19 tỉnh, thành phố có người bệnh mắc Covid-19

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong ngày 7-5, cả nước ghi nhận 47 ca mắc mới Covid-19 (người bệnh từ 3.091 đến 3.137), trong đó có sáu ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh (tại tỉnh Quảng Trị, Bình Thuận, Ðà Nẵng, TP Hồ Chí Minh) và 41 ca ghi nhận trong nước, tại Hà Nội (24 ca), Hải Dương (một ca), Ðiện Biên (một ca), Hà Nam (một ca), Nghệ An (một ca), Hưng Yên (bốn ca), Nam Ðịnh (một ca), Thanh Hóa (một ca), Ðà Nẵng (năm ca), Phú Thọ (một ca), Vĩnh Phúc (một ca).

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong ngày 7-5, cả nước ghi nhận 47 ca mắc mới Covid-19 (người bệnh từ 3.091 đến 3.137), trong đó có sáu ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh (tại tỉnh Quảng Trị, Bình Thuận, Ðà Nẵng, TP Hồ Chí Minh) và 41 ca ghi nhận trong nước, tại Hà Nội (24 ca), Hải Dương (một ca), Ðiện Biên (một ca), Hà Nam (một ca), Nghệ An (một ca), Hưng Yên (bốn ca), Nam Ðịnh (một ca), Thanh Hóa (một ca), Ðà Nẵng (năm ca), Phú Thọ (một ca), Vĩnh Phúc (một ca).

Trong số 41 người bệnh mắc Covid-19 ghi nhận trong nước, đáng chú ý, có 11 trường hợp ghi nhận tại Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều, Hà Nội (bốn người nhà, bảy người bệnh đang điều trị tại bệnh viện); bảy trường hợp là F1 của người bệnh 3.092 và 3.093, tiền sử dịch tễ lưu trú tại khách sạn ở Ðà Nẵng cùng thời điểm lưu trú với hai trường hợp dương tính là chuyên gia của Trung Quốc (cách ly ở Yên Bái). Số người bệnh còn lại có liên quan Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2; ổ dịch tại quán Bar New Phương Ðông (quận Hải Châu, Ðà Nẵng); ổ dịch tại quán ka-ra-ô-kê ở TP Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc). Người bệnh 3.096 ghi nhận tại tỉnh Ðiện Biên liên quan chuyến bay VN160 có người bệnh Covid-19. Hiện, người bệnh được cách ly, điều trị tại các bệnh viện: Dã chiến Củ Chi (TP Hồ Chí Minh); Phổi Ðà Nẵng; Bệnh viện các bệnh phổi tỉnh Quảng Trị; đa khoa tỉnh Bình Thuận; Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2. Như vậy, tính từ ngày 27-4 đến nay, có 19 tỉnh, thành phố ghi nhận các ca lây nhiễm Covid-19 trong nước, gồm: Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Bắc Ninh, Hà Nội, Thái Bình, Ðà Nẵng, Hưng Yên, Hải Dương, TP Hồ Chí Minh, Yên Bái, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Lạng Sơn, Ðồng Nai, Ðiện Biên, Nghệ An, Phú Thọ, Nam Ðịnh.

