1K và tâm lý đám đông

Lâu nay ai cũng thấy người già từ nông thôn ra thành thị ở chơi với con cái thường không được lâu nhưng họ lại rút ra được nhiều nhận xét khá thú vị. Về nề nếp sinh hoạt, cách ăn mặc, ứng xử của người thành phố… tất cả những gì đơn giản với chúng ta nhưng lại trở thành đề tài 'bất khả tri' với các cụ.

Nhưng có một lần, tôi bất ngờ khi nghe câu chuyện giữa các cụ ở nhà chờ xe bus vào dịp cuối tuần. Một cụ ông nói với người bên cạnh: “Ở đây lạ lắm ông ạ, cái thì bán 99 ngàn, cái thì bán 199 ngàn chứ không phải 100 ngàn hay 200 ngàn như dưới quê mình. Rẻ được có 1 ngàn mà người ta đổ xô đi mua háo hức lắm, trong khi đó riêng cái vé gửi xe đã mất đến mấy ngàn rồi”.

Nhưng vừa nghe xong, một bà cụ ngồi gần đó dẫu chẳng quen biết gì nhưng đã vội lên tiếng giải thích: “Ông ơi, thế là ông không biết rồi, cái này nó gọi là “N, 99”. Thế ông có biết lời được 1k ấy là bao tiền không? Không phải lúc nào 1k cũng bằng 1 ngàn đồng mà nó là sự trân trọng, 1k mà được làm thượng đế thì hời quá còn gì nữa, ai chả muốn?”.

Câu chuyện của các cụ thật hóm hỉnh. Ai bảo các cụ đã già khi trí tuệ còn minh mẫn, suy nghĩ mạch lạc và hài hước như thế. Chợt nhớ đến khuôn mặt căng thẳng, sốt ruột của mình vì xe chưa tới, người viết giật mình nghĩ đến cái gì đó tựa như tâm lý đám đông. Biết đâu, chỉ các cụ già ngồi đây là đang ngồi đây là đang tỉnh táo còn mình và dòng ngươi hối hả trên phố kia đang “say”, một “cơn say” với những “N,99”, “siêu sale”, “0 đồng”…và luôn coi đó như một sắc màu của cuộc sống này. Chúng ta háo hức mang về xây đắp tổ ấm bằng những mặt hàng “N,99k” ngon bổ rẻ và niềm vui vị thế của các “thượng đế” trên thị trường. Nhưng thật sự đã xứng tầm với hai cái gọi là người đô thị hay chưa?

Tưởng chỉ nói cho vui, nhưng hóa ra đã có một câu chuyện 1K đã được cư dân mạng quan tâm trong ít ngày gần đây. Chuyện là, một anh chàng shipper khi đi ship hàng cho một cô gái trẻ đã tự đẩy giá từ 139k (139.000 đồng) lên cho tròn 140k (140.000 đồng) và sau đó bị khóa tài khoản rồi… mất việc. Trước đó, vị khách hàng trong giao dịch này đã thẳng thắn: "anh ơi, em là người đặt kimbab hồi nãy và em có nhờ người nhà nhận đồ. Trên app báo em là 139k (139.000 đồng - PV) mà anh báo lại với nhà em là 140k. Em không tiếc gì 1k nhưng mà anh hãy báo với đúng giá trên app giúp em. Làm thế này shipper không thành thật với khách hàng" (theo: An An/VOV.VN).

Lồng sắt bịt kín lối thoát hiểm của nhà ống.

Cụm từ “không thành thật với khách hàng” mà cô gái nhắc đến hẳn là một giá trị lớn hơn so với 1k (1.000 đồng) kia. Nó cũng không đơn giản chỉ là cách làm tùy tiện kia mà còn ở thái độ, tinh thần phục vụ. Điều này đâu chỉ gây bức xúc với riêng cô gái trẻ đặt mua kimbab mà còn khiến nhiều người không hài lòng vì đã đang đi ngược lại xu thế của xã hội: tạo dựng thương hiệu và uy tín. Khi hàng bán ra phải được bảo hành, khách hàng được đổi trả khi có lỗi kĩ thuật thì chẳng có lý do gì để shipper cộng thêm dù chỉ là 1.000đ cái không thuộc về một chi phí nào khác. Anh ta đã nhầm, đúng như bà cụ đã nói, 1k ấy không chỉ là 1 ngàn đồng mà là giá trị của niềm tin, của sự trân trọng, của văn hóa kinh doanh…

Nói đến đây, có người sẽ viện dẫn cho cái gọi là tình người, là văn hóa ứng xử của thế hệ trẻ trước 1k so với quan niệm “chín bỏ làm mười” của văn hóa truyền thống của người Việt. Bằng chứng là: giới trẻ có thể bỏ ra khoản tiền từ vài trăm ngàn đồng đến cả chục triệu đồng theo những trend mua sắm nhưng lại khắt khe với người hàng ngày lăn lộn trên mặt đường nóng bỏng như anh shipper chỉ vì 1k chăng? Và rất có thể trong trường hợp 1k này anh shipper chỉ vì muốn giản tiện cho việc không có 1k tiền lẻ thối lại cho khách hoặc không muốn gặp khó bởi 1k trong giao dịch. Xin thưa rằng, nếu đặt các vấn đề trong mối tương quan sẽ thấy giữa các suy luận sẽ tìm ra điều gì đúng hơn, hợp lý, thuyết phục hơn, trở thành nguyên tắc sống và ngược lại là cái gì cần phải loại bỏ.

