175 năm ra đời 'Tuyên ngôn của Đảng cộng sản' - Tác phẩm bút chiến mẫu mực

'Tuyên ngôn của Đảng cộng sản' - Tác phẩm đánh dấu ra đời của CN Mác cách đây tròn 175 năm thành cuốn sách 'gối đầu giường' của những người cộng sản chân chính.

Một trong những vấn đề có tính quy luật ra đời, bảo vệ và phát triển của chủ nghĩa Mác - Lênin là luôn luôn gắn với cuộc đấu tranh không khoan nhượng, với các trào lưu tư tưởng, thứ chủ nghĩa xã hội phản động; “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” là tác phẩm mẫu mực về tinh thần bút chiến đó.

“Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” - Tác phẩm đánh dấu ra đời của chủ nghĩa Mác cách đây tròn 175 năm, trở thành cuốn sách “gối đầu giường” của những người cộng sản chân chính, của các lực lượng tiến bộ trên thế giới và giá trị của nó được V.I.Lênin khái quát: “Cuốn sách nhỏ ấy có giá trị bằng hàng bộ sách, tinh thần của nó, đến bây giờ, vẫn cổ vũ và thúc đẩy toàn thể giai cấp vô sản có tổ chức và đang chiến đấu của thế giới văn minh” .

Theo đó, một trong những giá trị nổi bật của tác phẩm là tinh thần kiên quyết đấu tranh với các trào lưu tư tưởng và thứ chủ nghĩa với nhiều mầu sắc mà hai ông chỉ coi là “văn học xã hội chủ nghĩa” - tức nó phi khoa học, phản cách mạng và chỉ là ảo mộng văn chương mà thôi; qua đó, để bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác ngay từ khi nó ra đời và gây tiếng vang lớn khiến cả châu Âu khiếp sợ và tìm mọi cách trừ khử như mở đầu của “Tuyên ngôn”: “Một bóng ma đang ám ảnh châu Âu: bóng ma chủ nghĩa cộng sản.

Tất cả những thế lực của châu Âu cũ: Giáo hoàng và Nga hoàng, Mét-téc-ních và Ghi-dô, bọn cấp tiến Pháp và bọn cảnh sát Đức, đều đã liên hợp lại thành một liên minh thần thánh để trừ khử bóng ma đó”. Vấn đề này đã được C.Mác và Ph.Ăngghen luận giải rõ ở Chương III “Văn học xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa”.

Một là, C.Mác và Ph.Ăngghen phê phán chủ nghĩa xã phản động. Chủ nghĩa xã hội phản động được C.Mác và Ph.Ăngghen nhận diện và phê phán đó là 3 “thứ” chủ nghĩa: phong kiến, tiểu tư sản và chủ nghĩa xã hội Đức hay chủ nghĩa xã hội “chân chính.

Chủ nghĩa xã hội phong kiến là tiếng nói của quý tộc Pháp và Anh, mặc dù bọn quý tộc phong kiến đã hết vai trò lịch sử sau các cuộc cách mạng tư sản thành công ở một số nước, tuy nhiên, cuộc cách mạng này chưa triệt để khi chưa đánh đổ tận gốc phong kiến. Vì vậy, một mặt, họ cấu kết với tư sản để đàm áp, bóc lột công nhân và nông dân; mặt khác, họ đả kích xã hội tư sản và tự cho rằng mình vì lợi ích của công nhân bị bóc lột; trong khi đó, họ là muốn quay lại xã hội phong kiến vốn đã bị lịch sử vượt qua. Vì vậy, C.Mác và Ph.Ăngghen mỉa mai: “Các ngài quý tộc ấy đã giương cái bị ăn mày của kẻ vô sản lên làm cờ để lôi kéo nhân dân theo họ, nhưng nhân dân vừa chạy lại thì trông thấy ngay những phù hiệu phong kiến cũ đeo sau lưng họ, thế là nhân dân liền tản đi và phá lên cười một cách khinh bỉ”.

Trong hoạt động chính trị, họ “tích cực tham gia vào tất cả những biện pháp bạo lực chống giai cấp công nhân” và “luôn cấu kết với các lực lượng lạc hậu phản động thuộc giới thầy tu và chúa phong kiến”. Chủ nghĩa xã hội phong kiến tìm mọi cách cấu kết chủ nghĩa xã hội thầy tu, loại chủ nghĩa xã hội này muốn kéo lùi lịch sử trở lại cho phù hợp với lợi ích của giai cấp phong kiến và thầy tu, mưu toan đưa nhân loại trở lại thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử - thời kỳ “thần quyền” (giáo hội) kết hợp với “thế quyền” (nhà nước chuyên chế), thậm chí “thần quyền” lấn át “thế quyền” biến châu Âu lún sâu vào “Đêm trường Trung cổ”.