Ðến nay, Hà Nội đã ghi nhận 20 ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng, 44 ca trong chùm ca bệnh ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 và 11 ca tại Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều. Ðối với chùm chín ca bệnh ở huyện Thường Tín, hiện lực lượng chức năng khoanh vùng cách ly ba thôn ở xã Tô Hiệu với 6.000 dân. Ðối với chùm 11 ca bệnh tại Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều; đã xác định trong bệnh viện có khoảng 5.000 người, từ ngày 16-4 đến nay có 16.395 người đến khám, 16.511 lượt người điều trị. Thành phố đang khẩn trương truy vết các trường hợp F1, F2, thông báo những người đã đến viện để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch (PCD). Hiện, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 không còn chỗ tiếp nhận người bệnh Covid-19, cho nên Sở Y tế Hà Nội sẽ đưa 11 ca bệnh Covid-19 ở Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều về điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội, đồng chí Ðinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo các cấp, ngành của thành phố tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đề cao trách nhiệm cá nhân, thực hiện đúng yêu cầu "chống dịch như chống giặc", quyết tâm đẩy lùi đợt dịch lần này. Các cơ quan chức năng khẩn trương tổng rà soát tất cả bệnh viện, cơ sở y tế bảo đảm công tác an toàn PCD; yêu cầu các bệnh viện phải thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm cho nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh… Ðồng thời thông tin ngay danh sách trường hợp F0 để điều tra truy vết; danh sách phải cụ thể, rõ ràng, chính xác địa chỉ, số điện thoại để liên hệ; gửi danh sách bệnh nhân đã chuyển viện từ ngày 14-4 đến các cơ sở y tế khác để kịp thời truy vết. Ðối với các bệnh viện đang tiến hành phong tỏa, phải kiểm soát chặt chẽ theo phương châm "nội bất xuất - ngoại bất nhập", không để người bệnh, người nhà giao lưu trong bệnh viện; kiến nghị với Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể việc tiếp nhận người bệnh đối với các cơ sở y tế bị tạm thời phong tỏa và hướng dẫn thực hiện dịch vụ xét nghiệm theo yêu cầu.

Sáng 7-5, đồng chí Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo PCD Covid-19 TP Hà Nội kiểm tra việc thực hiện phong tỏa Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều và cơ sở Tam Hiệp. Từ rạng sáng 7-5, huyện Thanh Trì đã bố trí lực lượng công an, dân phòng lập các chốt kiểm soát tại cổng của các cơ sở Bệnh viện K trên địa bàn. Tuy nhiên, việc kiểm tra, kiểm soát còn thiếu chặt chẽ, chưa bảo đảm quy định PCD. Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo UBND huyện, Công an huyện Thanh Trì chấn chỉnh công tác kiểm tra, kiểm soát toàn diện khu vực các cơ sở Bệnh viện K trên địa bàn, lập thêm chốt bảo đảm tuyệt đối tuân thủ các quy định phòng dịch; không lơ là, chủ quan, làm phức tạp thêm tình hình. UBND huyện rà soát ngay khu vực chung quanh bệnh viện, yêu cầu đóng cửa các hàng, quán kinh doanh sát bệnh viện để bảo đảm yêu cầu PCD. Thành phố sẽ hỗ trợ hết sức để Bệnh viện K thực hiện tốt nhiệm vụ phong tỏa phòng dịch. Trước mắt, UBND huyện Thanh Trì duy trì liên lạc với bệnh viện, sẵn sàng hỗ trợ về nhu yếu phẩm bảo đảm nhu cầu sinh hoạt của người cách ly. Trưa 7-5, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội phối hợp Bộ Tư lệnh Hóa học (Bộ Quốc phòng) phun khử trùng, tiêu độc tại Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội ra thông báo khẩn tìm người trên địa bàn TP Hà Nội đã đến hai địa điểm đều ở xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín: Nhà hàng Hải Ðăng (xóm Ðình Râu, thôn Ðông Duyên) vào trưa ngày 1-5. Nhà hàng Thiềm (xóm Lò Vôi, thôn Tử Dương) vào tối ngày 3-5. Những người đã đến các địa điểm trong thời gian nêu trên tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với Trạm Y tế, Trung tâm Y tế trên địa bàn hoặc gọi điện thoại đến số: 0969.082.115 và 0949.396.115. Liên quan ổ dịch tại Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều, tỉnh Hà Nam có một trường hợp quê ở thị trấn Quế, huyện Kim Bảng.

Ngày 7-5, Sở Y tế Hà Nội có văn bản thượng khẩn đề nghị Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo khẩn trương rà soát, lập danh sách người bệnh, người nhà người bệnh, người dân... trên địa bàn đã đến Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều. Cụ thể: Người đến bệnh viện từ ngày 16-4 đến ngày 26-4 được lập danh sách và giám sát sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú đủ 21 ngày kể từ ngày cuối cùng đến/ ở bệnh viện. Người đến bệnh viện từ ngày 27-4 đến ngày 7-5 mà không đến Khoa Ngoại gan - mật - tụy được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 và cách ly tại nhà đủ 21 ngày kể từ ngày cuối cùng đến/ở bệnh viện, sau đó theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú thêm bảy ngày. Những người đã đến Khoa Ngoại gan - mật - tụy của bệnh viện từ ngày 16-4 đến 7-5, được lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tập trung đủ 21 ngày kể từ ngày cuối cùng đến/ở bệnh viện, sau đó theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú thêm bảy ngày. Các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở hoặc có các triệu chứng nghi ngờ nhiễm Covid-19 phải được chuyển ngay đến các cơ sở y tế để được cách ly, điều trị kịp thời.