Gần đây, câu chuyện về những căn nhà ống, sự gia cố bằng lồng sắt (chuồng cọp) và hệ lụy không có lối thoát khi xảy ra hỏa hoạn cũng là bài toán khá đau đầu với các nhà quản lý và từng người dân. Xem ra, việc phải kín cổng cao tường để đảm bảo an ninh trước nạn trộm cắp là điều ai cũng nhận thấy. Chắc hẳn, nhiều người chưa quên 12 năm trước khi kẻ sát nhân Lê Văn Luyện đã tấn công vào tiệm vàng Ngọc Bích (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang). Theo ảnh chụp tại hiện trường khi ấy thì cửa sổ ban công tầng 3 của ngôi nhà nạn nhân chỉ có lan can thấp. Ngoài ra, còn không ít vụ việc thương tâm khi các cháu nhỏ ngã từ tầng cao vì không có lưới sắt, rào chắn.

Nêu ra giải pháp cho vấn đề này, KTS Lê Tùng, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng thương mại Phương Bắc cho rằng: “chủ nhà có thể áp dụng các giải pháp thiết kế lối thoát hiểm: Ban công, lô gia, sân thượng, giếng trời, cửa phụ, ô thoáng và cửa sổ các phòng, cửa sổ trước và sau của căn nhà... Với ban công, lô gia: Đây là lối thoát hiểm hữu hiệu và có tính thẩm mỹ cao. Trường hợp nhà cháy, các thành viên có thể mở cửa để ra ngoài ban công, lô gia kêu cứu. Nếu ban công không dùng lan can mà quây lưới, khung sắt thì cần có ô cửa mở bằng bản lề, có khóa để mở trong trường hợp cần thiết. Sân thượng và giếng trời cũng là khu vực có khoảng trống lớn, thoáng giúp thoát hiểm hữu hiệu không kém ban công. Giếng trời trong nhà phố còn giúp thông khí và thoát khói thẳng lên trên” (theo: Dạ Khánh-Báo Hà Nội mới).

Rõ ràng lối thoát hiểm không phải là bài toán khó nhưng tại sao rất ít gia chủ nghĩ đến phương án xấu nhất và cũng quan trọng nhất đó là bảo toàn tính mạng. Theo người viết, thiếu lối thoát hiểm không chỉ là một hạn chế, một khiếm khuyết của thiết kế mà đó là điểm yếu trong thói quen, lối nghĩ. Chúng ta mang tâm lý đám đông, tâm lý ỉ vào số đông để nhận định chứ ít mang giá trị thực tế.

Hình ảnh lễ trưởng thành của học sinh lớp 9 Trường THCS Mạo Khê 2.

Để làm rõ điều này, xin kể một câu chuyện khác. Tại Lễ ra trường học sinh khối 9 Khóa 2019 - 2023 của Trường THCS Mạo Khê 2 (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) được tổ chức hoành tráng với hàng chục bàn ăn. Chỉ cần nhìn vào quang cảnh này hẳn nhiều người đã đặt ra những câu hỏi về mục đích tổ chức, nguồn kinh phí đóng góp… bởi thấy một hình ảnh “bất thường”.

Nhưng rồi khi được nghe bà Trần Thị Ánh Tuyết, Hiệu trưởng Trường THCS Mạo Khê 2 chia sẻ chúng ta mới hiểu ra: “chi phí này được trung tâm tổ chức sự kiện đài thọ hoàn toàn cho nhà trường. Bởi trước đây, chủ trung tâm này cũng có con học tại trường nên rất tạo điều kiện để trường tổ chức. Đồng thời, nhà trường không thu bất kỳ một khoản tiền nào của phụ huynh cho sự kiện này. Phụ huynh chỉ tài trợ hoặc ủng hộ phần thưởng trao cho các em học sinh giỏi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn" (theo Bá Duy-vov2.vn).

Nếu mọi thông tin đúng như trong bài báo thì giải pháp xã hội hóa mà nhà trường có được để tổ chức Lễ ra trường cho thấy một sự đầu tư cả về ý tưởng tổ chức và vật chất từ các bên cũng rất đáng trân trọng. Đã đến lúc chúng ta đưa các hoạt động giáo dục trở thành một hoạt động nổi bật, nhưng đồng bộ với nó là cách thức hoạt động và kỉ cương, chất lượng giáo dục và nề nếp hàng ngày. Nên nhớ rằng, mọi hoạt động của một nhà trường đều tác động không nhỏ đến nhận thức của các thế hệ học sinh chứ không chỉ có các bài giảng. Bởi thế, không phải lúc nào tư duy nhỏ lẻ, giải quyết êm xuôi, nhanh gọn… cũng là giải pháp đúng.

Suy cho cùng 1k hay mấy chục mâm cỗ đều không quan trọng bằng bản chất của sự việc, của hành động. Hãy sống bằng sự tỉnh táo và quyết đoán của chính mình, đừng để chỉ vì nghĩ đơn giản mà anh vô tình bị tổn thương nặng nề, bị mất việc, bị bêu lên diễn đàn, mà việc hoàn toàn không đáng. Đừng để mình thành nạn nhân trước tâm lí đám đông như anh shipper kia…

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/1k-va-tam-ly-dam-dong-i695301/