Ảnh minh họa

Vì vậy, C.Mác và Ph.Ăngghen chỉ coi nó là “một mớ hỗn hợp những lời ai oán và những lời mỉa mai, dư âm của dĩ vãng và tiếng đe dọa của tương lai”. Luận điệu chủ yếu mà loại chủ nghĩa xã hội này dùng để buộc tội giai cấp tư sản thì chính là cho rằng dưới sự thống trị của nó, giai cấp tư sản bảo đảm sự phát triển cho giai cấp vô sản cách mạng, một giai cấp sẽ làm nổ tung toàn bộ trật tự xã hội cũ. Còn chủ nghĩa xã hội thầy tu thực chất là chủ nghĩa xã hội khổ hạnh của đạo Cơ Đốc được phủ lên một lớp sơn chủ nghĩa xã hội và nó “chẳng qua chỉ là thứ nước thánh mà thầy tu dùng để xức cho nỗi hờn giận của quý tộc mà thôi”.

Chủ nghĩa xã hội tiểu tư sản là quan điểm chính trị của những người thị dân và tiểu nông đang bị phá sản trong xã hội tư sản nên lập trường của họ không nhất quán, luôn ngả nghiêng giữa giai cấp vô sản và tư sản. Khi họ đứng về phía giai cấp vô sản, chống lại giai cấp tư sản, phê phán mạnh mẽ tệ nạn và hậu quả tai hại mà xã hội tư sản gây nên, nhưng lại muốn giải quyết theo kiểu “vừa là phản động vừa là không tưởng” và C.Mác và Ph.Ăngghen lột tả bản chất của chủ nghĩa xã hội tiểu tư sản khi cho rằng: “xét về nội dung chân thực của nó, thì hoặc là chủ nghĩa xã hội này muốn khôi phục lại những tư liệu sản xuất và phương tiện trao đổi cũ, và cùng với những cái đó, cũng khôi phục lại cả những quan hệ sở hữu cũ và toàn bộ xã hội cũ, hoặc là nó muốn buộc những tư liệu sản xuất và phương tiện trao đổi hiện đại phải khuôn theo cái khuôn khổ chật hẹp của những quan hệ sở hữu cũ, của những quan hệ đã bị và tất phải bị những công cụ ấy đập tan. Trong cả hai trường hợp, chủ nghĩa xã hội này vừa là phản động vừa là không tưởng”.

Chủ nghĩa xã hội Đức hay chủ nghĩa xã hội "chân chính"đại biểu cho lợi ích phản động, lợi ích của giai cấp tiểu tư sản Đức; nó tiếp thu những tư tưởng cộng sản chủ nghĩa ở Pháp, Đức nhưng không đầy đủ và lệch lạc; nó phê phán, nguyền rủa chế độ chính trị tư sản nhưng lại không muốn các giải pháp cách mạng và tự coi mình “vô tư đứng ở trên mọi cuộc đấu tranh giai cấp”.

Những người này không thấy được tình hình chính trị xã hội ở Đức, đã máy móc áp dụng lý luận phê phán giai cấp tư sản của những người xã hội chủ nghĩa Pháp, nên đã thích ứng với nhu cầu phản động của chính quyền chuyên chế tại các bang ở Đức: “Chủ nghĩa xã hội Đức ấy coi trọng những trò luyện tập vụng về kiểu học sinh của mình một cách hết sức trịnh trọng, và phô trương những trò ấy một cách om sòm theo kiểu bán thuốc rong, nhưng rồi cũng mất dần tính ngây thơ thông thái rởm của mình”. “Chủ nghĩa xã hội chân chính” phản đối cuộc vận động cho tự do và bình đẳng tư sản là những thứ mà nước Đức quân chủ chuyên chế lúc bấy giờ chưa hề có, những thứ mà cuộc cách mạng dân chủ tư sản đang chín muồi ở nước Đức cần phải đạt tới...

Như vậy, những người xã hội chủ nghĩa chân chính lợi dụng lý luận phê phán giai cấp tư sản của những nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng Pháp chỉ là để bảo vệ chế độ quân chủ chuyên chế hiện tồn ở Đức. Từ đó, C.Mác và Ph.Ăngghen kết luận: “Chủ nghĩa xã hội ấy đã đem cái lối giả nhân giả nghĩa đường mật của nó bổ sung cho roi vọt và súng đạn mà những chính phủ ấy đã dùng để trấn áp những cuộc khởi nghĩa của công nhân Đức. Nếu chủ nghĩa xã hội “chân chính" do đó đã trở thành vũ khí trong tay các chính phủ để chống lại giai cấp tư sản Đức thì ngoài ra, nó lại còn trực tiếp đại biểu cho một lợi ích phản động, lợi ích của giai cấp tiểu tư sản Đức”.

Hai là, C.Mác và Ph.Ăngghen phê phán chủ nghĩa xã hội bảo thủ hay chủ nghĩa xã hội tư sản. Đó là tư tưởng của một bộ phận trong giai cấp tư sản. Họ thấy được những bế tắc, khủng hoảng, tệ nạn... của xã hội tư sản và nguy cơ dẫn đến cách mạng. Nhưng họ lại chỉ hướng tới tìm cách chữa các căn bệnh xã hội, cốt để củng cố xã hội tư sản, muốn duy trì xã hội hiện tại, nhưng được tẩy trừ hết những yếu tố làm đảo lộn và làm tan rã nó.

