20 năm Việt Nam gia nhập APEC: Nâng tầm vị thế

Ngày 17 và 18-11-2018, Hội nghị cấp cao lần thứ 26 của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Papua New Guinea. Với chủ đề 'Tận dụng cơ hội tăng trưởng bao trùm, phát huy tương lai số', hội nghị tập trung vào ba nội dung chính: Tăng cường kết nối và thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực; thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và bền vững; đẩy mạnh tăng trưởng bao trùm thông qua cải cách cơ cấu. Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu tham dự, trong bối cảnh nước ta đã có 20 năm đóng góp cho ngôi nhà chung APEC.

Logo của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, Việt Nam. Ảnh: P.V

“Định hướng” thách thức

Trong bối cảnh trật tự quốc tế ngày càng đối mặt với nhiều bất ổn và đe dọa hơn bất kỳ thời điểm nào khác kể từ khi APEC ra đời, những thách thức đối với APEC là không nhỏ. Đó là phong trào chống toàn cầu hóa nhằm vào các mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm của APEC. Chiến tranh thương mại Trung-Mỹ căng thẳng leo thang đến mức báo động mà không có dấu hiệu dừng lại. Việc thắt chặt các điều kiện tài chính và đồng đô-la Mỹ tăng giá đe dọa bùng phát các cuộc khủng hoảng trong khu vực.

Những căng thẳng địa chính trị cũng đã tăng lên đáng kể. Bất ổn chính sách từ Bre-xít ở châu Âu cho tới “Nước Mỹ trước tiên” ở Mỹ là cao hơn nhiều so với kể từ khi APEC thành lập. Bảng cân đối tài sản của Chính phủ, hộ gia đình và các tập đoàn là rất yếu. Không gian chính sách tiền tệ thì chật hẹp. Các cơ chế đối phó khủng hoảng của khu vực chưa có sự chuẩn bị và phối hợp, trong khi đó thiếu nguồn lực.

Giá trị của APEC ở đây là nó được xem như một phương tiện làm việc thông qua các vấn đề chiến lược lớn. Lịch sử cho thấy, nếu được sử dụng hiệu quả, APEC sẽ mang lại những kết quả thực chất khi tổ chức này nỗ lực điều chỉnh Hiệp định Công nghệ thông tin trong bối cảnh cuộc tấn công mạnh mẽ của kỷ nguyên kỹ thuật số, hoặc trong việc cung cấp nền tảng cho tự do hóa thương mại của Trung Quốc khi nước này hướng tới gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

APEC được thành lập ngày 6-11-1989, tại Thủ đô Canberra (Australia). Đây là một trong những cơ chế hợp tác đầu tiên được hình thành tại khu vực nhằm góp phần thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết kinh tế trong cục diện quốc tế và khu vực sau Chiến tranh lạnh. Với 21 nền kinh tế thành viên, APEC chiếm khoảng 39% dân số thế giới, 59% GDP và 48% thương mại toàn cầu.

Các nguyên tắc nền tảng của APEC là lòng tin và quyết tâm chính trị để giữ vững an ninh và kinh tế thịnh vượng trong khu vực. Tổ chức này cung cấp một khuôn khổ duy nhất ở khu vực nhằm thúc đẩy một chương trình nghị sự chung về kinh tế dựa trên sự hợp tác, các nền kinh tế mở và thị trường tự do thông qua cam kết đem lại lợi ích tập thể.

Đó chính là những cơ sở để Hội nghị APEC lần này tập trung giải quyết những khó khăn để cùng đạt được các mục tiêu đã đề ra. Trên tinh thần ấy, đoàn Việt Nam đã chủ động tham gia và có nhiều đóng góp thiết thực vào các nội dung thảo luận cũng như trong quá trình xây dựng văn kiện, nhất là thúc đẩy triển khai hiệu quả các kết quả của Năm APEC 2017 và các ưu tiên hợp tác của Năm APEC 2018.

Đóng góp hiệu quả

Thực tế chứng minh APEC là một trong số các diễn đàn đa phương đã đem lại những lợi ích thiết thực cho Việt Nam.

