1C - con đường huyền thoại

* Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

Chương bảy mươi mốt

AI SẼ THẮNG AI?

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

1.Văn phòng Khu Đoàn thời điểm chuyển tiếp của giai đoạn kết thúc chiến tranh đang bước vào nhịp sống khẩn trương với tác phong “nhanh như điện, liệng như máy bay, xoay như chong chóng” và khẩu hiệu “Đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần”. Chú Năm Bang nói với chú Hai Phúc:

- Thường vụ Khu đoàn mời đồng chí về để giao nhiệm vụ mới. Nhiệm vụ này cũng quan trọng không thua chiến trường và công tác chỉ đạo phong trào. Tôi mới đi bên Khu ủy về, Khu ủy giao thêm mình một nhiệm vụ là đào tạo văn hóa cho con em cán bộ cấp tỉnh và Khu bằng cách mở trường. Trường này mang tên trường Tiền Phong.

Chú Hai Phúc:

- Hồi những năm đánh Pháp, Xứ Đoàn thanh niên cứu quốc Nam Bộ cũng đã có mở trường văn hóa tên Tiền Phong phải không anh?

- Đúng như vậy. Trong cơ quan ta, học sinh trường Tiền Phong hiện còn nhiều đồng chí. Đó là Năm Hạnh, Bí thư Khu đoàn, Năm Đoàn giờ là Chánh ủy Liên đội II, Đào Văn Hồng và nhiều đồng chí khác. Phát huy truyền thống này Khu đoàn ta mở trường Tiền Phong đào tạo lực lượng trẻ làm cốt cán cho phong trào sau này.

- Các anh có chuẩn bị cán bộ khung trường chưa.

- Thời gian rất khẩn trương. Ta vừa nhận chỉ thị Khu ủy vừa hình thành bộ máy tổ chức. Lúc đầu ta tập hợp các đồng chí Mạc Liêm ở Kiên Giang, Tư Chiêu ở Cần Thơ và Hai Phúc ở Cà Mau, chính là đồng chí đó. Ban giám hiệu gồm 3 người, Hai Phúc là Hiệu phó phụ trách tổ chức, tài chính, hậu cần. Mạc Liêm phụ trách nội dung, vì đồng chí này có trình độ đại học. Tư Chiêu phụ trách văn nghệ, đời sống ở trường.

Qua buổi làm việc này, chú Hai Phúc đi tìm khắp nơi gom về được 18 giáo viên. Trường khai mạc với 260 học sinh, bám chặt mục tiêu đào tạo xây dựng có nề nếp, hình thành Chi bộ, Chi đoàn, Chi đội thiếu niên tiền phong. Học sinh lớp lớn hình thành A, B huấn luyện quân sự học đường, trang bị vũ khí sẵn sàng chiến đấu khi có giặc. Trường vượt qua khó khăn thiếu thốn mọi mặt, phải hoàn toàn tự lực dù được Khu ủy và Khu đoàn quan tâm chỉ đạo. Ban giám hiệu và học sinh lấy tinh thần phát huy truyền thống cách mạng để dạy và học đạt kết quả cao trong thời điểm chiến tranh ác liệt.

Chú Hai Phúc:

- Báo cáo anh Hai, Khu ủy và Khu đoàn phân công tôi phụ trách trường Tiền Phong, tôi sang anh để nhận kinh phí cho trường…

Chú Hai Sĩ:

- Đồng chí Hai Phúc ơi, những trường kháng chiến như Tiền Phong, Lý Tự Trọng ta phải ưu tiên. Nhưng vì chiến trường các đơn vị Quân khu lại có yêu cầu phục vụ tiền phương, nên ta không có kinh phí cho trường. Chỉ có thể giải quyết cho Hai Phúc nhận kinh phí trường Tiền Phong là giao chỉ tiêu chưa thu đảm phụ ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng mà thu những vùng đặc biệt khó khăn như ven thị xã, thị trấn, chứ vùng giải phóng ta đã thu hết rồi.