Nhiều nơi phong tỏa, giãn cách xã hội

Các tỉnh Nghệ An, Phú Thọ đã có những ca bệnh Covid-19 đầu tiên do liên quan chăm người bệnh ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2. Bước đầu tỉnh Phú Thọ xác định có 20 F1, 196 F2 và yêu các đơn vị chức năng phong tỏa dây chuyền làm việc, phun khử khuẩn toàn bộ Công ty TNHH Công nghệ Namuga Phú Thọ nơi người bệnh làm việc và phong tỏa hai khu dân cư nơi người bệnh và chị gái sinh sống. Ðồng thời, kích hoạt ngay Bệnh viện dã chiến của tỉnh.

Một số địa phương đã thực hiện phong tỏa diện hẹp từng khu vực, cách ly xã hội diện rộng để chặn sự lây lan của dịch. Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc quyết định cách ly xã hội toàn TP Vĩnh Yên 15 ngày, kể từ 0 giờ ngày 7-5 đến 0 giờ ngày 22-5. Tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu thực hiện gia đình cách ly với gia đình, thôn cách ly với thôn, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố, xã, phường cách ly với xã, phường… Thường trực Thành ủy Vĩnh Yên quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Hà Thanh Hùng, Phó Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND phường Khai Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo PCD Covid-19 phường từ 7 giờ 30 phút ngày 6-5 đến hết ngày 8-5 do lơ là, thiếu trách nhiệm, chưa tự giác thành khẩn nhận trách nhiệm trong công tác chỉ đạo PCD Covid-19 trên địa bàn phường. Trưa ngày 7-5, các lực lượng chức năng tỉnh Hà Nam và huyện Kim Bảng đã lập hai chốt phong tỏa tạm thời thị trấn Quế, huyện Kim Bảng - là nơi ở của người bệnh liên quan Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều. Tính đến 16 giờ ngày 7-5, Trung tâm Y tế huyện Kim Bảng xác định được 74 F1 để cách ly tập trung và 760 F2 cách ly tại chỗ. Ðồng thời lấy toàn bộ mẫu bệnh phẩm của các F1, F2 để xét nghiệm.

Chiều 7-5, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn tổ dân phố Tây Kênh (thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, Nam Ðịnh), Chủ tịch UBND tỉnh Nam Ðịnh đã chỉ đạo UBND huyện Trực Ninh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg trên phạm vi toàn thị trấn Cổ Lễ, bắt đầu từ 0 giờ ngày 8-5. Cùng ngày, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) đã khẩn trương triển khai các biện pháp PCD và ra quyết định phong tỏa toàn bộ thôn Tử Lý, xã Ðông Ninh, với 187 hộ gia đình, 664 nhân khẩu; thực hiện giãn cách xã hội toàn bộ xã Ðông Ninh. Tỉnh Ðiện Biên đã truy vết và xác định có 119 trường hợp là F1 và 536 trường hợp là F2 của người bệnh 3.096. Cơ quan chức năng Ðiện Biên đã lấy mẫu lần 1 đối với 50 F1 đều cho kết quả âm tính; lấy mẫu 131 F2 cũng đều cho kết quả âm tính. Hiện, đang tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm đối với các trường hợp F1, F2. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo PCD Covid-19 tỉnh Ðiện Biên, hiện tỉnh gặp khó khăn trong PCD vì sinh phẩm, vật tư xét nghiệm chưa đáp ứng nhu cầu; chưa có kinh phí phục vụ chiến dịch tiêm vắc-xin.

