1C - con đường huyền thoại

* Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

Chương ba mươi

CHỊ SÁU DÂN HY SINH - ĐÓI

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

Hai chú tiếp tục uống trà, rót cho nhau rồi nói chuyện cụ thể về tuyến đường 1C. Chú Tư Khánh mở đề:

- Anh Nguyễn Hoài Pho nói với anh Bảy Lúa về tuyến đường 1C. Còn anh Chín Lân thì mang ý chỉ đạo của anh Mười Khẩn, Bảy Thạng lên đây nói với tôi và anh Hai Cầu, mở tuyến 1C để đưa 600 tấn vũ khí hiện có ở Stúc Mía về Miền Tây. Con đường đó qua ngang tỉnh mình, anh Tám.

Chú Tám lắng nghe ý chú Tư, một lát chú Tám nói:

- Anh Hai Cầu anh chấp hành chỉ thị của Khu ủy về mở đường tốt lắm. Ảnh chọn đầu cầu là Kinh 5 Mong Thọ - tuyến Cái Sắn đó. Nhưng cái quan trọng là anh xé đơn vị 207 ra chốt mấy trạm dọc tuyến rừng, xé lẻ mà vẫn giữ thế tập trung, khi cần thì tập trung lại đánh như nắm đấm. Con đường 1C nó dài quá, quanh co khúc khuỷu quá. Ta phải dồn công sức trí tuệ dữ lắm. Và phải có dân ủng hộ mới được.

- Anh Tám nói đúng, phải có dân mà trước hết phải được Đảng bộ Rạch Giá - Kiên Giang ủng hộ trước tiên. Nên Ban chỉ huy Đoàn 195 cử tôi báo cáo với anh yêu cầu sắp tới của tuyến đường.

- Hôm họp Thường vụ Tỉnh ủy, có các ngành quân sự, an ninh và Tỉnh Đoàn thanh niên, phụ vận. Anh Hai Cầu có trình bày, nói chung Tỉnh ủy nhất trí hết. Đất Kiên Giang từ đồng ruộng, rừng biển, đồi núi giao cho Ban chỉ huy Đoàn 195 và Liên đội I Thanh niên xung phong sử dụng làm địa bàn vận chuyển và chiến đấu bảo vệ kho bãi vận chuyển.

- Thanh niên, thiếu nữ, phụ nữ Kiên Giang và nói chung là nhân dân Kiên Giang tham gia vào tuyến 1C xây căn cứ, giữ hành lang, khiêng vác đạn, hàng X (súng đạn), tiền vàng (hàng BVK) nói chung mọi thứ đều giao cho tuổi trẻ tuyến đường 1C. Không giao cho họ thì Đảng giao cho ai? Năm luật 10/59 của Mỹ - Diệm ban hành mình gọi “thời kỳ đen tối của Cách mạng miền Nam”, nhưng cũng nhờ lực lượng thanh niên ta mới có mấy đơn vị bộ đội mệnh danh Hòa Hảo dân xã mà đánh Diệm đó.

- Phải phối hợp chiến trường chung, anh Tư cho Đoàn 195 và lực lượng thanh niên xung phong, lực lượng vũ trang đi qua đường, cũng có thể sẵn sàng chiến đấu bảo vệ và mở rộng hành lang, khách cũng là đồng đội, là chiến đấu viên của tuyến đường.

- Tiểu đoàn 306 chủ lực khu và Tiểu đoàn 207 của Rạch Giá phối hợp địa phương quân Tân Hiệp, bố trí 2 trung đội đứng chận phía Bắc lộ Cái Sắn, 3 trung đội phía Nam lộ Cái Sắn, bức giặc rút quanh đồn, đánh quỵ Đại đội Bảo an chi khu Tân Hiệp, diệt 1 đoàn bình định và 1 tiểu đội biệt kích ngụy, giải phóng 43 ấp, khai thông hành lang tuyến 1C tới cầu số 15 (huyện Tân Hiệp).