Thứ nhất, Việt Nam có thêm một diễn đàn đa phương phục vụ mục đích đối ngoại, giúp giảm thiểu tình trạng bị các cường quốc lớn phân biệt đối xử, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Thứ hai, thông qua các hoạt động hợp tác kinh tế đa phương trên nhiều cấp độ, Việt Nam có điều kiện học hỏi kinh nghiệm và kỹ năng trong quản lý, điều hành nền kinh tế, nắm bắt các thông tin về chiều hướng phát triển của thế giới để định hướng và điều chỉnh chính sách trong nước. Thứ ba, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ các chương trình Hợp tác kinh tế kỹ thuật ECOTECH trong APEC. Chương trình này bao trùm nhiều lĩnh vực hợp tác với hàng trăm dự án được triển khai, tập trung vào những vấn đề liên quan đến hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý, phát triển cơ sở hạ tầng, tiếp nhận thông tin, phát triển thị trường...

Thứ tư, nâng cao khả năng quản lý, kinh doanh, mở rộng quan hệ thương mại đầu tư và thâm nhập thị trường. Thứ năm, trao đổi kinh nghiệm, tạo thêm động lực thúc đẩy phát triển nội lực của các doanh nghiệp và điều chỉnh cơ cấu kinh tế trong nước, tăng tính cạnh tranh trong khu vực.

Trong gần 20 năm qua, Việt Nam luôn là thành viên năng động và có trách nhiệm, đóng góp tích cực và hiệu quả cho hợp tác APEC. Nổi bật là việc đảm nhiệm và làm tốt vai trò chủ nhà APEC lần đầu tiên năm 2006, lần thứ hai năm 2017; tổ chức thành công Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế lần thứ 18 và hơn 100 sự kiện khác, đảm nhiệm vai trò Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC quốc tế.

Việt Nam đã tích cực đưa ra nhiều đề xuất, sáng kiến nhằm góp phần hoàn thiện “Ngôi nhà chung” APEC, đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên. Ví dụ, năm 2015, Việt Nam cùng một số thành viên khác như Hàn Quốc, Australia, Nhật Bản và Trung Quốc đã đề xuất thành lập nhóm chỉ đạo SOM để tiến hành kiểm điểm giữa kỳ việc thực hiện các Mục tiêu Bogor. Cũng trong năm này, Việt Nam đã đề xuất và triển khai sáng kiến tổ chức Hội nghị Bộ trưởng APEC về dịch cúm gia cầm, thông qua kế hoạch hành động APEC về phòng chống và ứng phó với dịch cúm gia cầm và các đại dịch khác.

Việt Nam chính thức trở thành thành viên của APEC tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC vào tháng 11-1998, tại Kuala Lumpur (Malaysia). Gia nhập APEC khẳng định quyết tâm triển khai đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ và hội nhập kinh tế quốc tế mà Đại hội lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra.

Cái nhìn thực tiễn

Phải nhìn nhận rằng Việt Nam tham gia APEC trong bối cảnh có nhiều bất lợi hơn so với nhiều thành viên khác của APEC. Việt Nam là nước đang phát triển, có nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi. Chính vì thế mà việc Việt Nam tham dự APEC có nhiều hạn chế, nhất là khả năng phát triển những kết quả đạt được của APEC liên quan đến tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại. Do vậy, theo các chuyên gia, thời gian tới Việt Nam cần lưu ý một số điểm sau trong quá trình tham gia APEC.

Một là, tiếp thu kinh nghiệm của APEC để rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách trong nước cho phù hợp với điều kiện đất nước và các chuẩn mực quốc tế. Hiện nay, APEC đã xây dựng nhiều bộ nguyên tắc và danh mục lựa chọn, tài liệu tổng kết kinh nghiệm của các thành viên, cùng với nhiều tài liệu tham khảo khác. Đây là nguồn tài liệu tham khảo tốt cho Việt Nam trong quá trình sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật.

Hai là, thông qua hợp tác APEC để thúc đẩy đào tạo phát triển nguồn nhân lực theo tinh thần chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về hội nhập kinh tế quốc tế. Ba là, tiếp tục đẩy mạnh việc tham gia các hoạt động của APEC theo hướng có chọn lọc. Bốn là tăng cường phổ biến thông tin và kết quả hợp tác APEC. Cần tập trung vào các đối tượng hưởng lợi và có liên quan trực tiếp như các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương. Tuy nhiên, cần chú trọng thích đáng tới các đối tượng xã hội khác nhau nhằm nâng cao hiểu biết và sự ủng hộ đối với tiến trình hợp tác APEC.

Nhìn lại 20 năm tham gia APEC của Việt Nam, có thể thấy việc gia nhập APEC là một quyết định sáng suốt, có tầm nhìn chiến lược của Ðảng và Nhà nước, nâng tầm vị thế của một Việt Nam đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế và đóng góp vào xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.

Hồng Ngọc

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/20-nam-viet-nam-gia-nhap-apec-nang-tam-vi-the/