Tối 7-5, tỉnh Bắc Ninh ghi nhận thêm 14 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Các ca đều liên quan ổ dịch tại xã Mão Ðiền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Sở Y tế đã lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 15 nghìn người dân của xã Mão Ðiền. Trước đó, ngày 6-5, xã Mão Ðiền, huyện Thuận Thành ghi nhận sáu ca mắc Covid-19. Như vậy đến nay, xã Mão Ðiền ghi nhận 20 ca dương tính với SARS-CoV-2, đều liên quan ổ dịch Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2. Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo PCD Covid-19 tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thần tốc truy vết các trường hợp F1, F2, F3; khoanh vùng, cách ly, xử lý môi trường, xét nghiệm diện rộng.

Liên quan trường hợp người bệnh dương tính với SARS-CoV-2 từng có thời gian ra vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình, từ ngày 6-5 đến nay, bệnh viện này đã được phong tỏa để tiến hành truy vết.

Theo bác sĩ Từ Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Y tế An Giang, ngày 7-5, trên địa bàn tỉnh An Giang ghi nhận một người chết do sốc phản vệ sau tiêm chủng vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca. Người chết là nữ nhân viên y tế 35 tuổi đang công tác tại Bệnh viện đa khoa khu vực Tân Châu (BVÐKKV). Trước khi tiêm vắc-xin tại điểm tiêm ở BVÐKKV Tân Châu, sáng 6-5, nữ nhân viên y tế này đã được khám sàng lọc và giải thích về các phản ứng sau tiêm. Sau khi tiêm, nữ nhân viên y tế có phản ứng sốc và đã được BVÐKKV Tân Châu xử lý theo đúng phác đồ. BVÐKKV Tân Châu đã kết nối hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện đa khoa tỉnh An Giang và Bệnh viện Chợ Rẫy để kịp thời được tư vấn xử lý. Ngay sau đó, người bệnh được chuyển tới Bệnh viện đa khoa tỉnh An Giang, Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Chợ Rẫy cử các chuyên gia hồi sức tích cực đến Bệnh viện đa khoa tỉnh An Giang để hỗ trợ cấp cứu. Tuy nhiên, người bệnh không qua khỏi. Theo kết luận của Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế An Giang, nguyên nhân dẫn đến tử vong là sốc phản vệ trên nền cơ địa dị ứng non steroid (giảm đau kháng viêm). Ðây là trường hợp rất hiếm gặp trong thực tế tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã gọi điện chia sẻ nỗi đau mất mát với gia đình, người thân của nữ nhân viên y tế và lực lượng tuyến đầu PCD tỉnh An Giang.

Ngày 7-5, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) có công văn yêu cầu tăng cường công tác bảo đảm chất lượng xét nghiệm SARS-CoV-2 trong bệnh viện, cơ sở y tế. Theo đó, các đơn vị tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển bệnh phẩm, đặc biệt tuân thủ các nội dung: Ưu tiên lấy mẫu ngoáy dịch tỵ hầu; mẫu ngoáy họng phải được lấy đúng vị trí, kỹ thuật; sử dụng que lấy mẫu có đầu là sợi tổng hợp, không được bỏ sót các bước khi thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm. Rà soát lại toàn bộ quy trình thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 đơn lẻ cũng như gộp mẫu. Ðánh giá chất lượng phòng xét nghiệm theo tiêu chí của Bộ Y tế. Tăng cường phát hiện sớm người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 trong bệnh viện, ngăn ngừa triệt để dịch Covid-19 lây lan trong các bệnh viện.

Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư tiếp tục lấy mẫu ở những người bệnh mắc Covid-19 ở một số địa phương để xác định nguồn gốc. Kết quả giải trình tự gien ngày 7-5 như sau: Mẫu của người bệnh 2.911 (Ðông Anh, Hà Nội, là F1 của người bệnh 2.899 ở Hà Nam) thuộc biến thể B.1.1.7. (biến thể của Anh). Người bệnh quốc tịch Ấn Ðộ, cách ly ở Hải Phòng, sau về cách ly tại khu đô thị Time City thuộc biến thể B.1.617.2. (biến thể của Ấn Ðộ). Người bệnh quốc tịch Ấn Ðộ, đi chuyến bay từ Ðà Nẵng ra Hà Nội, cùng chuyến bay với nhóm người Trung Quốc thuộc biến thể B.1.617.2. Người bệnh nhập cảnh từ Nhật Bản về, lấy mẫu ở khu cách ly tại Hải Dương thuộc biến thể B.1.1.7.