- Đại đội 3 của Tiểu đoàn Rạch Giá trong 7 ngày kỳ tập 3 trận diệt 3 đồn tam giác cấp trung đội. Ta giải phóng đồng bào Công giáo di cư. Ta giải tỏa kinh Cò Tuất xã Bàn Tân Định - Giồng Riềng. Ngày 28-1-1966, Trung đoàn 31 (Sư 21) và cả 2 chi đoàn xe bọc thép đánh thẳng vào tiểu đoàn 303 chủ lực khu đóng ở Kinh Xuôi (xã Ngọc Chúc - Giồng Riềng). Ta diệt 400 tên, bắn rơi 2 máy bay phản lực, bắn cháy 4 xe M113 và bắn bị thương 8 chiếc khác. Mới đây, Đoàn 195 lập đơn vị 410 và cắt một đại đội bảo vệ “tuyến đầu cầu” để giữ mối đường chính của tuyến 1C cho anh em ta đưa hàng về Nam - rừng Hà Tiên.

- Tới đây ta sẽ có tiền đô-la mua gạo và làm kho bảo vệ gạo ở nhiều điểm trong rừng để chấm dứt nạn đói triền miên của anh em ta.

- Đoàn Thanh niên xung phong và Đoàn 195 là đứa con yêu của Đảng bộ và nhân dân Rạch Giá - Tây Nam Bộ - Chú Tám kết luận rồi bắt tay chú Tư.

2. Mấy hôm nay, cô Sáu Dân từ Trạm 90 về ghé Trạm 80 Hòn Đất (Nam Thái Sơn) thấy chúng tôi đói quá không còn gì ăn, cô rất buồn. Mấy cô chú lấy xoong luộc rau muống (mà rau muống hái ăn riết cũng khó kiếm nữa đó), bông cù nèo. Ăn đã hai thứ đó rồi chị em nữ có sáng kiến cắt bẹ môn nước về đập rửa cho hết mủ ngứa của nó rồi nấu ăn. Muối cũng không có. Cô Sáu nói:

- Các đồng chí ơi, hàng mình còn đọng lại các kho quá nhiều, chỉ tiêu tháng rồi không thực hiện được. Từ ngày Hồng Láng hy sinh, ta khó khăn hơn nhiều.

Cô Sáu lưu ý tình hình vậy rồi ra lệnh cho mấy cô chú thanh niên xung phong trong Trạm 80 lấy hết nếp với đậu xanh (thức ăn bồi dưỡng cho trâu, để cho trâu ăn đủ sức kéo hàng nặng nhưng nay thì trâu chết hết rồi, còn cô chú thanh niên xung phong thì đói lả, đi không nổi) đem ra nấu ăn để mà cầm cự, để con người có sức sống mới tính chuyện vận tải được.

Anh chị em, cô chú thanh niên xung phong ăn một bữa đậu xanh nếp sao mà ngon quá đỗi. Ăn vô là thấy muốn xung phong đi tải hàng ngay. Cô Sáu Dân rất lo lắng. Ở lại thu xếp công việc cho Trạm 80 một buổi.

Chiều đó ở Trạm 80, cô Dân và chú Thủy bảo vệ, ăn cơm xong đi về Trạm 90. Chương trình thì cô Dân định về T3 (văn phòng Khu đoàn) nhưng tới Trạm 80 thấy tình hình đơn vị Hòn Đất như vậy liền ở lại, không về T3, mà về T90 để thu xếp. Cô Út Nhì, cô Sáu Dân, cô Bảy Thu, chú Sáu Thiện lúc nào cũng lội tới lội lui lo chăm sóc các cô các chú ở các đại đội, tiểu đội thiếu thốn khó khăn thế nào. Nói chung các cô chú thiếu gạo, thiếu đường, thuốc trị bệnh, quần áo mặc… thiếu tất cả… Muối cũng thiếu. Chung quanh trạm T80 coi như không còn thứ gì để ăn được nữa.