Vì vậy, C.Mác và Ph.Ăngghen đưa ra một kết luận có tính chất châm biếm về chủ nghĩa xã hội tư sản như sau: “Mậu dịch tự do, vì lợi ích của giai cấp công nhân! Thuê quan bảo hộ, vì lợi ích của giai cấp công nhân! Nhà tù xà lim, vì lợi ích của giai cấp công nhân! Đó là cái đích tột cùng của chủ nghĩa xã hội tư sản, điều duy nhất mà nó nói ra một cách nghiêm túc. Vì chủ nghĩa xã hội tư sản nằm gọn trong lời khẳng định này: sở dĩ những người tư sản là những người tư sản, đó là vì lợi ích của giai cấp công nhân”.

Ba là, C.Mác và Ph.Ăngghen phê phán chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản không tưởng - phê phán. Hai ông vừa đánh giá cao, vừa phê phán chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản không tưởng - phê phán của các nhà không tưởng Pháp. Một mặt, C.Mác và Ph.Ăngghen coi đó chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản không tưởng - phê phán của Xanhximông, Phuriê, Ooen là “chính tông”, có giá trị phê phán “đả kích vào toàn bộ cơ sở của xã hội đương thời”, nhất là đã “cung cấp được những tài liệu rất có giá trị để soi sáng ý thức của công nhân”, đặc biệt là có “những đề nghị tích cực về xã hội tương lai”.

Vì vậy, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản không tưởng - phê phán được thừa nhận là một trong ba nguồn gốc tư tưởng của chủ nghĩa Mác, là tiền thân trực tiếp của chủ nghĩa xã hội khoa học. Mặt khác, do những tư tưởng này xuất hiện trong thời kỳ đầu thế kỷ XIX, lúc cuộc đấu tranh giữa giai cấp tư sản và vô sản chưa phát triển, không nhận rõ được vai trò của giai cấp công nhân, của những giải pháp cách mạng... nên vẫn chỉ là không tưởng và các ông nhấn mạnh: “Ý nghĩa của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản không tưởng - phê phán là theo tỷ lệ nghịch với sự phát triển lịch sử”. Chúng đã cũ, trong khi đó thì lịch sử và phong trào công nhân đã biến đổi nhiều, chủ nghĩa xã hội khoa học đã được phát kiến. Cho nên, ai còn chịu ảnh hưởng của các tư tưởng nay sẽ dần rơi vào “hạng những người xã hội chủ nghĩa phản động hay bảo thủ đã được miêu tả trên kia” - tức chủ nghĩa xã hội phản động.

“Tuyên ngôn của đảng cộng sản” là đỉnh cao, thể hiện sự chín muồi và đánh dấu sự ra đời của chủ nghĩa Mác - học thuyết cách mạng vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân loại cần lao; “Tuyên ngôn” vừa là một hệ thống hoàn chỉnh về lý luận, vừa là cương lĩnh chính trị, cương lĩnh cách mạng của phong trào vô sản.

Nhờ đó, giai cấp vô sản nhận thức được những quy luật phát triển khách quan của xã hội và hành động theo đúng những quy luật này, hiểu được chiến lược, sách lược cũng như những con đường và phương pháp đấu tranh cách mạng, sự kết hợp mục tiêu trước mắt với mục tiêu lâu dài, cơ bản của cách mạng khi công khai tuyên bố sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của mình: “Những người cộng sản coi là điều đáng khinh bỉ nếu giấu giếm những quan điểm và ý định của mình. Họ công khai tuyên bố rằng mục đích của họ chỉ có thể đạt được bằng cách dùng bạo lực lật đổ toàn bộ trật tự xã hội hiện hành. Mặc cho các giai cấp thống trị run sợ trước một cuộc Cách mạng cộng sản chủ nghĩa! Trong cuộc cách mạng ấy, những người vô sản chẳng mất gì hết, ngoài những xiềng xích trói buộc họ. Họ sẽ giành được cả thế giới”.

Đến nay và cả tương lai, những nội dung cơ bản của “Tuyên ngôn” vẫn còn giữ nguyên giá trị và rất cần tiếp tục được vận dụng sáng tạo nhất là tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với tư tưởng chủ nghĩa xã hội phản động, phi mácxít của các đảng cộng sản và công nhân trên toàn thế giới; đối với Việt Nam, “Tuyên ngôn” có ý nghĩa đối to lớn với việc nhận diện, phê phán điểm sai trái phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Chỉ như vậy cũng một lần nữa chứng minh giá trị to lớn, sức sống trường tồn của chủ nghĩa Mác - Lênin mà C.Mác và Ph.Ăngghen đã khởi thảo cách đây 175 năm trong “Tuyên ngôn của đảng cộng sản”./.

Thái Sơn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/175-nam-ra-doi-tuyen-ngon-cua-dang-cong-san-tac-pham-but-chien-mau-muc-243533.html