1C - con đường huyền thoại

Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

Chương ba mươi bốn

CÔ HUYỆN ÐỘI PHÓ ÐẤT TÂY ÐÔ

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

TRÔI GIẠT RA BIỂN MÀ VẪN SỐNG

4.Từ trạm T80 nữ thanh niên xung phong dẫn đoàn khách về Hòn Ðất để trú ẩn, là cô Tám Ðông. Cô nhanh nhẹn, xinh xắn lắm. Vừa tiếp nhận đơn vị gồm 160 chiến sĩ, tất cả đều học giỏi, trẻ măng. Trên bãi cỏ rộng, họ xếp hàng cho cô Tám sinh hoạt bản đồ hành quân và khẩu, ám, xong thì trời mưa bão.

Lệnh hành quân không thể dừng lại được. Ðồng tràm, rừng thưa, lợi dụng khi mưa, khi có khói đốt đồng, ta hành quân là “êm” lắm. Ðơn vị xếp hàng, đi…

Nữ chiến sĩ thanh niên xung phong dẫn đường cùng tổ của mình là Thanh và Ốc Tiêu. Các cô gọn nhẹ, thành thạo lắm. Nhưng có điều các cô hay bị lác trong người mà mồ hôi ra là ngứa. Trời mưa gió là ngứa. Có người nói các cô là “hàn thư biểu” đó! Ngặt đi với đám con trai bộ đội trẻ này, làm sao mà gãi. Ði tiểu cũng phải khéo léo, không thôi khó coi. Chính mấy bạn nam đi tiểu còn giấu kín trong bụi rậm, phải đợi đếm đủ mới dẫn đi, thôi lạc làm sao? Ði, đội mưa bão đi. Ði, xông pha vào cây cối, càn rừng bụi, đi.

Và phải dừng lại vì là bờ Vàm Rầy. Nơi đây thường có giặc phục kích, nhưng mé doi biển thì có một trạm của ta trú đóng để bảo vệ ở đó. Cô Tám Ðông sinh hoạt đoàn khách lấy vải mưa cột bồng làm trái nổi, gác súng lên trên, thả ra dòng Vàm Rầy, bơi qua rạch.

Hôm đó trời tối đen như mực, chỉ khi sấm chớp mới thấy nhau. Anh em chuẩn bị xong lần lượt xuống dòng rạch thả ra bơi qua mé bờ bên kia, độ hơn 50m. Nhưng có điều là nước chảy xiết lắm.

Qua tới nơi rồi. Bộ đội điểm danh đủ, còn tổ thanh niên xung phong làm giao liên trinh sát dẫn đường mất một, là cô Tám Ðông! Anh em biết lội giỏi bấm đèn pin sát đất bãi mò kiếm. Hai giờ nỗ lực như vậy chẳng ăn thua. Cô Tám mất tích.

Có ý kiến tìm chài, chài, tìm câu kiều kéo vv… nhưng nơi đây chẳng có nhà dân, trạm trực tại doi đã được báo tin và các đồng chí đã phụ tìm mà vẫn không phát hiện được.

Cô Ốc Tiêu xử lý tình huống là giao việc tìm xác cô Tám cho trạm Vàm Rầy vì trạm này của Liên đội thanh niên xung phong T80 phụ trách. Còn tất cả lên đường. Hai giờ sau, đơn vị tới Hòn Ðất. Căn cứ của họ là Lò Ảng, là Hang Hòn, nối nhau chạy thoai thoải không cơ man nào tả xiết. Họ bấm đèn pin, sợ rắn lắm chứ. Nhưng lạ quá, không có rắn. Có lẽ đá lạnh, rắn không ở được, hoặc có một loại cây kỵ rắn mọc ở đây nên rắn sợ.

Họ thu xếp chưa xong thì mây quang đãng và mặt trời nhô lên. Các chiến sĩ băn khoăn về cô nữ thanh niên xung phong dẫn đường mình, đã mất tích!

Bộ đội thâm nhập chiến trường miền Nam qua Hòn Ðất lừng danh chiến khu này đây. Họ nấu cơm cháo, nấu nước pha trà và hát bài “Quê em miền trung du” dìu dặt. Có chiến sĩ lấy Acmonica ra thổi hòa âm.

Cô Tám ôm bọc ni lông, gác cây AK lên trái nổi, bung ra giữa dòng, lạnh quá, cô bị vọp bẻ tay chân, nhờ cái bòng bọc ni lông làm trái nổi cô không bị chìm, nhưng vì không bơi được nên nước thổi từ ngọn rạch ra, đưa cô xuôi về biển.

Nước lòng lạnh thổi thẳng cô ra ngoài biển khơi 5-7km, rồi gió và sóng khi nước lớn đưa cô dần vào bờ. Khi mưa bão, nước biển mặn, biển ấm nên cô không bị vọp bẻ nữa. Cô cử động và buộc mình vào trái nổi. Cô ăn gói cơm vắt với chút muối mè đen. Và ngoài việc sợ cá mập, cô không sợ tàu biển hay giang thuyền của giặc. Cô sẵn sàng tử chiến với chúng bằng khẩu AK trên trái nổi của cô.

Trong bờ, Trạm canh doi Vàm Rầy, mấy đồng chí dùng ống nhòm nhìn ra xa biển, thấy có một vật gì có màu xanh xanh, màu ni lông quen thuộc. Họ tập trung nhau trao ống nhòm nhìn kỹ thì đó là cô Tám còn sống, đang bị dòng triều xoáy theo chiều sóng.

Một chiếc xuồng con bơi ra như dân câu cua, đón cô vào. Họ vừa mừng vì cô thoát chết nên lại đùa giỡn. Thanh niên xung phong là vậy! Chú Ðịnh hỏi:

- Ra ngoài nầy chi vậy cô Tám?

- Tìm tàu giặc bắn chớ chi! Thôi, đừng giỡn, anh vớt em lên dùm cái, em mệt và lạnh lắm rồi nè.

Cô Tám lên xuồng, choàng tấm khăn rằn đồng đội nghe ấm áp thân thương lạ lùng. Họ vui mừng, lời nối lời không sao kết thúc câu chuyện được. Cô mượn chiếc ống dòm, xem nơi cô lênh đênh ngoài khơi, coi như kế trước mặt. Hèn chi tàu giặc nó nhìn xuồng ghe mình xa nó 1-2 ngàn thước nó thấy hết. Cô Tám hỏi:

- Ơ, mà hồi em lấy thức ăn, các anh có thấy không?

Chú Ðịnh đùa:

- Có thấy rõ cô nhai nhai và nuốt.

Cô Tám:

- Không phải vậy đâu, nói dóc!

Hôm sau họ tiễn cô Tám về T80 và báo cáo về T90 cho Ban Chỉ huy mừng là cô Tám còn sống.

Cần Thơ, tháng 11-2006

(Còn tiếp)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/1c-con-duong-huyen-thoai-a145851.html