187 ứng cử viên Đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số

Theo thông báo tại Nghị quyết 559/NQ-HĐBCQG của Hội đồng bầu cử Quốc gia, trong danh sách 868 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV có 187 ứng cử viên là người dân tộc thiểu số - chiếm 21,54%.

Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số. Mặc dù đồng bào dân tộc thiểu số chỉ chiếm khoảng 14,7% dân số cả nước (khoảng hơn 14 triệu người), nhưng lại sinh sống thành cộng đồng ở 3/4 diện tích đất nước, tại nhiều địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, quốc phòng – an ninh, đối ngoại và môi trường sinh thái. Chính vì vậy, việc tăng cường sự tham gia của đại diện người dân tộc thiểu số vào Quốc hội và cơ quan dân cử ở các địa phương có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng trong hệ thống chính trị các cấp.

Cử tri 6 xã biên giới huyện Nam Giang (Quảng Nam) đi bầu cử sớm - ảnh VGP News

Cử tri 6 xã biên giới huyện Nam Giang (Quảng Nam) đi bầu cử sớm - ảnh VGP News

Nếu như Quốc hội khóa I (năm 1946), số lượng đại biểu Quốc hội người dân tộc thiểu số chỉ chiếm 10,2% thì Quốc hội khóa XIII con số này đã là 15,6% (cao hơn tỷ lệ dân số dân tộc thiểu số), Quốc hội khóa XII đạt cao nhất là 17,7%, Quốc hội khóa XIV có 86 đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số thuộc 32 dân tộc khác nhau (chiếm tỷ lệ 17,3%).

Với 187 ứng viên người dân tộc thiểu số ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV tiếp tục cho thấy, sự tham gia của đại diện các dân tộc thiểu số trong hệ thống các cơ quan dân cử - cơ quan đại diện cho tiếng nói, ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân đang ngày càng tăng - từ đó, góp thêm tiếng nói của các dân tộc khác nhau trong nghị trường Quốc hội.

Theo danh sách chính thức, địa phương có ứng cử viên người dân tộc thiểu số ứng cử nhiều nhất là tỉnh Sơn La với 10 người, Đắk Lắk 9 người, Lạng Sơn 9 người, Lai Châu có 8; các địa phương khác có từ 1-7 ứng cử viên.

Rất nhiều ứng cử viên người dân tộc thiểu số của Quốc hội khóa XV công tác tại các địa bàn vùng sâu, xa, lần đầu tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, nên để bảo đảm tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong Quốc hội ngày càng tăng, thời gian qua, Hội đồng Dân tộc đã đặc biệt chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng vận động tranh cử cho các ứng cử viên người dân tộc thiểu số thông qua việc tổ chức Hội nghị tập huấn “Kỹ năng vận động tranh cử cho ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là người dân tộc thiểu số”. Đồng thời, phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị cho khu vực các tỉnh phía Bắc, các tỉnh phía Nam với giảng viên và cán bộ trợ giúp là các chuyên gia, đại biểu Quốc hội có kinh nghiệm trong công tác dân cử và vận động bầu cử; có kinh nghiệm trong công tác truyền thông, báo chí.

Tranh cổ động, tuyên truyền cho bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 của tác giả Đỗ Như Điềm

Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh tích cực nhằm phổ biến đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số nhằm nêu cao tinh thần dân chủ, trách nhiệm, lựa chọn và bầu ra những đại diện xứng đáng tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, có uy tín tham gia đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026.

Cùng với việc phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc để tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nắm vững pháp luật về bầu cử, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của công dân trong bầu cử; thời gian qua, nhiều địa phương đã tích cực thông qua các vị chức sắc tôn giáo, người tiêu biểu, người có uy tín, các già làng, trưởng tộc vận động cử tri đi bầu cử; đảm bảo để cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm; đúng nghĩa là ngày hội của toàn dân.

Hoàng Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/187-ung-cu-vien-dai-bieu-quoc-hoi-la-nguoi-dan-toc-thieu-so-157215.html