2 thời điểm uống sữa đậu nành mang lại nhiều tác dụng với cơ thể

Sữa đậu nành là thức uống thơm ngon, bổ dưỡng được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, chắc chắn không phải ai cũng biết đầy đủ lợi ích của nó và uống như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất?

Đậu nành nguyên chất sau khi ngâm vài tiếng đồng hồ và qua xử lý từ máy xay nấu sẽ trở thành sữa đậu nành thơm ngon, giàu dinh dưỡng. Công hiệu của loại thức uống này thậm chí đã được biết đến và ghi chép từ rất xưa. Điển hình trong “Bản thảo cương mục” có viết: “Sữa đậu nành lợi tiểu, hạ khí, giải độc rất tốt”.

Thành phần dinh dưỡng trong sữa đậu nành đặc biệt phong phú. Nó không những có chứa nhiều loại khoáng chất cần thiết cho cơ thể, như sắt, kẽm, canxi, magie và nhiều vitamin như vitamin B, C, E, K v.v… Sữa đậu nành còn cung cấp hàm lượng protein, Isoflavones, Saponin, Lecithin High Potency và axit béo không bão hòa.

Theo đông y, sữa đậu nành có tác dụng bồi bổ cơ thể suy nhược, làm mát gan, thanh phổi, tiêu viêm, làm sạch đường ruột và thông đại tiện. Có thể thấy, nếu sữa đậu nành được pha chế đúng cách và dùng đúng thời gian, phương pháp thì sẽ trở thành một nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho sức khỏe của bạn.

Công hiệu dưỡng sinh và phòng ngừa bệnh tật từ sữa đậu nành

Bên cạnh những tác dụng theo như đông y đã ghi chép lại thì sữa đậu nành trải qua các nghiên cứu, thực nghiệm của y học hiện đại cũng thể hiện nhiều công hiệu đối với sức khỏe con người.

Giảm thiểu lượng mỡ sinh ra trong cơ thể

Theo báo cáo y học đăng trên tuần san “Toxicology” thì thành phần Isoflavones trong sữa đậu nành có thể làm ức chế sự sinh ra lượng mỡ trong cơ thể con người. Từ đó hỗ trợ tốt cho những người muốn giảm thể trọng hoặc duy trì một vóc dáng cân đối, khỏe mạnh.

Phòng ngừa ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt

Cũng chính là thành phần Isoflavones, một trong những chất kháng ung thư hữu hiệu, nó khiến cho sữa đậu nành có thêm tác dụng kiểm soát lượng Estrogen trong cơ thể, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Theo nghiên cứu đăng trên tuần san “Carcinogenesis” cho thấy, những người lúc nhỏ đã có thói quen uống sữa đậu nành thì khi trưởng thành sẽ càng ít có nguy cơ bị ung thư vú.

Ngoài ra, một nghiên cứu khác cũng phát hiện, nam giới uống sữa đậu nành với một lượng thích hợp cũng giảm được nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt.

Kiểm soát lượng đường trong máu

Nghiên cứu của trường đại học Massachusetts (Hoa Kỳ) phát hiện, sữa đậu nành và các thực phẩm chế biến từ đậu nành đều có thể giảm mức độ đường trong máu. Điều này hỗ trợ rất tốt cho những bệnh nhân bị tiểu đường.

Phòng ngừa bệnh tim mạch

Các thành phần như protein, Isoflavones, Saponin trong sữa đậu nành còn có tác dụng giảm nồng độ cholesterol xấu trong cơ thể, ngăn ngừa xơ cứng động mạch, giảm nguy cơ mắc bệnh liên quan đến huyết quản và tim mạch.

Duy trì sự khỏe mạnh của não bộ

Lecithin High Potency trong sữa đậu nành có thể nâng cao sức sống cho bộ não, tăng cường trí nhờ và cải thiện chứng mệt mỏi, đau đầu.

Cải thiện môi trường đường ruột, ngừa táo bón

Bác sĩ gia đình Lâm Nhật Hoa cho biết, sữa đậu nành có chứa chất xơ thực vật với lượng đường thấp có lợi cho sự sinh trưởng của những lợi khuẩn trong đường ruột. Vì vậy, uống sữa đậu nành còn giúp cải thiện sức khỏe đường ruột, đồng thời làm cho quá trình đại tiện dễ dàng, đều đặn hơn.

Ngăn ngừa loãng xương

Isoflavones có trong sữa đậu nành có giúp cơ thể người hấp thu canxi tối ưu, giúp ngăn ngừa chứng loãng xương, đặc biệt là ở phụ nữ.

Vậy uống sữa đậu nành lúc nào thì tốt nhất?

Nhà dinh dưỡng học Kanzaki tomoko (Nhật Bản) đã chỉ ra rằng, sữa đậu nành có thể dùng mọi lúc trong ngày vì nó ít khi có tác dụng phụ, nhưng nếu muốn các thành phần dinh dưỡng phát huy tối ưu thì bạn nên lập thực đơn uống sữa đậu nành vào 2 thời điểm này trong ngày.

Thứ nhất chính là uống sau buổi sáng thức dậy, tức là dùng cùng lúc với bữa ăn sáng. Lúc này cơ thể con người càng dễ dàng hấp thu các dưỡng chất trong sữa đậu nành, và còn giúp bạn thuận lợi hơn cho việc tiểu tiện, đại tiện vào sáng sớm.

Thời điểm thứ hai chính là buổi tối trước khi ngủ khoảng 1 đến 2 tiếng đồng hồ. Bởi vì thời gian này cơ thể dễ hấp thu Isoflavones trong sữa đậu nành, ngoài ra nó còn kiểm soát tốt sự tái tạo mỡ vào ban đêm, hỗ trợ cho người muốn giảm cân.

Chú ý gì khi uống sữa đậu nành?

Theo ông Kanziki tomoko thì uống sữa đậu nành cần phải chú ý thành phần của nó và tốt nhất là uống khi còn ấm. Rất nhiều người để sáng tạo thêm hương vị nên có thói quen thêm đường, muối, dầu thực vật hoặc cả nước ép trái cây khi chế biến sữa đậu nành. Thực ra bạn vẫn có thể uống như thế nhưng để giữ được tác dụng tối ưu nhất từ đậu nành thì vẫn nên uống nguyên chất chỉ với thành phần đậu nành mà thôi.

Ngoài ra, chuyên gia dinh dưỡng còn kiến nghị mỗi ngày chỉ nên uống khoảng 200ml sữa đậu nành nguyên chất. Nếu muốn cải thiện chứng táo bón thì bạn có thể chia ra hai buổi sáng tối trong ngày với mỗi lần uống là 100ml. Sữa đậu nành cũng sẽ phát huy công hiệu tốt nhất khi uống nóng, tức là lúc nhiệt độ vừa đủ ấm để uống.

Theo Em đẹp

Nguồn Khỏe Plus: http://khoeplus24h.vn/khoe-a-z/2-thoi-diem-uong-sua-dau-nanh-mang-lai-nhieu-tac-dung-voi-co-the-796389.html