20 người Việt đang được chữa ung thư bằng liệu pháp đạt giải Nobel Y học

Các chuyên gia Bệnh viện K (Hà Nội) khẳng định, liệu pháp miễn dịch không phải là phương thức chữa khỏi ung thư di căn mà chỉ tiêu diệt phần nào và ức chế, kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư...

Thời gian vừa qua, y học thế giới chứng kiến thành công của 2 nhà khoa học đạt giải Nobel Y học 2018 về lĩnh vực điều trị ung thư là GS James P.Allison (Mỹ) và GS Tasuku Honjo (Nhật Bản).

Nghiên cứu của 2 nhà khoa học phát hiện ra cơ chế tự phanh của hệ miễn dịch và tìm ra cách "tắt phanh" giúp kích thích tế bào miễn dịch chống lại tế bào ung thư.

Công trình này mở ra nguyên lý mới cho việc điều trị bệnh ung thư, bởi các phương pháp trước đây mới chỉ tập trung vào các tế bào ung thư mà chưa tập trung vào hệ miễn dịch.

Theo các chuyên gia của Bệnh viện K, liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư rất đơn giản, đó là dùng thuốc kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể để tấn công tế bào ung thư.

Phương thức điều trị miễn dịch này không phải quá lạ lẫm. Phương pháp này hiện đang được áp dụng tại viện K và một số bệnh viện khác trong cả nước ta.

Điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch ở Việt Nam

PGS.TS Lê Văn Quảng – Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết, từ cuối năm 2017 đến nay, Bệnh viện K đã tiến hành điều trị cho hơn 20 bệnh nhân theo liệu pháp miễn dịch. Đặc điểm của liệu pháp này là chỉ áp dụng cho bệnh nhân ung thư ở giai đoạn di căn.

Trong số 20 bệnh nhân đó, có một bệnh nhân nam 60 tuổi bị ung thư phổi di căn. Đáng lẽ ra, bệnh nhân này chỉ còn sống được 4 – 5 tháng. Nhưng, khi sử dụng liệu pháp miễn dịch, kết hợp bằng các phương pháp truyền thống như hóa chất, xạ trị, bệnh nhân vẫn sống cho đến nay được hơn 2 năm.

Theo PGS.TS Lê Văn Quảng, ở nước ta hiện nay, mới chỉ có Pembrolizumab là thuốc miễn dịch mới được cấp phép sử dụng, trong thực hành lâm sàng điều trị ung thư, từ cuối năm 2017 và đang được sử dụng ở một số bệnh viện.

Khi sử dụng thuốc này bệnh nhân sẽ phải truyền 3 tuần/lần và truyền liên tục. Nhưng chi phí cho một chu kì điều trị rất lớn, khoảng 60 - 120 triệu đồng và chưa được Bảo hiểm Y tế chi trả.

 PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc bệnh viện K (Hà Nội) thông tin cho báo chí về "Phương thức điều trị miễn dịch trong ung thư".

PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc bệnh viện K (Hà Nội) thông tin cho báo chí về "Phương thức điều trị miễn dịch trong ung thư".

Bên cạnh Pembrolizumab, còn có một số loại thuốc như: Atezolizumab, Durvalumab, Tremelimumab đã được cấp phép trong nghiên cứu lâm sàng.

Ngoài ra, một số bệnh viện lớn ở Việt Nam cũng đang phối hợp với các công ty dược phẩm và trung tâm nghiên cứu lớn trên thế giới tiến hành nghiên cứu các loại thuốc điều trị miễn dịch khác trên giai đoạn thử lâm sàng.

Không phải ai cũng có thể điều trị bằng liệu pháp miễn dịch

Thông tin thêm về liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư, BS. Phạm Tuấn Anh - Phó Trưởng khoa Điều trị A, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều cho biết: "Mặc dù, triển vọng về hiệu quả của phương pháp điều trị là rất lớn, nhưng không phải bệnh nhân ung thư nào nào cũng có chỉ định điều trị phương thức này.

Cùng một loại ung thư, nhưng không phải bệnh cảnh nào cũng có chỉ định sử dụng liệu pháp miễn dịch, mà tùy thuộc chủ yếu vào giai đoạn và đặc điểm khối u".

Còn theo PGS.TS Lê Văn Quảng, liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư thường được chỉ định để điều trị ung thư phổi di căn. Ngoài ra thuốc này cũng được chỉ định điều trị cho các bệnh nhân ung thư hắc tố, dạ dày, u lympho, gan và đường niệu đạo.

Thông thường thuốc được dùng cho giai đoạn di căn và mức độ biểu hiện của thụ thể PD-L1 trên khối u càng cao thì khả năng đạt đáp ứng với liệu pháp miễn dịch này càng cao.

Theo các chuyên gia Bệnh viện K, đây không phải là phương thức chữa khỏi ung thư giai đoạn di căn mà chỉ tiêu diệt phần nào cũng như ức chế, kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư, qua đó giúp kéo dài thời gian sống và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư.

Video: Gia cảnh cô giáo mắc ung thư bất ngờ bị cho nghỉ việc

Phạm Quý

Nguồn VTC: https://vtc.vn/20-nguoi-viet-dang-duoc-chua-ung-thu-bang-lieu-phap-dat-giai-nobel-y-hoc-d430956.html