2 triệu USD giúp giảm tình trạng tử vong khi sinh con tại vùng dân tộc thiểu số

Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam phối hợp Bộ Y tế khởi động dự án nhằm giảm tình trạng tử vong mẹ vùng dân tộc thiểu số tại sáu tỉnh ở địa bàn khó khăn. Dự án có kinh phí hơn 2 triệu USD.

Em bé K'Ho bên mẹ (xã Rô Men, huyện Đam Rông, Lâm Đồng). (Ảnh: Nguyễn Minh Đức)

Em bé K'Ho bên mẹ (xã Rô Men, huyện Đam Rông, Lâm Đồng). (Ảnh: Nguyễn Minh Đức)

Những phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ đang mang thai ở 60 xã dân tộc thiểu số thuộc vùng sâu, vùng xa của sáu tỉnh khó khăn nhất bao gồm Bắc Cạn, Lai Châu, Sơn La, Đắc Nông, Kon Tum và Gia Lai, sẽ được hưởng lợi từ các can thiệp đổi mới sáng tạo nhằm ngăn chặn tình trạng tử vong mẹ khi có thể phòng ngừa được.

Đây là mục tiêu quan trọng của dự án “Không để ai bị bỏ lại phía sau: Các can thiệp đổi mới sáng tạo nhằm giảm tình trạng tử vong mẹ tai các vùng dân tộc thiểu số tại Việt Nam” do Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, Merck Sharp & Dohme - MSD HH tại Việt Nam, quỹ MSD cho các bà mẹ (MSD for Mothers) ký kết ngày 24/9.

Dự án do MSD for Mothers và MSD Việt Nam tài trợ với số tiền 1,2 triệu USD. Đây là một trong những sáng kiến quan trọng nhất nhằm giảm tình trạng tử vong mẹ vùng dân tộc thiểu số tại sáu tỉnh thuộc khu vực trung du và miền núi phía bắc và khu vực Tây Nguyên.

Chương trình hướng tới các can thiệp đổi mới sáng tạo, chú trọng vào những nhu cầu đặc biệt của phụ nữ dân tộc thiểu số - những đối tượng có nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển bền vững của đất nước.

UNFPA sẽ phối hợp thực hiện dự án với Bộ Y tế, Sở Y tế sáu tỉnh dự án và các tổ chức xã hội dân sự trong nước trong giai đoạn từ 1/9/2021 đến 30/9/2024. Ngoài đóng góp tài chính từ MSD for Mothers và MSD Việt Nam, UNFPA cam kết tài trợ riêng cho dự án 810 nghìn USD, nâng tổng số tiền tài trợ lên hơn 2 triệu USD.

Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục của người dân trong vòng 20 năm qua. Nước ta là một trong sáu quốc gia duy nhất trên thế giới đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ số 5 (MDG5) về giảm tình trạng tử vong mẹ vào năm 2015.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại sự chênh lệch và bất bình đẳng trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục giữa các dân tộc và vùng miền.

Các bằng chứng hiện tại cho thấy, mặc dù tỷ lệ tử vong mẹ ở cấp quốc gia đã giảm xuống còn 46 ca tử vong trên 100.000 trẻ đẻ sống, nhưng tỷ lệ này vẫn ở mức cao với 100-150 ca tử vong trên 100.000 trẻ đẻ sống ở các vùng miền núi và vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở các khu vực: trung du, miền núi phía bắc và Tây Nguyên.

Trong số các ca tử vong mẹ tại khu vực trung du và miền núi phía nắc, phụ nữ thuộc nhóm dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương chiếm tỷ lệ cao. Thí dụ, như phụ nữ dân tộc H’Mông chiếm 60% và phụ nữ dân tộc Thái chiếm 17%. Tại khu vực này, tỷ số tử vong mẹ ở các bà mẹ là người dân tộc H’Mông cao gấp 7 lần so với phụ nữ dân tộc Kinh.

Hơn một nửa số ca tử vong mẹ xảy ra tại các bệnh viện tuyến huyện và tỉnh do năng lực quản lý các biến chứng thai sản của các cơ sở y tế vẫn còn hạn chế.

Ngoài ra, vị trí địa lý xa xôi, khó tiếp cận, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, rào cản văn hóa và hiểu biết hạn chế về các biến chứng thai sản cũng là những nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong mẹ gia tăng.

Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục toàn diện, có chất lượng và tự nguyện cho đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực quản lý cấp cứu sản khoa ở các khu vực miền núi; đi cùng việc xây dựng mạng lưới cô đỡ thôn bản ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Dự án cũng sẽ lồng ghép biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 vào chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục hiện có.

Trong bối cảnh chuyển đổi kỹ thuật số, các can thiệp đổi mới sáng tạo cũng bao gồm các can thiệp chăm sóc sức khỏe từ xa, trong đó có các ứng dụng điện thoại thông minh sử dụng internet để cải thiện việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục ở các vùng dân tộc thiểu số.

Dự án cũng sẽ thực hiện giáo dục sức khỏe theo hướng đổi mới sáng tạo và huy động sự tham gia của cộng đồng nhằm thúc đẩy việc sinh con an toàn trong cộng đồng dân tộc thiểu số.

NGÂN ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-y-te/2-trieu-usd-giup-giam-tinh-trang-tu-vong-khi-sinh-con-tai-vung-dan-toc-thieu-so-666562/