20 năm nữa, ASEAN đã 'già'?

20 năm tới - năm 2040, khi ASEAN đã bước qua tuổi 70, liệu rằng Hiệp hội có còn được phát triển gắn kết và thịnh vượng như hiện tại hay không. Đó là trăn trở của rất nhiều người khi ASEAN đang phải đối mặt với không ít sóng gió từ bên trong lẫn bên ngoài.

Khi ASEAN được thành lập tháng 8/1967, những người sáng lập không khẳng định tổ chức mới được thành lập của họ sẽ tồn tại trong 52 năm như hiện nay. Tất cả những gì họ muốn làm vào lúc đó là đảm bảo rằng họ tập hợp với nhau, tận mắt nhìn thấy nhau và cam kết gặp lại vào lần tới.

ASEAN thúc đẩy hợp tác với các tổ chức xã hội hướng đến cộng đồng. (Nguồn: asean.org)

Do vậy, cũng thật khó để dự đoán điều gì sẽ xảy ra với ASEAN trong vòng 20 năm tới, khi thế giới tiến tới Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4IR) và Internet vạn vật. Tuy nhiên, những gì mà ASEAN có được trong vòng 5 thập kỷ qua khiến chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào những điều tốt đẹp sẽ đến với Hiệp hội.

Sau 5 thập kỷ, ASEAN đã có được một vai trò trung tâm, dựa trên sự tôn trọng triệt để nguyên tắc không can thiệp và không sử dụng vũ lực. Hơn nữa, các quốc gia ASEAN cũng đã duy trì được những nguyên tắc cốt lõi của Hiệp hội, đặc biệt là nguyên tắc đồng thuận.

Cộng đồng dũng cảm và mạnh mẽ hơn

Cuối năm 2017, khi lên kế hoạch đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN cho năm 2019, Thái Lan đã có các cuộc thảo luận với tổ chức Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) tại Jakarta liên quan đến việc thực hiện một nghiên cứu về tương lai của ASEAN trong năm 2040.

ERIA đồng ý với đề xuất này và dành gần 2 năm tập hợp 60 học giả và chuyên gia về ASEAN và Đông Á để làm việc trong dự án. Kết quả là một báo cáo 5 tập mang tựa đề “Tầm nhìn ASEAN 2040: Hướng tới một Cộng đồng ASEAN dũng cảm và mạnh mẽ hơn” đã được chính thức trao cho Bộ Ngoại giao Thái Lan hồi tháng 4 vừa qua. Báo cáo này sẽ được phân phát cho các quan chức cấp cao ASEAN để họ thảo luận thêm.

Báo cáo tập trung vào những thách thức mới mà ASEAN đang phải đối mặt trước mắt và dài hạn. Rõ ràng, khả năng tồn tại của ASEAN phụ thuộc nhiều vào khả năng trụ vững trước sức ép bên ngoài gây ra bởi những thay đổi trong bối cảnh địa chính trị và địa kinh tế. Bất cứ điều gì mà ASEAN dự tính làm trong tương lai sẽ được theo dõi chặt chẽ vì trung tâm của kinh tế toàn cầu đang dịch chuyển tới khu vực này. Vào năm 2040, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ nằm trong số 4 nền kinh tế hàng đầu thế giới tính bằng sức mua tương đương (PPP).

Trong hai thập niên tới, khu vực này và thế giới sẽ ở giữa cuộc "chuyển đổi số" của 4IR, vốn sẽ có cả thuận lợi lẫn khó khăn cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Do vị trí địa lý là một thị trường toàn cầu đang tăng trưởng nhanh, nơi đồng quy của sự tăng trưởng thương mại và đầu tư Ấn Độ - ASEAN - Trung Quốc, ASEAN sẽ vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ vì khối này có ít khả năng công nghệ, nhân lực có tay nghề cũng như chuyên môn khoa học và kỹ thuật so với Trung Quốc, Ấn Độ hoặc Nhật Bản, cũng như những nền kinh tế tiên tiến ở Đông Bắc Á.

Trong bối cảnh đó, báo cáo nhấn mạnh rằng, ASEAN phải dũng cảm bước lên phía trước hướng tới 2040 để biến đổi Cộng đồng ASEAN và giữ vững vị trí của tổ chức này trong khu vực và toàn cầu.

Báo cáo đưa ra một loạt những nhiệm vụ phải làm trong những năm tới, bao gồm việc tiếp tục nguyên tắc lãnh đạo tập thể chứa đựng tính trung tâm của ASEAN; Thích nghi và sáng tạo; Khai thác cuộc chuyển đổi số của 4IR; Nắm lấy những công nghệ mới và những tập quán tốt nhất để đạt được sự bền vững mang tính kiên cường và đảm đảo an ninh năng lượng; Không ngừng hội nhập và kết nối ASEAN thông qua những tập quán lập quy và quản trị tốt; Tập trung vào trao quyền, bao gồm cả người dân; Khai thác các mạng lưới công nghệ mới và can dự với người dân để xây dựng một ý thức bản sắc sâu sắc; Được hỗ trợ bởi một hệ sinh thái thể chế hiệu quả cho Cộng đồng ASEAN.

Logo ASEAN Thái Lan 2019. (Nguồn: BTK ASEAN)

Cần phá bỏ "lô cốt" ngầm

Đối với việc cải cách các thể chế của ASEAN, báo cáo đưa ra 5 khuyến nghị: Thứ nhất, xây dựng các thể chế quốc gia phù hợp với những chiến lược tổng thể của ASEAN. Thứ hai, phá vỡ những "lô cốt" ngầm trong ASEAN và cải thiện sự hợp tác trong ba cộng đồng ASEAN. Thứ ba, cải cách Ban Thư ký ASEAN để cơ quan này trở thành một nguồn kỹ thuật tiên tiến hơn và là nơi theo dõi mạnh mẽ việc thực hiện. Thứ tư, đưa ra một cơ chế nhằm xem xét lại và phân tích các cơ cấu chính sách và quy định trên khắp các nền kinh tế ASEAN để chính phủ các nước thành viên cân nhắc. Thứ năm, khuyến khích các thể chế nghiên cứu khu vực và các nhóm cố vấn làm việc chặt chẽ hơn với Ban Thư ký và những cơ quan khác của ASEAN. Khu vực tư nhân và xã hội dân sự cũng nên được can dự như thế.

Điều quan trọng nhất, bản báo cáo chỉ ra rằng, ASEAN cần củng cố ý thức làm chủ của người dân đối với tầm nhìn và sứ mạng của ASEAN.

Báo cáo kết luận: “Cùng với thời gian, tổ chức này phải xây dựng bản sắc cộng đồng, ‘cảm giác chúng tôi’, ‘cảm giác chúng ta’ và cảm giác ‘chúng ta luôn ở bên nhau’. ASEAN có thể can dự với người dân bằng cách khai thác các công nghệ và mạng lưới mới của nhân dân và các thể chế nhằm làm sâu sắc ý thức về cảm giác thân thiết và bản sắc ASEAN.

Và sau cùng, khi người dân coi tầm nhìn và sứ mạng ASEAN là của chính họ thì ASEAN sẽ trụ vững hơn trong việc quản lý những bất ổn bên ngoài mà khu vực này phải đối mặt và giúp hiện thực hóa những nguyện vọng của nhân dân các nước thành viên và ASEAN”.

(theo Jakarta Post)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/20-nam-nua-asean-da-gia-93819.html