2 tuổi không biết nói, mẹ ngỡ ngàng hay tin con mắc tự kỷ

24 tháng, đứa con được chị Đính kể rằng phải đi cầu khẩn khắp nơi để có vẫn không biết nói như những đứa trẻ cùng trang lứa.

Dấu hiệu nhận biết sớm chứng bệnh tự kỷ Y học cổ truyền nhìn nhận tự kỷ có xu hướng kéo dài trong cuộc sống và sửa chữa được nếu phát hiện sớm.

Năm 2014, chị Nguyễn Thị Đính (đã đổi tên, sinh năm 1985, ở Gia Viễn, Ninh Bình) sinh bé trai đầu lòng Nguyễn Ngọc Linh. 24 tháng, đứa con được chị kể rằng phải đi cầu khẩn khắp nơi để có vẫn không biết nói như những đứa trẻ cùng trang lứa. Chị đưa con đến bệnh viện khám và ngỡ ngàng khi bác sĩ chẩn đoán bé bị tự kỷ. Được bạn bè giới thiệu, người mẹ vượt hơn nghìn cây số đưa con đến Bệnh viện Châm cứu Trung ương.

Dấu hiệu sớm của chứng bệnh tự kỷ

ThS.BS Dương Văn Tâm, Trưởng khoa Điều trị Liệt vận động ngôn ngữ trẻ em - người trực tiếp điều trị cho bệnh nhi này - cho hay đa số trẻ mắc tự kỷ được đưa đi khám và phát hiện bệnh khi bị chậm nói.

Với bé Linh, đây là đợt điều trị thứ 4, mỗi đợt trước đó kéo dài gần một tháng. Để điều trị cho bé, bác sĩ dùng kỹ thuật điện châm, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt tác động lên các huyệt đạo, đồng thời cho bé tham gia các hoạt động tập thể, giáo dục hòa nhập, trò chuyện với chuyên gia tâm lý.

Ở những đợt điều trị đầu, Linh giãy giụa khiến bác sĩ rất khó khăn khi châm cứu. Đến nay, bệnh nhi này đã quen và chấp nhận hợp tác để châm cứu. Đặc biệt, bé đã biết gọi mẹ và nói theo lời người lớn dạy.

Theo chuyên gia này, y học cổ truyền nhìn nhận nguyên nhân trẻ mắc tự kỷ là thời kỳ bào thai nhận được "tinh cha huyết mẹ" kém dẫn tới tình trạng chậm sinh trưởng, phát dục sau khi ra đời, biểu hiện với những chứng trạng như chậm giao tiếp, chậm khôn, chậm xúc cảm và chậm nói.

Tự kỷ chủ yếu biểu hiện ở những rối loạn quan hệ xã hội, trẻ thường thu mình, không tiếp xúc, giao lưu với bên ngoài, không biểu lộ cảm xúc kể cả với người thân, anh em, bạn bè.

Đặc biệt, trẻ tự kỷ thường mắc kèm các hội chứng như chậm phát triển về trí tuệ, rối loạn về giấc ngủ, nhai, nuốt, đại tiểu tiện, và mắc các bệnh lý kèm theo như động kinh, tăng động giảm chú ý…

“Ở nước ta, số trẻ đến khám và điều trị ở các cơ sở đông y và tây y ngày một tăng. Tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương, chỉ riêng khối nhi của bệnh viện tiếp nhận điều trị cho hơn 100 trẻ tự kỷ mỗi ngày. Hàng năm chúng tôi thu nhận hơn 1.000 lượt cháu điều trị tự kỷ. Thực tế trong 5 năm qua, số lượng bệnh nhi đến điều trị ngày một tăng”, thạc sĩ Tâm cho hay.

Chuyên gia khuyến cáo phát hiện tự kỷ muộn sẽ khiến việc chữa bệnh khó khăn hơn. Do đó, cha mẹ nên theo dõi những dấu hiệu sớm như trẻ sơ sinh khóc dạ đề quá nhiều; trẻ ít khóc hoặc ít biểu hiện giao tiếp với thế giới bên ngoài; trẻ 3 tháng không biết hóng chuyện, nhìn theo; trẻ một tuổi không biết phát âm những từ đơn; 16 tháng chưa biết chạy nhảy; 24 tháng không biết nói câu có 2-3 từ; không biết làm theo chỉ bảo của người lớn.

Thạc sĩ Dương Văn Tâm. Ảnh: Hà Quyên.

Thạc sĩ Dương Văn Tâm. Ảnh: Hà Quyên.

Chữa tự kỷ là một hành trình dài

Theo thạc sĩ, bác sĩ Tâm, y học cổ truyền nhìn nhận tự kỷ có xu hướng kéo dài trong cuộc sống và có thể sửa chữa được.

Theo đó, trẻ mắc tự kỷ có các tổn thương ở các tạng phù, kinh mạch với những mức độ khác nhau. Do đó, các bác sĩ sử dụng các kỹ thuật của y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại, tác động vào huyệt vị để điều trị các chứng bệnh này.

“Y học cổ truyền dựa trên những chứng trạng tổn thương của trẻ để đề ra các pháp điều trị và công thức huyệt vị bằng những kỹ thuật điện châm, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt, cấy chỉ đồng thời kết hợp với các chuyên gia khác, chuyên ngành khác để phát hiện sớm, sàng lọc sau đó là can thiệp sớm, tích cực giúp các bé hòa nhập cuộc sống, cải thiện cuộc sống”, bác sĩ Tâm cho hay.

Theo chuyên gia này, tự kỷ có xu hướng kéo dài. Do đó, bác sĩ chữa trị cho bệnh nhân theo từng đợt, mỗi đợt can thiệp là một tháng (theo quy chế bảo hiểm, đỡ gánh nặng cho bệnh nhân), mỗi đợt cách nhau 15 ngày.

“Mỗi trẻ có thể điều trị 5-7 đợt/năm, thậm chí 10 đợt, kéo dài trong nhiều năm. Thực tế, chúng tôi đã có những nghiên cứu và tổng kết để so sánh trước và sau điều trị, cho thấy có sự khác biệt rất có ý nghĩa về sự cải thiện các chứng trạng rối nhiễu của trẻ”, bác sĩ Tâm nói thêm.

Để tránh trẻ sinh ra mắc tự kỷ, các cha mẹ có kế hoạch sinh con cần chú ý bồi dưỡng, giữ gìn sức khỏe, không tiếp xúc, làm nghề độc hại, hoặc các tác nhân có hại cho sức khỏe như hóa chất, nhiệt độ cao, sóng từ trường của các thiết bị điện tử,… để tránh gây nên sự rối loạn gen. Thai phụ nên duy trì khám thai đầy đủ, sinh và nuôi dưỡng con theo phương pháp khoa học.

Đặc biệt, cha mẹ phải luôn để ý đến con mình, đồng thời căn cứ những mốc phát triển của bé. Nếu thấy con chậm phát triển hoặc rối loạn phát triển về các mặt quan hệ xã hội, ngôn ngữ, hành vi, sở thích, phải đưa đi khám càng sớm càng tốt để được can thiệp sớm và tích cực ngay từ đầu.

Hà Quyên - Duy Anh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/2-tuoi-khong-biet-noi-me-ngo-ngang-hay-tin-con-mac-tu-ky-post931671.html