Chiều 7-5, Bộ Nội vụ có văn bản đề nghị lãnh đạo Giáo hội các tổ chức tôn giáo tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, chỉ đạo chức sắc, chức việc, tín đồ nghiêm túc, tự giác và tích cực thực hiện các biện pháp PCD theo chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và quy định của chính quyền địa phương; xử lý nghiêm các hoạt động tập trung đông người không thực hiện các biện pháp PCD; các hoạt động lợi dụng tôn giáo, mạng xã hội để tuyên truyền các thông tin tiêu cực, không đúng về tình hình dịch bệnh, gây tâm lý hoang mang trong tín đồ, quần chúng nhân dân. Thời gian tới, để công tác PCD Covid-19 có hiệu quả, đề nghị lãnh đạo các tổ chức tôn giáo quan tâm thực hiện: Ðối với các địa phương đã có các ca bệnh Covid-19 lây lan trong cộng đồng hoặc có nguy cơ lây nhiễm cao, yêu cầu các cơ sở tôn giáo thực hiện các biện pháp PCD theo quy định và hướng dẫn của chính quyền địa phương, tạm dừng mọi hoạt động, sinh hoạt tôn giáo tập trung đông người cho đến khi chính quyền có thông báo mới. Ðối với các địa phương chưa có ca bệnh Covid-19, các cơ sở tôn giáo không tổ chức các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo tập trung đông người; trong trường hợp thật sự cần thiết, lễ buộc tổ chức thì phải thực hiện nghiêm các biện pháp PCD theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, khuyến cáo 5K của Bộ Y tế; đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, khử khuẩn, hạn chế tối đa số lượng người tham dự; nghiêm túc khai báo y tế online, tiêm vắc-xin phòng dịch.

Ngày 7-5, UBND thành phố Hồ Chí Minh quyết định trao tặng hai phần quà tổng trị giá 100.000 USD cho Thủ đô Phnôm Pênh (Cam-pu-chia) và Thủ đô Viêng Chăn (Lào) (mỗi thủ đô 50.000 USD) nhằm hỗ trợ công tác PCD Covid-19.

Chiều 7-5, Ðoàn công tác của Tổng Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) Việt Nam, Công đoàn Y tế Việt Nam đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ hơn 300 cán bộ y tế đang bị cách ly tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư. Dịp này, Tổng LÐLÐ Việt Nam trao hỗ trợ 100 triệu đồng; Công đoàn Y tế Việt Nam trao hỗ trợ 50 triệu đồng cùng một thùng khẩu trang; Công ty TNHH LaVite - đơn vị ký chương trình phúc lợi với Công đoàn Y tế Việt Nam, hỗ trợ bốn thùng nước đông trùng hạ thảo.

Ngày 7-5, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) cho biết, hiện nay tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến khá phức tạp, tuy nhiên, với tinh thần chủ động, kế thừa kinh nghiệm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Bộ GD và ÐT đang phối hợp chặt chẽ Bộ Y tế, các địa phương và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo quốc gia PCD Covid-19 để có các phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Mục đích là tổ chức kỳ thi nghiêm túc, chất lượng nhưng phải bảo đảm an toàn, nhất là an toàn trong PCD. Theo đó, tùy tình hình diễn biến của dịch Covid-19 để quyết định phương án tổ chức kỳ thi, theo nguyên tắc sẽ tổ chức kỳ thi đối với các địa phương an toàn (không bị giãn cách xã hội). Trước mắt, các địa phương, nhà trường thực hiện tốt các phương án PCD; tổ chức dạy học, ôn tập với các hình thức linh hoạt, hiệu quả; ổn định về tâm lý, không lơ là và cũng không chủ quan để hoàn thành nhiệm vụ năm học 2020-2021 và tổ chức thành công kỳ thi...

PV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/y-te/19-tinh-thanh-pho-co-nguoi-benh-mac-covid-19-645118/