18 bộ phim của Điện ảnh Quân đội nhân dân tham dự Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI

Điện ảnh Quân đội nhân dân gửi 18 bộ phim tham dự Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI, được tổ chức tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ ngày 23 đến 27-11.

Trong số 18 bộ phim tham dự Liên hoan có một bộ phim truyện “Nơi ta không thuộc về”; 2 bộ phim khoa học: “Ghép tạng” và “Giám định ADN trong nhận dạng liệt sĩ”; 15 bộ phim tài liệu: “Chủ tịch Hồ Chí Minh với ba nước đông dương”, “Cuộc chiến đất đối không”, “Cuộc chiến giữa thời bình”, “Cuốn nhật ký định mệnh”, “Điện Biên Phủ - trận quyết chiến lịch sử”, “Đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh”…

 Cảnh trong phim "Cuộc chiến giữa thời bình". Ảnh: Điện ảnh Quân đội nhân dân.

Cảnh trong phim "Cuộc chiến giữa thời bình". Ảnh: Điện ảnh Quân đội nhân dân.

Bộ phim truyện “Nơi ta không thuộc về” là tác phẩm điện ảnh đã được Điện ảnh Quân đội nhân dân đầu tư dàn dựng công phu. Đây là bộ phim của nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền, Giám đốc sản xuất: Đại tá, NSƯT Phạm Tiến Cường. Nội dung phim truyền tải thông điệp: Dù trong cuộc sống thường nhật hay trong thế giới tâm linh, nơi đâu có tình yêu, có sự ấm áp, sẻ chia nơi đó sẽ tạo nên sức mạnh, niềm tin, sự cứu rỗi để ta vượt qua mọi khổ đau, mất mát, chia ly và là nơi ta mãi mãi thuộc về. Đó cũng là chân lý giúp những người lính năm xưa có thêm động lực và sức mạnh đối mặt với quân thù.

Cảnh trong phim “Ghép tạng” . Ảnh: Điện ảnh Quân đội nhân dân.

Hai bộ 2 bộ phim khoa học: “Ghép tạng” và “Giám định ADN trong nhận dạng liệt sĩ” cũng là những tác phẩm sẽ giúp người xem cảm nhận rõ hơn về nỗ lực của các thầy thuốc, nhà khoa học Việt Nam trong ghép tạng và ứng dụng kỹ thuật ADN trong việc giám định hài cốt liệt sĩ. Bộ phim “Ghép tạng” của đạo diễn Phạm Hồng Thắng kể về những đóng góp của những người chiến sĩ mặc áo trắng đã dần từng bước vươn đến đỉnh cao y học, mang lại những giá trị nhân văn, chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Bộ phim “Giám định ADN trong nhận dạng liệt sĩ” của đạo diễn Hà Xuân Trường đi sâu vào khai thác về đề tài cấp Nhà nước: “Nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật ADN trong việc giám định hài cốt liệt sĩ” mà Viện Pháp y Quân đội thực hiện đã đạt được những thành công bước đầu. Viện Pháp y Quân đội áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, xây dựng một quy trình chuẩn trong việc giám định ADN hài cốt liệt sĩ, tách chiết thành công ADN từ mẫu phẩm xương và răng của các hài cốt liệt sĩ đã bị mủn, mục nhiều. Ứng dụng giám định ADN đã giúp xác minh danh tính của những liệt sĩ chưa biết tên tuổi, đưa các anh trở về với gia đình, làm vơi bớt đi phần nào những khắc khoải của các gia đình liệt sĩ chưa tìm được hài cốt người thân.

15 bộ phim tài liệu tham gia Liên hoan phim lần này mang màu sắc đặc trưng của của những nghệ sĩ, chiến sĩ Điện ảnh Quân đội nhân dân. Mỗi thước phim chứa đựng tình cảm, tâm huyết của các đạo diễn khi dàn dựng những tác phẩm điện ảnh về Bác Hồ, Quân đội, về những cựu chiến binh hàng chục năm nay đi tìm kiếm hài cốt đồng đội đã hy sinh...

Có những bộ phim tài liệu, lãnh đạo Điện ảnh Quân đội đã giao cho đạo diễn trẻ dàn dựng như bộ phim tài liệu “Chủ tịch Hồ Chí Minh với ba nước Đông Dương” thời lượng 30 phút của đạo diễn Vũ Anh Nhất. Mang tư duy của một người trẻ làm phim tài liệu lịch sử, đạo diễn này đã thể hiện sự sáng tạo mới mẻ trong tác phẩm điện ảnh. Việc đầu tư những hình quay mới trong phim đã tạo được ấn tượng tích cực, hiệu ứng thẩm mỹ cao để thu hút khán giả.

Cảnh trong phim “Chủ tịch Hồ Chí Minh với ba nước Đông Dương” . Ảnh: Điện ảnh Quân đội nhân dân.

Hai bộ phim “Điện Biên Phủ - Trận quyết chiến lịch sử”, đạo diễn NSƯT Phạm Huyên và “Những người truyền lửa”, đạo diễn Nguyễn Quang Quyết, đã ra mắt công chúng vào dịp kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954/7-5-2019) cũng tham dự Liên hoan phim lần này.

Với cách trình bày đơn giản, dễ xem, dễ hiểu nhưng sâu sắc, bộ phim bộ phim “Điện Biên Phủ - Trận quyết chiến lịch sử” không chỉ tổng hợp, phân tích các sự kiện lịch sử mà còn đưa ra những đánh giá, nhận định của nhiều học giả, nhà báo, nhà quân sự và của chính những người trong cuộc về sự kiện lịch sử để nhìn lại quá khứ hào hùng.

Thông qua các câu chuyện của những nhân chứng, cựu chiến binh đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ phim “Những người truyền lửa” dài 30 phút cũng là một trong những tác phẩm mà các nghệ sĩ, chiến sĩ của Điện ảnh Quân đội thực hiện với mong muốn mang đến cho người xem, đặc biệt là thế hệ trẻ hồi tưởng lại quá khứ hào hùng của dân tộc trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp.

18 tác phẩm của Điện ảnh Quân đội nhân dân tham dự Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI sẽ góp phần mang đến cho khán giả cơ hội được thưởng thức những bộ phim đặc sắc, mang màu sắc của những nghệ sĩ, chiến sĩ.

KHÁNH HUYỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/18-bo-phim-cua-dien-anh-quan-doi-nhan-dan-tham-du-lien-hoan-phim-viet-nam-lan-thu-xxi-599677