máy bay địch đánh địch

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, bộ đội không quân cũng tham gia chiến đấu với trận đánh ngày 28/4 oanh tạc sân bay Tân Sơn Nhất phá hủy nhiều máy bay ngụy quân.

Điểm đặc biệt trong chiến công này, không quân ta đã dùng máy bay chiến lợi phẩm A-37 thu giữ được từ những sân bay ở các tỉnh đã giải phóng để đánh địch. Phi đội đặc biệt này lấy tên "phi đội quyết thắng" với 6 phi công: Nguyễn Thành Trung, Từ Đễ, Nguyễn Văn Lục, Hoàng Mai Vương, Trần Văn On, Hán Văn Quảng cùng 5 máy bay cường kích A-37.

Các phi công ta từ ngoài bắc được khẩn trương huấn luyện chuyển loại từ MiG-17 sang A-37. Chỉ sau 5 ngày bay chuyển loại, 16h17 phút cả phi đội đã cất cánh. Mặc dù thời tiết phức tạp, Nguyễn Thành Trung (số 1) vẫn bình tĩnh dẫn đội hình bay đến sân bay Tân Sơn Nhất.

Từ độ cao khoảng 1.600m, Nguyễn Thành Trung bổ nhào cắt bom nhưng bom không ra. Từ Đễ (số 2) cắt bom 2 quả/lượt, cả 4 quả bom rơi trúng mục tiêu, những cột khói bốc lên giữa khu vực để máy bay. Trong ống nghe của các phi công vang lên tiếng quát hỏi hoảng hốt: “A-37 của phi đoàn nào?” không ai trả lời.

Tiếp đó, Nguyễn Văn Lục (số 3), Hoàng Mai Vương và Trần Văn On (số 4), Hán Văn Quảng (số 5) bổ nhào cắt bom. Những trái bom đều rơi trúng mục tiêu. Không quân ngụy hoàn toàn bị bất ngờ, tới lúc số 5 vào cắt bom chúng mới biết. Qua vô tuyến, phi công ta nghe được những tiếng kêu: “Tân Sơn Nhất bị oanh kích”.

Đại tướng Văn Tiến Dũng cùng đồng chí Lê Văn Tri, Đào Đình Luyện chụp ảnh kỷ niệm với Phi đội Quyết Thắng.

Nguyễn Thành Trung và Nguyễn Văn Lục nhanh chóng vào cắt bom lần thứ hai, nhưng đến lần thứ ba Nguyễn Thành Trung phải cắt bom bằng hệ thống “khẩn cấp”, 4 quả bom mới rời khỏi máy bay, một khối lửa lớn bùng lên từ bãi đỗ những máy bay F-5 đang đậu.

Các phi công thoát ly trở về trong điều kiện mây dày đặc, đạn pháo phòng không của địch ở dinh Độc Lập bắn lên. Tất cả lần lượt hạ cánh an toàn lúc 18h5 phút.

Trận tập kích đã phá hủy và làm hỏng nặng cụm máy bay tập trung ở khu vực sân đỗ gồm 24 chiếc A-37 và F-5E, 4 chiếc máy bay vận tải, tiêu diệt hàng trăm tên địch.

Những tiếng bom của Không quân Nhân dân Việt Nam được xem như hiệu lệnh tổng công kích cho đại quân ta đồng loạt nổ súng, tiến công giải phóng Sài Gòn, cắt cầu hàng không di tản của địch.

Bằng những máy bay và bom đạn vừa thủ được của địch, không quân ta đã đánh vào một trong những sào huyệt cuối cùng của Mỹ - Ngụy, góp phần giành thắng lợi cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất Tổ quốc.

Lê Nam

Nguồn Đất Việt: http://quocphong.baodatviet.vn/home/qpcn/17-tran-danh-doc-dao-cua-bo-doi-pkkq-ky-4/201111/178541.datviet