Tổ chức đi mua gạo nhiều nơi, cũng bị giặc phong tỏa, “đi không về rồi” nên riết rồi đói quá, mấy cô chú lấy tro bếp quậy nước, lóng trong chấm rau ăn. Nước tro mặn mặn thay cho muối ăn rau luộc sống cầm hơi.

Chúng tôi vì ướt đẫm ngày đêm lo đi nhận hàng, chuyển hàng, tránh pháo, dẫn xuồng, vét kinh, lung… nên dầm nước suốt. Riết rồi cả người lác ghẻ nổi đầy. Đầu tóc chí có nùi, rối đanh khó lòng chải gỡ được. Cô Út Nhì mỗi lần ghé thăm T80 là bắt chí cho các cô, gỡ đầu, vá quần áo cho các cô chú.

Chiều này, cô Sáu Dân ăn cơm qua loa, chú Thủy vệ sĩ của cô Sáu Dân cũng ăn rất ít, rồi hai chị em vội theo con đường cộ trâu. Giặc gài một chùm lựu đạn vì chúng biết rõ là ta phải đi theo lối mòn kéo cộ, dễ đi hơn càn rừng. Khi cô Sáu đi một lúc lâu, cô chú ở T80 nghe có tiếng nổ nhỏ, không ai chú ý gì. Nhưng đâu ngờ tiếng nổ đó đã giết chết cô Sáu Dân và chú Thủy mới từ giã T80 ra đi. Một đoàn dân công hỏa tuyến của tỉnh Kiên Giang qua ngay con đường cộ, phát hiện có người của ta hy sinh, biết chắc là gánh Năm Đoàn, nên nhắn tin cho đơn vị thanh niên xung phong ra lấy thây. Anh em sợ giặc nó gài lựu đạn dưới xác người của ta nên không ai lại động đậy, chờ đơn vị ra nhận xác về an táng.

Chú Hai Hồng, cán bộ Đại đội dẫn 1A đi. Tới nơi thì thấy cô Sáu Dân với chú bảo vệ nằm cách nhau 2,5m, cả hai đều nằm sấp, mặt úp xuống đất, cái radio của cô Sáu văng ra lề đường cộ. Thấy 2 xác đều nằm sấp, chú Hai Hồng hồ nghi giặc kích bắn chết nên cảnh giác nó gài lựu đạn dưới xác, chú Hai Hồng cẩn thận lấy dây dù cột 2 ngón chân cái của tử thi 2 cô chú rồi ra xa nằm kéo. Thấy không có gì mới mở dây ra. Mấy chú mới khiêng cô Sáu ra khỏi chỗ cô nằm vài thước tây, lấy vải cao su gói xác đồng đội, buộc kỹ, đào hố chôn tại chỗ. Rồi lấy miếng vải màu bọc cây tràm lớn làm dấu đặng sau dễ tìm. Chôn cô Sáu xong thì trời cũng vừa sáng.

Vậy từ buổi xế chiều, cô Sáu Dân cùng chị em thanh niên xung phong T80 trò chuyện chăm lo cho nhau. Nào ngờ cô ra đi giây lát là vĩnh biệt. Mấy mươi năm sau mới đưa được hài cốt cô về nghĩa trang Hồng Dân - Bạc Liêu an táng.

Lúc chôn cô Sáu Dân, cô chú thanh niên xung phong trong tiểu đội chú Hai Hồng còn phát hiện thấy một cái công sự của anh em bảo vệ kho, bị giặc bắn chết trong cái hầm gần bên 12 người, rồi ai đó lấp đất chôn chung trong đó luôn. Lâu ngày đất sụp lở, đếm đầu lâu mới biết cái hầm chết 12 đồng đội, nhưng không rõ ở đơn vị nào.

Ở tuyến đường 1C, cái chết đầy rẫy quanh người. Vậy mà sự sống vẫn vươn tới, vào mỗi chiều xuất quân đi vận chuyển, không khí lại hăm hở.

(Còn tiếp)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/1c-con-duong-huyen-thoai-a145447.html