Như vậy là chú Hai Phúc phải đến Ban Kinh tài tỉnh Cà Mau gặp ông Ba Thành, ông Năm Thao, chị Năm Nhân, phân bổ tuyến lộ xe từ Tắc Vân đến Cây Gừa, Hộ Phòng, Giá Rai, Long Điền. Ta hình thành 2 tổ để thu, phải tận tụy dũng cảm mới thu được 500 tấn lúa, về chia cho Ban Kinh tài tỉnh, huyện, xã… vì anh em cùng đi thu với mình. Đến nửa năm 1973, Thường vụ Khu Đoàn cho anh Mạc Liêm về Bắc theo yêu cầu của gia đình. Chú Hai Phúc được điều về ở Ban Giám hiệu Trường Nguyễn Chí Thanh. Chú Sáu Huỳnh về làm Hiệu trưởng Trường Tiền Phong thay chú Phúc và chú Liêm…

2.Lại trở về khu Tràm Dưỡng, nơi cô Chín Nguyên cán bộ Trung đội Thanh niên xung phong, mấy năm trước dừng quân đốt lửa lấy ổ ong mật, bị ong đánh phải giăng mùng trốn ong, máy bay địch phát hiện, chúng tập trung hỏa lực bắn chết cô Chín và nhiều đồng chí khác, ghi dấu nơi đây thành cột mốc căm thù. Lần này chú Lương Minh Thâu cán bộ đơn vị Thanh niên xung phong Nguyễn Việt Khái 3, chuyển vũ khí từ Vĩnh Điều vượt qua Tràm Dưỡng Tân Hội để về Cái Sắn giao hàng. Theo thường lệ, lại ghé khu Tràm Dưỡng để nghỉ ngơi, cơm nước rồi mới tiếp tục đi. Lúc treo võng mơ màng, chú Tạ Minh Thâu nhớ lại ngày 19-8-1968 khi đơn vị ta đang hành quân, thấy từ hướng Bảy Núi xuống Tám Ngàn có 2 chiếc “cán gáo” đi cùng 2 chiếc trực thăng vũ trang và 2 chiếc C47 (Cá lẹp). Chú Tư Khánh và chú Bảy Nông khẩn trương giao nhiệm vụ cho chú Thâu: “Đồng chí Thâu cùng đồng chí Nghĩa, đồng chí Tố phải chiến đấu kềm dẫn địch ra khỏi nơi căn cứ an toàn để bảo vệ cán bộ Khu ủy, Quân khu ủy”. Như vậy trong đoàn khách cùng đi với chú Thâu có chú Mười Khẩn, chú Mười Dài, chú Chín Hồng và chú Chín Cửu. Các chú trong tổ chiến đấu: chú Nghĩa với khẩu B40, chú Thâu với khẩu AK, mấy chú vận động về phía Đồng Năn cách Đồng Lung một khoảng rừng độ 100 mét. Ta chạy lướt cỏ, nên địch theo dấu khoanh vùng đổ quân. Lúc 10 giờ, ba chiếc trực thăng “bầu nóc” HU1A mang quân từ Cô Tô bay thẳng hướng đến đơn vị ta. Chúng hạ từ từ thấp xuống, chú Thâu hồi hộp nằm chờ. Bất ngờ 3 chiếc trực thăng ụp xuống đổ quân. Chú Thâu bình tĩnh, lòng nhớ đến tội ác của quân thù đối với quê hương mình, chúng mổ mật moi gan thường dân vô tội. Noi theo gương anh hùng Nguyễn Việt Khái đồng hương, chú Thâu giương súng AK nhắm thẳng vào những chiếc trực thăng chỉ còn cách chú 30 thước, rồi 20 thước. Chú siết cò với những tiếng nổ “đùng, đùng”… Các chú thấy 2 chiếc bốc cháy, khói đen mịt, còn một chiếc chưa trúng đạn, cất lên cố bay thoát. Chú Thâu lại bắn tiếp, hạ nhào cả 3 chiếc. Đây là 3 chiếc trực thăng chở 1 trung đội thuộc Trung đoàn 32, Sư 21 bộ binh Vùng 4 chiến thuật.

Chú Ba Thâu được các chú đề nghị tăng thưởng danh hiệu Dũng sĩ diệt cơ giới địch tại mặt trận Ba Hòn.

(Còn tiếp)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/1c-con-duong-huyen-thoai-a149048.html